Ba phút cùng luật sư:

Cưa bom, nổ mìn tự phát, thủ phạm tử vong ai chịu trách nhiệm?

(Dân trí) - Trong những tai nạn nổ do bom, mìn, chất nổ gây ra thì thường người gây nổ là người tử vong đầu tiên. Vậy ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân khác?

Người gây nổ trong khu dân cư đã chết, ai sẽ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân?

Vụ nổ ở Hà Đông (Hà Nội) vào ngày 19/3 là 1 trong những vụ tai nạn do bom, mìn, chất nổ gây ra. Vụ nổ này làm 4 người chết, hàng chục người bị thương và nhiều căn nhà bị hư hại. Người gây ra vụ nổ này cũng đã thiệt mạng. Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân khác trong vụ nổ này? Trong các vụ tai nạn tương tự, người gây ra tai nạn cũng tử vong thì trách nhiệm dân sự sẽ xử lý như thế nào?

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” của báo Dân trí kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư Viện Pháp Luật, sẽ trả lời tường tận những vấn đề trên.

Theo luật sư, có nhiều đối tượng liên quan có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân trong các vụ nổ chứ không chỉ riêng người trực tiếp gây ra tai nạn (ảnh vụ nổ tại Hà Đông ngày 19/3/2016: Tiến Nguyên)
Theo luật sư, có nhiều đối tượng liên quan có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân trong các vụ nổ chứ không chỉ riêng người trực tiếp gây ra tai nạn (ảnh vụ nổ tại Hà Đông ngày 19/3/2016: Tiến Nguyên)

Thưa luật sư, thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc nổ bom, mìn ở khu dân cư gây ra hậu quả nặng nề về tài sản, tính mạng và sức khỏe cho người khác, chẳng hạn như vụ nổ ở Hà Đông. Về trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý như thế nào thưa ông?

Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ là các vũ khí quân dụng được quy định tại Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011, được sửa đổi, bổ sung năm 2013.

Vì vậy, hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép bom, mìn… có thể bị xử lý hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, theo Điều 230 Bộ luật hình sự hiện hành. Khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm và khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhưng phần lớn các vụ nổ bom, mìn… thì người trực tiếp gây ra vụ nổ cũng chết cùng các nạn nhân khác, vậy việc xử lý như thế nào thưa ông?

Do người thực hiện hành vi phạm tội đã chết nên Cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự và xem xét trách nhiệm hình sự đối với người gây ra vụ nổ. Nhưng Cơ quan điều tra vẫn phải tiến hành điều tra để xem xét trách nhiệm của những người khác có liên quan (nếu có).

Còn trách nhiệm dân sự thì như thế nào thưa luật sư?

Vũ khí, chất nổ được xác định là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005. Vì vậy, theo Nghị quyết 03/2006/NQ – HĐTP, xác định trách nhiệm bồi thường như sau:

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thoả thuận khác.

Trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.

Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định người được giao có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Như vậy có rất nhiều người liên quan trong các vụ tai nạn như thế này. Nhưng chẳng may tất cả những đối tượng có trách nhiệm trên đều tử vong thì ai sẽ bồi thường cho nạn nhân thưa ông?

Về nguyên tắc, người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Tuy nhiên, nếu người gây ra thiệt hại đã tử vong, những người thừa kế của người này, tức là người được hưởng di sản thừa kế phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản cho các nạn nhân trong phạm vi tài sản được hưởng thừa kế. Còn nếu trong trường hợp người gây ra thiệt hại không để lại di sản thừa kế thì những người thừa kế không phải có trách nhiệm bồi thường.

Vâng, xin cảm ơn Thư Viện Pháp Luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến (thực hiện)