Hà Nội:

Cụ già cùng bà bầu thoát chết “gang tấc” trong vụ hoả hoạn lạ, trách nhiệm cơ quan cấp điện đến đâu?

(Dân trí) - Báo Điện tử Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của anh Đỗ Ngọc Hiếu, trú tại thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội về vụ hoả hoạn do chập điện làm cháy rụi toàn bộ nhà và xưởng gỗ của anh khiến hai bố mẹ già 90 tuổi, người vợ mang thai của anh thoát chết trong gang tấc. Vậy trách nhiệm của đơn vị cung cấp điện đến đâu trong vụ việc này?

Đơn kêu cứu cho rằng đã gần gần 1 năm trôi qua, HTX dịch vụ điện Liên Hà vẫn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại cho gia đình anh về vụ cháy xảy ra ngày 14/5/2016.

Theo Đơn kêu cứu thì vào khoảng 0h00 ngày 14/05/2016, sự cố chập cháy đường dây tải điện thuộc sự quản lý của Hợp tác xã dịch vụ điện Liên Hà (HTX dịch vụ điện Liên Hà) đã gây hỏa hoạn lớn. Vị trí chập cháy xảy ra ở cây cột điện phía Đông Nam cạnh xưởng mộc nhà anh Hiếu, lửa nhanh chóng lan từ cây cột điện xuống khu lán xưởng, sau đó lan sang khu nhà ở khiến toàn bộ tài sản của gia đình anh bị hủy hoại hoàn toàn và không còn công năng sử dụng. Rất may gia đình và hàng xóm phát hiện kịp thời nên đã chạy thoát khỏi đám cháy, tuy nhiên toàn bộ hàng hoá trong khu xưởng cũng như nội thất của gia đình đã bị hư hỏng toàn bộ, các thành viên trong gia đình cũng như hàng xóm xung quanh thì một phen hoảng loạn vô cùng.


Cây cột điện nằm ngay sát xưởng sản xuất và nhà dân trong vụ hoả hoạn kinh hoàng.

Cây cột điện nằm ngay sát xưởng sản xuất và nhà dân trong vụ hoả hoạn kinh hoàng.

Liên quan tới vấn đề an toàn điện tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh và trách nhiệm của HTX dịch vụ điện Liên Hà (đơn vị bán điện cho người dân), PV Dân trí đã có cuộc gặp và trao đổi với Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý.

PV: Thưa Luật sư, xin luật sư cho biết pháp luật hiện hành có quy định như thế nào về việc truyền tải và phân phối điện hiện nay? Luật sư có quan điểm như thế nào về vấn đề đảm bảo an toàn điện trong phân phối điện của tổ chức bán điện đến người dân tại xã Liên Hà?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Căn cứ theo quy định Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực thì: “Đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tạo, nâng cấp các đường dây, trạm biến áp truyền tải và phân phối điện hiện có để đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương hoặc cao hơn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam”

Mặt khác, tại điểm b Khoản 1 Điều 11 Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện cũng quy định rõ: Đối với hành lang bảo vệ an toàn của đường dây dẫn điện trên không thì chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh. Đối với mức điện áp đến 22kV thì khoảng cách an toàn trong trường hợp dây bọc là 1,0m, đối với dây trần thì khoảng cách là 2,0m.

Như vậy, theo các quy định này thì đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm nâng cấp các đường dây hiện có để đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia trong đó có việc đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn của đường dây điện trên địa bàn thuộc quản lý của mình.

Xét đối với trường hợp phân phối điện của tổ chức bán điện đến người dân tại xã Liên Hà:

Theo thông tin phản ánh từ người dân thì hầu hết ở các địa bàn khác tại huyện Đông Anh, người dân trực tiếp mua điện từ Công ty điện lực Đông Anh còn người dân tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội sử dụng điện do HTX dịch vụ điện Liên Hà (gọi tắt là HTX Liên Hà) cung cấp.

Cụ già cùng bà bầu thoát chết “gang tấc” trong vụ hoả hoạn lạ, trách nhiệm cơ quan cấp điện đến đâu? - 2

Đơn kêu cứu gia đình nạn nhân gửi Báo Dân trí.

Đơn kêu cứu gia đình nạn nhân gửi Báo Dân trí.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì HTX Liên Hà hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí (Loại khoản (130-131): Sản xuất, truyền tải và phân phối điện).

Như vậy, theo quy định trên, là một đơn vị truyền tải, phân phối điện, HTX Liên Hà cũng phải tuân thủ các quy định trong quá trình xây dựng đường dây truyền tải điện (đối với các đường dây đã có trước đó phải có kế hoạch nâng cấp để đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo các quy định chung về lắp đặt đường dây phân phối, truyền tải điện).

Như đã phân tích ở trên thì khoảng cách an toàn tính từ dây dẫn bọc hạ thế đến tường xây của nhà dân ở trạng thái tĩnh là 1,0m. Tuy nhiên, thực tế cho thấy HTX Liên Hà đang không đảm bảo được quy định về khoảng cách an toàn điện bởi:

Thứ nhất, nhiều cây cột điện được đặt sát nhà dân tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện và tai nạn điện. Mỗi khi có mưa gió lớn thì việc người dân đi lại trong hành lang an toàn lưới điện không khác nào đùa với “tử thần”.

Thứ hai, thực tế đi qua khu vực thôn Châu Phong có thể dễ dàng nhận thấy những bó dây điện chằng chịt được buộc tạm bợ, vắt vẻo; hàng chục công tơ điện “chen lấn nhau” trên cột điện cũng làm cho không ít người hoang mang. Người dân sử dụng điện nơi đây và những người khách đi qua có thể dễ dàng nhìn thấy tình trạng nhiều chiếc công tơ điện “bám” vào một cột điện là chuyện hết sức bình thường ở đây. Đáng ngại là, những cột điện có công tơ đeo bám lại nằm sát với nhà dân, là mối nguy hiểm thường trực, sự cố chập điện, cháy nổ các công tơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tất cả những vấn đề trên thuộc trong phạm vi trách nhiệm quản lý của đơn vị phân phối, truyền tải điện ở địa phương nên tôi cho rằng các cơ quan chủ quản điện lực cần sớm xem xét lại việc quản lý, vận hành lưới điện của HTX Liên Hà để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân, tránh để đến khi xảy ra những thiệt hại lớn về người và tài sản rồi mới xem xét đến thì hậu quả đã khôn lường.

PV: Do mạng lưới điện chằng chịt, kém an toàn nên cũng đã xảy ra chập, cháy gây hậu quả nghiêm trọng tại nơi tập trung đông dân cư. Gần đây nhất là vụ cháy diễn ra ngày 15/8/2016 tại gia đình anh Đỗ Ngọc Hiếu. Theo điều tra của chúng tôi thì chỉ trong vòng hai năm trở tại cây cột điện gần chợ Châu Phong đã xảy ra khoảng ba vụ cháy, trong đó có hai vụ cháy lớn. Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ xác định việc nguyên nhân xảy ra các vụ cháy là do mạng lưới đường dây kém an toàn thì trách nhiệm của đơn vị phân phối, truyền tải điện địa phương được pháp luật quy định như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Để sử dụng điện, người có nhu cầu sử dụng phải ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị phân phối. Vì vậy, trong trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy rằng nguyên nhân xảy ra chập cháy không do lỗi của người dân thì đơn vị phân phối, truyền tải điện ở địa phương (ở đây là HTX Liên Hà) sẽ phải chịu trách nhiệm với người mua bán điện và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, trách nhiệm với người ký hợp đồng mua điện:

Tại Điều 13 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 13. Hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện

1. Các hành vi vi phạm của bên bán điện bao gồm:

a) Trì hoãn việc cấp điện theo hợp đồng mua bán điện đã ký, trừ trường hợp công trình của khách hàng chưa đủ điều kiện vận hành;

b) Không bảo đảm chất lượng, số lượng điện năng, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Ghi sai chỉ số công tơ; tính sai tiền điện trong hóa đơn;

d) Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

đ) Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.”.

Như vậy, hành vi không đảm bảo chất lượng, tính ổn định trong cấp điện, trì hoãn không bồi thừng thiệt hại cho bên mua điện do lỗi của mình … được xác định là hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện và bên bán điện phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Để xác định mức độ, lỗi của bên bán điện vi phạm như thế nào trong trường hợp thiết lập đường dây không an toàn dẫn đến cháy, nổ cần căn cứ trên các điều khoản của Hợp đồng mua bán điện đã được giao kết.

Cụ già cùng bà bầu thoát chết “gang tấc” trong vụ hoả hoạn lạ, trách nhiệm cơ quan cấp điện đến đâu? - 4

Hiện trường tan hoang sau vụ cháy nhưng may mắn người già và bà bầu đã kịp thoát thân nên không có thiệt hại về người.

Hiện trường tan hoang sau vụ cháy nhưng may mắn người già và bà bầu đã kịp thoát thân nên không có thiệt hại về người.

Thứ hai, trách nhiệm với cơ quan quản lý trực tiếp và trách nhiệm trước pháp luật:

Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì với việc lắp đặt đường dây không đảm bảo an toàn, đơn vị sản xuất, phân phối, truyền tải điện có thể bị xử phạt hành chính về một trong số các hành vi sau với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 100.000.000 đồng:

+ Thiết kế, lắp đặt và đưa vào vận hành lưới điện, nhà máy điện không đáp ứng được các quy định về kỹ thuật, an toàn điện;

+ Lắp đặt và đưa vào vận hành các vật tư, thiết bị điện không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

+ Không tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về đấu nối và vận hành nhà máy điện, lưới điện;

+ Cung cấp dịch vụ truyền tải không đúng quy định tại Quy định hệ thống điện truyền tải, gây thiệt hại cho Đơn vị phát điện, Đơn vị phân phối điện, khách hàng sử dụng điện đấu nối trực tiếp vào lưới truyền tải điện, trừ trường hợp lưới điện quá tải theo xác nhận của Cơ quan điều tiết điện lực.

Để xử lý các đơn vị có liên quan về các hành vi trên cần thanh tra, kiểm tra lại về hệ thống quản lý, vận hành của đơn vị truyền tải, phân phối điện, việc lắp đặt các cột, đường dây truyền tải điện và cả quá trình xây dựng công trình của những người sử dụng điện để xác định việc xây dựng nhà, công trình có nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường điện hay không.

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc HTX Liên Hà có thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của mình và thực hiện đúng các quy định về việc đảm bảo an toàn trong hoạt động điện hay không nhưng rõ ràng qua tình trạng mất an toàn điện diễn ra trong nhiều năm qua trên địa bàn này, thiết nghĩ rằng các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra lại về quá trình quản trong quá trình quản lý, vận hành, phân phối điện của đơn vị này.

Xin cảm ơn luật sư!


Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Văn Phong - Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Liên Hà cho rằng căn cứ vào kết luận giám định hiện trường vụ cháy xác định hoả hoạn xảy ra phía sau công tơ điện nên hợp tác xã không có trách nhiệm gì mà còn là nạn nhân.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Văn Phong - Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Liên Hà cho rằng căn cứ vào kết luận giám định hiện trường vụ cháy xác định hoả hoạn xảy ra phía sau công tơ điện nên hợp tác xã không có trách nhiệm gì mà còn là nạn nhân.

Trao đổi với PV Dân trí về sự cố chập, cháy điện nghiêm trọng xảy ra tại chính gia đình mình vào khoảng 0h00 ngày 14/05/2016, anh Đỗ Ngọc Hiếu - người dân thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh cho biết: Khi hiện tượng chập, cháy đường dây điện xảy ra, hang xóm là anh Đỗ Văn Mạnh và chị Thủy (vợ anh Mạnh) là những người phát hiện đầu tiên đã nhanh chóng hô hoán và báo cho gia đình anh Hiếu. Sau đó đã có sự chứng kiến của rất nhiều nhân chứng là hàng xóm của gia đình anh Hiếu như ông Phạm Văn Nhượng, ông Võ Văn Tràng, ông Phạm Khắc Hiếu và anh Đỗ Trung Trực, tất cả đều khẳng định: việc chập, cháy xảy ra trước tại cây cột điện góc Đông Nam - cạnh xưởng mộc của nhà anh Hiếu, khi cháy trên cây cột điện thấy trong nhà xưởng của gia đình anh Hiếu không có ánh đèn điện, không thấy có máy móc hoạt động. Sau đó, cháy lan từ cây cột điện xuống khu xưởng và nhà ở của gia đình anh Hiếu (Vi bằng số 183/2016/VB – TPLHĐ do Văn phòng thừa phát lại quận Hà Đông lập ngày 05/07/2016). Đám cháy đã gây thiệt hại về tài sản của gia đình lên tới 01 tỷ đồng, rất may bố mẹ già 90 tuổi, người vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh nở và hai đứa con thơ của anh Hiếu đã được cứu ra ngoài an toàn.

Anh Hiếu khẳng định: Rõ ràng, nếu như HTX Liên Hà tuân thủ các quy định về an toàn trong vận hành và truyền tải điện năng thì sự việc xảy ra tại gia đình anh ngày 14/5/2016 đã không xảy ra.

Các sự việc chập, cháy mạng lưới tải điện thuộc quản lý của HTX Liên Hà thường xuyên xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng khiến người dân xã Liên Hà rất hoang mang, lo lắng và đặt ra rất nhiều câu hỏi: Liệu HTX Liên Hà có còn phù hợp là đơn vị phân phối điện đến người dân tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh? Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước được thể hiện như thế nào khi tình trạng chập điện trên thường xuyên xảy ra?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Anh Thế