CSGT đề nghị chủ quán nhậu báo tin khách say xỉn: Chủ quán chịu thiệt?

Hải Hà

(Dân trí) - Việc đề nghị chủ quán báo CSGT đến xử lý những người uống rượu bia cố tình lái xe liệu có khả thi trong thực tế không... là băn khoăn của nhiều độc giả.

Đội CSGT Nam Sài Gòn, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM vừa cùng với công an các phường đến từng quán nhậu, nhà hàng trên đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.

Đồng thời, tuyên truyền đến các chủ quán nếu phát hiện thực khách uống rượu, bia mà vẫn lái phương tiện về nhà thì báo cho công an địa phương và CSGT để xử lý.

Đội CSGT Nam Sài Gòn cho biết sau khi tuyên truyền, đội sẽ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại các tuyến đường có nhiều quán nhậu để kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có người cố tình vi phạm.

CSGT đề nghị chủ quán nhậu báo tin khách say xỉn: Chủ quán chịu thiệt? - 1

CSGT dán băng rôn "Không lái xe sau khi uống rượu bia" tại một quán nhậu ở TPHCM (Ảnh: H.N.).

Cho rằng đây là một chiến dịch đầy tính nhân văn, thể hiện nỗ lực của CSGT để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, nhiều độc giả Dân trí đã chia sẻ ý kiến cá nhân xoay quanh vấn đề.

Theo đó, độc giả Tuấn Trần chia sẻ, luật thì quá rõ ràng, lái xe mà uống bia rượu thì bị phạt, lâu nay tai nạn giao thông do rượu bia gây ra vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người. Điều này chứng tỏ, phạt thôi là chưa đủ, cái cốt lõi là mỗi người dân phải tự ý thức và chấp hành nghiêm. "Tôi ủng hộ CSGT, đã đến lúc các chủ quán nhậu phải thể hiện trách nhiệm của mình với khách của họ. Ở nước ngoài, bán bia cho người say xỉn hay để người say tự lái xe là không yên với luật pháp của họ, nước ta nên học hỏi".

"Tôi kiến nghị, Nhà nước nên ban hành quy định tất cả các nhà hàng, quán ăn có bán bia rượu tại chỗ phải trang bị máy đo nồng độ rượu tại cửa quán. Khi thực khách ăn nhậu xong ra về mà nồng độ vượt quá con số cho phép thì Nhà hàng phải bố trí có xe đưa thực khách về.

Tại Mỹ, các quán bar, quán nhậu có quyền và trách nhiệm giữ chìa khóa xe của người say xỉn, sau đó họ sẽ liên lạc với người thân của họ, để họ đến đón về.

Bar đó cũng có thể gọi taxi để đưa họ về nhà nếu họ muốn thế. Thông thường thì những người say xỉn sẽ hợp tác để về nhà an toàn. Trong trường hợp họ không hợp tác, bar vẫn có quyền giữ chìa khóa xe và gọi cảnh sát đến giải quyết.

Tương tự như thế, chủ nhà mời bạn đến vui chơi ăn nhậu. Nếu khách say xỉn thì chủ nhà vẫn có quyền tương tự như quán bar. Khi say xỉn thì mất quyền sử dụng xe, thiết bị động cơ, mục đích chính là sự an toàn cho người say xỉn và người xung quanh, nên pháp luật cho phép bar hoặc chủ nhà có quyền và trách nhiệm như nói trên. Đó sự hợp tác với cảnh sát để tránh những tai nạn chết người.

Vì thế tôi nghĩ đề nghị của CSGT TPHCM là một bước đầu cần thiết để ngăn chặn những tai nạn nguy hiểm tính mạng", độc giả Thiết Hùng bày tỏ quan điểm.

"Khi thực hành đề nghị này, tôi mong các chủ quán nhậu và khách cũng nên nghiêm túc, hãy bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực bởi mục đích chính là sự an toàn cho bản thân và người xung quanh. An toàn về đến nhà với gia đình mình và cũng để người xung quanh an toàn về nhà với ông/bà/cha/mẹ/vợ/chồng/con/cháu", bạn đọc Hải Đăng nhắn nhủ.

Báo tin xong thì sau bao nhiêu phút sau CSGT sẽ có mặt? Không có mặt thì sao?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi với những câu hỏi như: Báo tin xong thì sau bao nhiêu giây CSGT sẽ có mặt để can thiệp? Hay là khách phóng xe đi rồi thì CSGT mới có mặt? Làm sao chủ quán có thể yêu cầu khách nán lại được, khách khoảng vài chục người cùng về một lúc thì quán sao đủ nhân sự làm việc giữ chân khách được? Hơn nữa gặp phải khách giang hồ, cho tiền các nhân viên cũng không dám làm vậy.

"Đã quy định xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn thì CSGT cứ việc phạt, tại sao lại đòi chủ quán báo cáo những người uống say vẫn lái xe? Chủ quán mà làm thế thì ai dám đến quán đó mà nhậu? Đây chỉ là tuyên truyền, vận động các chủ quán thôi, chứ nếu họ không/không thể thực hiện được thì có bị xử phạt không? Luật nào quy định điều đó?", độc giả Hiệp Nguyễn đưa ra một loạt thắc mắc.

Bạn đọc Trần Nguyễn Thiên Tân đặt ra tình huống: Nếu khách không nghe theo lời khuyên chủ quán tự lái xe về sau khi uống rượu bia mà bị thổi phạt họ sẽ nghĩ chủ quán báo công an, chủ quán sẽ mất khách. Thiệt hại cho chủ quán!

CSGT đề nghị chủ quán nhậu báo tin khách say xỉn: Chủ quán chịu thiệt? - 2

Đề nghị của CSGT TPHCM là một bước đầu cần thiết để ngăn chặn những tai nạn nguy hiểm tính mạng (Ảnh minh họa).

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Pháp trị cho biết, luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định về Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau: Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia(Khoản 3 điều 4 ). Hành vi có nồng độ cồn trong máu mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông là hành vi vi phạm quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Do vậy chủ các quán bia, rượu, nhà hàng phát hiện khách sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện ô tô, xe máy tham gia giao thông thì phải có trách nhiệm pháp lý thông báo tình trạng vi phạm đó đến cơ quan CSGT. Tuy nhiên từ trước đến nay người dân nói chung, chủ các quán bán rượu bia thường không biết đến hoặc cũng không xem trọng trách nhiệm thực thi nghĩa vụ pháp lý trên đây.

Do đó Đội Cảnh sát giao thông Nam Sài Gòn yêu cầu chủ quán nếu phát hiện khách uống rượu, bia, mà vẫn cố tình lái xe thì báo cho CSGT và công an địa phương là việc làm rất thiết thực để nhắc nhở nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật của người dân, chủ các quán, địa điểm bán bia rượu

Việc làm này của Đội Cảnh sát giao thông Nam Sài Gòn có căn cứ pháp luật theo quy định tại khoản 1, 2, điều 3 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; Ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông;

Tuy vậy cũng cần nhìn nhận rằng nếu chỉ tuyên truyền vận động thì tính khả thi của việc yêu cầu chủ quán nếu phát hiện khách uống rượu, bia, mà vẫn cố tình lái xe thì báo cho CSGT và công an địa phương sẽ không cao. Các chủ quán chỉ tỏ ra hợp tác để cho xong chuyện chứ với tâm lý có khách hàng có lợi nhuận thì không chủ quán nào lại đi thông báo khách hàng của mình cho cơ quan chức năng để xử lý cả. Ý tưởng tốt, có giá trị tuyên truyền nhưng tính thực tiễn gần như bằng không.

Để tăng cường hiệu quả của việc yêu cầu chủ quán nếu phát hiện khách uống rượu, bia, mà vẫn cố tình lái xe thì báo cho CSGT và công an địa phương thì cần điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành. Theo đó xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể của chủ quán và nếu không chấp hành sẽ chịu chế tài xử phạt.