Công trình xây kè “nuốt” dòng chảy tại Quảng Bình: Bổ sung một số hạng mục

Đặng Tài

(Dân trí) - Liên quan đến công trình kè chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành làm ảnh hưởng đến dòng chảy, nguy cơ gây sạt lở nhà dân, chủ đầu tư dự án sẽ đề xuất thêm kinh phí để bổ sung một số hạng mục phù hợp.

Như dân trí đã phản ánh, hói Đông Thành-Xuân Hồi, nằm tại xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã có từ bao đời nay và gắn chặt với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây.

Hói này còn là kênh giao thông đường thủy của 2 làng Đông Thành và Xuân Hồi, xã Liên Thủy, đồng thời cũng là tuyến thoát nước trong mùa mưa lũ. Trải qua thời gian, dòng hói đã bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy nên người dân trên địa bàn mong muốn hói được đầu tư nâng cấp, cải tạo thông thoáng, sạch đẹp phục vụ dân sinh.

Công trình xây kè “nuốt” dòng chảy tại Quảng Bình: Bổ sung một số hạng mục - 1

Công trình kè chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy(Quảng Bình) đang được xây dựng.

Dự án xây dựng kè chống sạt lở hói Xuân Hồi - Đông Thành sau đó cũng đã được phê duyệt. Công trình có tổng chiều dài gần 750m, với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2020-2022.

Thế nhưng, khi công trình kè chống sạt lở này được khởi công xây dựng lại có dấu hiệu lấn chiếm không gian của lòng hói, làm hẹp dòng chảy, cản trở lưu thông của dòng nước và nguy cơ gây sạt lở nhà cửa của người dân bên phía thôn Đông Thành.

Theo một số người dân thôn Đồng Thành, công trình gọi là chống sạt lở hói Xuân Hồi - Đông Thành, nhưng thực tế chỉ xây dựng bên phía Xuân Hồi và lấn ra gần giữa con hói chung của 2 thôn.

Công trình xây kè “nuốt” dòng chảy tại Quảng Bình: Bổ sung một số hạng mục - 2

Người dân ở thôn Đông Thành lo ngại, công trình xây dựng kè chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành làm ảnh hưởng đến dòng chảy, nguy cơ gây sạt lở nhà dân.

Bên cạnh đó, tuyến kè được thiết kế dạng đứng trọng lực, trong khi phần lớn các tuyến kè sông, kè biển đều được thiết kế theo kiểu lát mái. Về lâu dài, rất dễ xảy ra nguy cơ hư hỏng tuyến kè khi trọng lực của các phương tiện lưu thông qua tuyến đường này tác động.

Trước những phản ánh có cơ sở của người dân, chủ đầu tư dự án là UBND xã Liên Thủy đã tổ chức đối thoại với các hộ dân thôn Đông Thành về các kiến nghị trong quá trình xây dựng kè chống sạt lở hói Đông Thành- Xuân Hồi.

Tại buổi đối thoại, người dân cũng đã nêu ra một số bất cập như: kè không được xây phía sạt lở, thiết kế bờ kè chưa phù hợp, lấn ra giữa lòng hói, ống thoát nước thải trực tiếp ra dòng hói làm ô nhiễm môi trường…

Công trình xây kè “nuốt” dòng chảy tại Quảng Bình: Bổ sung một số hạng mục - 3

UBND xã Liên Thủy sẽ đề nghị chính quyền cấp trên đầu tư kinh phí để xây dựng tuyến kè phía thôn Đông Thành, nhằm khơi thông dòng chảy, cải tạo vệ sinh môi trường, bảo vệ trục đường giao thông khỏi bị sạt lở và mỹ quan cho hai thôn Đông Thành- Xuân Hồi.

Đại diện chủ đầu tư, ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết, UBND xã này còn thiếu sót khi không tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để triển khai xây dựng công trình.

Về các ống thoát nước thải xả thẳng ra hói Đông Thành - Xuân Hồi, chính quyền địa phương sẽ vận động người dân lắp đặt thêm các ống nhựa sâu xuống mặt nước, đồng thời xử lý lắng lọc trước khi dẫn ra hói.

Bên cạnh đó, UBND xã Liên Thủy cũng sẽ đề xuất nguồn vốn đầu tư sửa chữa cống thoát nước thôn Đông Thành- Xuân Hồi để bảo đảm thoát nước trong mùa mưa lũ.

Đồng thời đề nghị chính quyền cấp trên đầu tư kinh phí để xây dựng tuyến kè phía thôn Đông Thành nhằm khơi thông dòng chảy, cải tạo vệ sinh môi trường, bảo vệ trục đường giao thông khỏi bị sạt lở và mỹ quan cho hai thôn Đông Thành - Xuân Hồi.