Quảng Bình: Dân bức xúc vì công trình xây kè “nuốt” dòng chảy!

Đặng Tài

(Dân trí) - Nhiều người dân ở thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy bức xúc phản ánh, công trình xây dựng kè chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, nguy cơ gây sạt lở nhà dân.

Bức xúc phản ánh đến phóng viên Báo điện tử Dân trí, hàng chục hộ dân thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, hói Đông Thành-Xuân Hồi đã có từ bao đời nay và gắn chặt với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây.

Hói này còn là kênh giao thông đường thủy của 2 làng Đông Thành-Xuân Hồi, đồng thời cũng là tuyến thoát nước trong mùa mưa lũ. Trải qua thời gian, dòng hói đã bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy nên người dân trên địa bàn mong muốn hói được đầu tư nâng cấp, cải tạo thông thoáng, sạch đẹp phục vụ dân sinh.

Quảng Bình: Dân bức xúc vì công trình xây kè “nuốt” dòng chảy! - 1

Công trình kè chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy(Quảng Bình) đang được xây dựng.

Thế nhưng, khi công trình kè chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành được khởi công xây dựng lại có dấu hiệu lấn chiếm không gian của lòng hói, làm hẹp dòng chảy, cản trở lưu thông của dòng nước và nguy cơ gây sạt lở nhà cửa của người dân bên phía thôn Đông Thành.

“Gọi là công trình chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành nhưng thực tế chỉ xây dựng bên phía Xuân Hồi và lấn ra gần giữa con hói chung của 2 thôn. Bên cạnh đó, tuyến kè được thiết kế dạng đứng trọng lực, trong khi phần lớn các tuyến kè sông, kè biển đều được thiết kế theo kiểu lát mái. Về lâu dài, rất dễ xảy ra nguy cơ hư hỏng tuyến kè khi trọng lực của các phương tiện lưu thông qua tuyến đường này tác động”, những hộ dân ở thôn Đông Thành phát giác.

Quảng Bình: Dân bức xúc vì công trình xây kè “nuốt” dòng chảy! - 2
Quảng Bình: Dân bức xúc vì công trình xây kè “nuốt” dòng chảy! - 3

Người dân ở thôn Đông Thành lo ngại, công trình xây dựng kè chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành làm ảnh hưởng đến dòng chảy, nguy cơ gây sạt lở nhà dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết, hói Đông Thành có nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất cho hơn 400ha lúa của HTX Đông Thành, Xuân Hồi, một phần của xã Cam Thủy và thị trấn Kiến Giang. Qua nhiều năm sử dụng, hiện nay hói đã bị sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng, có nhiều đoạn bị xói lở sâu vào nhà dân làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân và điều tiết nước sản xuất.

Bởi vậy, ngày 30/7/2020, UBND huyện Lệ Thủy đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xin kinh phí xây dựng kè chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành. Công trình xây dựng kè chống sạt lở hói Xuân Hồi-Đông Thành có chiều dài gần 750m, do UBND xã Liên Thủy làm chủ đầu tư được khởi công vào tháng 3/2020, với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Thời gian thi công là 12 tháng, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Ông Linh cũng cho biết thêm, công trình được thiết kế với hình thức kè tường đứng trọng lực, trên tuyến bố trí thêm 5 bến dân sinh. Mục tiêu của công trình là bảo đảm khơi thông dòng chảy, cải tạo vệ sinh môi trường, bảo vệ trục đường giao thông khỏi bị sạt lở và mỹ quan nông thôn cho xã Liên Thủy.

Còn ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Hòa Bình (đơn vị tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật) cho hay, thực hiện nhiệm vụ tư vấn khảo sát, ban đầu đơn vị đề xuất phương án xây dựng kè mái, bê tông, tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp, trong khi các đơn vị liên quan tham khảo công trình kè đã thi công từ trước (dạng đứng trọng lực) nên sau đó chủ đầu tư quyết định chọn phương án như hiện tại.

Quảng Bình: Dân bức xúc vì công trình xây kè “nuốt” dòng chảy! - 4

Do kinh phí hạn hẹp và sau khi tham khảo công trình kè đã thi công trước đó, chủ đầu tư đã quyết định chọn phương án xây dựng kè dạng đứng trọng lực.

“Do kè thiết kế dạng đứng trọng lực nên đơn vị đã có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm chất lượng công trình về lâu dài, an toàn ở các bến dân sinh, đồng thời bảo đảm dòng chảy của hói Đông Thành-Xuân Hồi”, ông Hải cho hay.

Thế nhưng, người dân thôn Đông Thành lại đặt câu hỏi, liệu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã có phương án đánh giá tác động môi trường hay chưa đối với việc xây kè mở rộng đường nhưng lại lấn ra giữa lòng hói, khi triển khai xây dựng công trình này.

“Nếu dòng hói không còn phát huy tác dụng thì nên có giải pháp lấp đất để thiết kế tuyến đường ngay giữa hói, nhằm bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân 2 thôn Đông Thành”, người dân nơi đây đặt câu hỏi (?!).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm