Công trình xây dựng gây hoạ "trên trời rơi xuống", ai chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Trong thời gian ngắn trở lại đây, trên địa bàn TPHCM và Hà Nội liên tiếp xảy ra các sự cố rơi vật liệu xây dựng xuống nhà dân, xuống đường gây ra tai nạn đáng tiếc, thậm chí gây thương vong khiến nhiều người hoang mang...
Điểm lại thực trạng, vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra khoảng 18h15 ngày 27/9, tại một tòa nhà Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê ở Hà Nội. Theo đó, khung sắt rơi từ tầng mái công trình xuống đường và rơi trúng người đi đường khiến nạn nhân tử vong.
Trước đó ngày 24/9, tại công trình xây dựng dự án trung tâm thương mại Homes 2 - TPHCM, cũng xảy ra sự cố, một thanh sắt lớn từ công trình này rơi xuống, cắm xuyên qua mái tôn nhà thuộc khu vực lân cận công trình. Sự cố khiến cư dân tại đây một phen "hồn phiêu phách lạc".
Có thể nói, những sự cố về xây dựng thời gian gần đây xảy ra liên tục và có chiều hướng nghiêm trọng hơn đang khiến người dân hoang mang, lo sợ. Nhiều vụ tai nạn đã gây ra thiệt hại về tài sản lẫn con người.
Vậy, xét theo góc độ luật pháp, vấn đề này như thế nào? Trách nhiệm của nhà thầu thi công, chủ đầu tư công trình là ra sao, thưa luật sư?
LS Nguyễn Đức Chánh: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu phải tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động.
Nhà thầu phải tổ chức lập biện pháp thi công, trong đó có biện pháp đảm bảo an toàn lao động theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình.
Còn trách nhiệm của Chủ đầu tư thì xem xét thỏa thuận trong hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng giao thầu…
Trong trường hợp sự cố gây ra hậu quả chết người như vụ rớt khung sắt ở Hà Nội vào ngày 27/9 vừa qua thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của các bên liên quan không thưa luật sư? Và người bị thiệt hại, người thân của người bị nạn phải làm gì để đòi quyền lợi cho mình?
LS Nguyễn Đức Chánh: Khi xảy ra vụ việc thì cơ quan chức năng phải tiến hành xác minh, điều tra theo quy định. Trên cơ sở xác minh, điều tra thì có thể xác định trách nhiệm của những người liên quan đến việc phụ trách an toàn lao động công trình. Nếu những người này vi phạm quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ xây dựng mà gây hậu quả chết người thì đã có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về an toàn lao động.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm và cao nhất là bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.
Về dân sự thì theo Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, người thân của người bị nạn cần lưu giữ hóa đơn, chứng từ về chi phí hợp lý nêu trên để yêu cầu người chịu trách nhiệm bồi thường phải thanh toán theo quy định.
Vâng, xin cảm ơn luật sư!
Việt Khuê