Công tác quản lý và nghiên cứu xã hội học

(Dân trí) - Dường như ở nước ta, vai trò nghiên cứu xã hội học chưa được coi là căn cứ quan trọng của công tác quản lý. Thật ra, giữa công tác quản lý và nghiên cứu xã hội học có mối quan hệ hữu cơ.

Một người làm khoa học thì thường không hay phê bình khen chê. Đó là nguyên tắc tối cần của thao tác nghiên cứu. Nhất là cho xã hội học.

 

Xã hội học gia cũng không tham gia công tác quản lý vì nếu không, họ có thể, với vai trò quản lý, làm biến dạng chủ thể của nghiên cứu (hiện tượng xã hội), hết khách quan và sẽ không còn sự nghiêm túc khoa học.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nhưng giữa quản lý và nghiên cứu xã hội học có nhiều liên hệ. Có thể nói một cách ngắn gọn là: nghiên cứu xã hội học cần cho quản lý trước một quyết định, để quyết định và đánh giá khách quan sau quyết định.

 

  • Xã hội học gia nghiên cứu, mô tả, phân tích, giải thích sự kiện. Từ đó giới quản lý có thể dựa lên những hiểu biết ấy,  rõ hơn và khoa học hơn, để đi tới những quyết định có cơ sở. 
  • Đồng thời với những hiểu biết về những đặc thù của từng hoàn cảnh, đối tượng, ... người quản lý sẽ chọn và sử dụng công cụ thích ứng cho quản lý.
  • Sau đó, để kiểm tra hiệu quả của công tác, người quản lý có thể nhờ một nghiên cứu xã hội học, khách quan và từ bên ngoài.

Thí dụ cổ điển của tôi là: nếu muốn làm một chiến dịch chống hút thuốc lá thì phải biết ai hút thuốc (giới tính, thành phần xã hội, tuổi tác, ...) , tại sao họ hút thuốc, họ hút thuốc gì, hút bao nhiêu mỗi ngày... Từ đó, tùy theo đối tượng, đặc thù của họ và tùy theo chính sách nhà nước, ngân quỹ cho chiến dịch ...xã hội học gia có thể đề nghị những phương cách tiếp cận thích hợp. Sau chiến dịch, một nghiên cứu khác để xem ai còn hút thuốc lá, hút bao nhiêu, vì sao... để tính ra, một cách khách quan, hiệu quả của chiến dịch chống hút thuốc lá ấy.
 
Công tác quản lý và nghiên cứu xã hội học - 1

Giữa quản lý và nghiên cứu xã hội học có nhiều liên hệ. Có thể nói một cách ngắn gọn là nghiên cứu xã hội học cần cho quản lý trước một quyết định, để quyết định và đánh giá khách quan sau quyết định. (nguồn ảnh: internet)
 

Hai thí dụ cụ thể:

 

Năm 1975, khi giới thẩm quyền định mở cửa khuôn viên trường Đại học Liège cho dân chúng (và để chuyển một phần chi phí bảo quản campus qua thành phố, cho nhẹ bớt gánh nặng cho đại học), chúng tôi đã được gọi tới để nghiên cứu nhu cầu của những người đi dạo trong rừng Sart Tilman (địa danh của khu đại học) để trang bị cho khu 2000 hecta rừng ấy.
 
Rốt cục, tới bây giờ, mỗi khi gặp một sọt rác trên đường đi dạo trong rừng nơi này, các con tôi vẫn nhìn tôi và mỉm cười một cách ý nhị – đó là kết quả của tôi ấy mà: các sọt rác, chỗ nướng barbecue, ghế ngồi hay bảng chỉ phương hướng ... là những kết quả của nghiên cứu hồi ấy.

 

Năm 1979, giữa lúc kinh tế khó khăn, chính phủ Bỉ không biết có cần cắt bỏ ngân sách tài trợ cho cơ quan giúp các gia đình đông con, chúng tôi lại được "mời đến" để nghiên cứu giá trị của những tài trợ này. Chúng tôi đã so sánh 3.000 gia đình đông con được giúp đỡ mua nhà giá rẻ với 3.000 gia đình khác cùng hoàn cảnh nhưng không là chủ của ngôi nhà họ. Kết quả hiển nhiên đến nỗi đến bây giờ, qua biết bao nhiêu thay đổi chính phủ và nội các ở Bỉ, cơ quan giúp các gia đình có con nhỏ mua nhà giá rẻ vẫn  được tài trợ.

 

Nhưng nghiên cứu xã hội học khác với khảo sát của phóng viên báo chí hay các kết quả đưa ra bởi người làm tiếp thị.

 

Chúng tôi thường

-        Khảo sát thăm dò sơ khởi – không những quan sát tại chỗ mà còn nghiên cứu các dữ kiện, công văn, phỏng vấn người trong cuộc ...

-         Sau đó suy nghĩ về các giả thuyết, dựa trên những lý thuyết, những trường hợp tương tự ở nơi khác, ở quá khứ...

-        Để trở lại hiện trường kiểm tra lại các giả thuyết đó bằng những khảo sát nghiêm túc. Đặc biệt chú trọng đến các giá trị kiểm nhận, nội tại cũng như bên ngoài nghiên cứu, cách khảo sát những đối tượng nghiên cứu nằm trong mẫu có tính đại diện là một trong những điều kiện tối cần. Dụng cụ khảo sát cũng phải hoàn chỉnh.

-        Khai thác các kết quả thu thập và đi tới kết luận, khẳng định hay phủ định những giả thuyết. Hoặc nêu lên giá trị tương đối của những giả thuyết. Đưa ra ít nhất là một bức tranh nhất thời nhưng toàn diện của hiện trường – sociographie – còn nếu hay hơn nữa là góp phần cho một lý thuyết mới ...

 

Có ai đó đã nói "nửa miếng thịt bò vẫn còn là miếng thịt, dù nó bé hơn. Nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật". Áp dụng vào khoa học, điều đó rất đúng. Chúng tôi không đưa ra một nửa sự thật. Chúng tôi cũng không "hít thở không khí rồi kết luận" (tiếng Pháp  flairer et conclure hay vue de nez – nhìn với cái mũi). Phương pháp nghiêm túc là cách làm việc của bất cứ một nhà khoa học của bất cứ lĩnh vực nào.

 

Bên ta, người xưa nói "trị dân" thì phải "thiên thời, địa lợi và nhân hoà" (đúng lúc của  trời, thuận đất hay hoàn cảnh và hợp lòng người). Tôi không nói đến trị dân, không tin ở ý trời, nhưng hợp hoàn cảnh và thuận lòng người là những điều mà ta phải biết và biết một cách khoa học để quản lý tốt.

 

                                                           Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                  Liège Bỉ

 

LTS Dân trí - Xã hội học thường được hiểu là khoa học nghiên cứu về quá trình và quy luật phát triển của các hiện tượng trong đời sống xã hội. Cho nên công tác quản lý xã hội muốn đạt tới mục tiêu đề ra cần dựa trên cơ sở quan trọng hàng đầu là những kết quả nghiên cứu nghiêm túc về xã hội học. Cách làm đó đã trở thành thông lệ ở các nước phát triển mà tác giả viết bài trên đây nêu lên những ví dụ cụ thể tại Bỉ. Đấy cũng là cách quản lý xã hội dựa trên những căn cứ khoa học và khách quan đáng tin cậy.

 

Chỉ một bài viết ngắn gọn trên đây cũng đủ cho thấy vai trò thật sự quan trọng của các lĩnh vực nghiên cứu xã hội học. Nhưng phải chăng đây là lĩnh vực khoa học chưa được quan tâm đúng mức ở nước ta. Điều đó thể hiện ở việc chưa coi trọng công tác đào tạo, xây dựng lực lượng cũng như vận dụng những kết quả nghiên cứu xã hội học trong công tác quản lý cũng như hoạch định những chính sách kinh tế- xã hội.
 
Cũng chính vì vậy, học sinh thời nay chọn các ngành thi vào đại học hầu như rất ít em biết đến chuyên ngành xã hội học !