Công dân mong chờ một bản án công tâm của Tòa án Hà Nội
(Dân trí) - Trước phiên xử phúc thẩm vụ kiện của ông Nguyễn Gia Côi đối với quyết định cưỡng chế đất trái pháp luật của UBND huyện Từ Liêm, ông Côi và nhiều hộ dân đang mong chờ Tòa án Hà Nội đưa ra những bản án công tâm, vì quyền lợi hợp pháp của công dân.
Trong lúc gia đình ông Côi và nhiều hộ dân khác đang làm đơn khiếu nại, nUBND gày 4/11/2011, huyện Từ Liêm ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 10437/QĐ-UBND đối với hộ ông Côi. Với nội dung, áp dụng biện pháp cưỡng chế thu đất để thi hành Quyết định thu hồi đất ngày 25/2/2011 của UBND huyện Từ Liêm.
Ngày 8/12/2011, UBND huyện Từ Liêm ra Thông báo số 615/TB - UBND về việc tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Đến ngày 13/12/2011, UBND huyện Từ Liêm tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Nguyễn Gia Côi đúng thời điểm các hộ dân chuẩn bị thu hoạch lứa bưởi Diễn trước Tết Nguyên đán.
Tại phiên xử sơ thẩm diễn ra ngày 5 và 6/8/2013 tại TAND huyện Từ Liêm, HĐXX thừa nhận trình tự tiến hành thu hồi đất của UBND huyện đối với ông Côi là không đúng theo quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, HĐXX vẫn tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Gia Côi, mặc dù đại diện UBND huyện Từ Liêm không đưa ra được những bằng chứng thuyết phục để chứng minh việc ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất là đúng quy định.
Trước phiên xử phúc thẩm, Luật sư Nguyễn Hà Luân, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long (Đoàn LSTP Hà Nội) nhận định: Bản án số 05/2013/HCST ngày 5 và 6/8/2013 của TAND huyện Từ Liêm tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Côi là trái quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại điều 32 Nghị định 69/2009 và điều 70 Quyết định 108/2009 đã quy định: “Việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây: Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 29, 30 và 31 Nghị định này”.
Dẫn chiếu điều 30 Nghị định 69/2009 cho thấy trình tự và thủ tục cụ thể được quy định rất rõ gồm: Lập phương án sơ bộ; lấy ý kiến của người bị thu hồi đất về nội dung của phương án sơ bộ; trên cơ sở ý kiến của người bị thu hồi đất, Hội đồng bồi thường hỗ trợ… có sự điều chỉnh để hoàn chỉnh lại phương án; với phương án đã được hoàn chỉnh, Cơ quan TN&MT thẩm định và chuẩn bị hồ sơ thu hồi đất trình UBND cấp huyện ra quyết định thu hồi đất.
Như vậy, chỉ sau khi đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ thì mới đủ cơ sở để cơ quanTN&MT thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ thu hồi đất để UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất.
Ở phiên sơ thẩm, TAND huyện Từ Liêm đã thừa nhận trình tự các bước tiến hành việc thu hồi đất của UBND huyện Từ Liêm với hộ gia đình ông Côi còn có điểm không theo đúng quy định. Mặc dù đã thừa nhận, nhưng bản án vẫn cố tình che giấu những điểm “không theo đúng quy định” của huyện Từ Liêm.
Ngoài vi phạm tố tụng hành chính về thời hạn thụ lý vụ án, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người khởi kiện. TAND huyện Từ Liêm còn vi phạm nghiêm trọng khi không xác định, không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng.
Vì vậy, cần xác định Hội đồng này là tổ chức trực tiếp thực hiện và phải chịu trách nhiệm về việc tuân thủ pháp luật và trình tự thủ tục luật định, cùng với UBND huyện Từ Liêm. Mặc dù tổ chức này do UBND huyện ra quyết định thành lập, nhưng vẫn là một tổ chức độc lập và không phụ thuộc UBND huyện Từ Liêm, do đó, họ có đủ điều kiện và cần được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Trong quá trình giải quyết vụ án, UBND huyện Từ Liêm cử một người đại diện của là người của Ban bồi thường GPMB huyện. Nhưng cơ quan này là cơ quan đầu mối chuyên môn của UBND, vì vậy chỉ có thể đại diện cho UBND huyện, chứ không thể thay thế cho Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Từ Liêm. Việc Tòa án huyện Từ Liêm không đưa Ban Bồi thường tham gia tố tụng là trái quy định, dẫn đến việc bỏ lọt chứng cứ.
Bản án hành chính sơ thẩm cho rằng, tuy có điểm chưa thực hiện đúng về trình tự, nhưng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ đã thực hiện đầy đủ các quy định về chính sách thu hồi đất... Nhưngtrên thực tế, bản án sơ thẩm của Tòa án Từ Liêm đã bỏ qua thủ tục quan trọng về chính thu hồi đất.
Căn cứ theo điều 16 Thông tư số 14/2009 của Bộ TN & MT hướng dẫn thực hiện Nghị định 69/2009, trường hợp ông Nguyễn Gia Côi được hưởng một trong các hình thức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tạo việc sau: Được hỗ trợ 5 lần giá đất nông nghiệp bị thu hồi; được hỗ trợ bằng hình thức nhận đất ở tái định cư; được hỗ trợ nhận căn hộ chung cư; được hỗ trợ bằng nhận suất đất kinh doanh phi nông nghiệp.
Trong khi thực hiện dự án này, Hội đồng bồi thường chỉ tiến hành lấy ý kiến người bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ mà không lấy ý kiến về về phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp là trái với quy định. Hình thức hỗ trợ 5 lần giá đất nông nghiệp được áp đặt cho người bị thu hồi đất ngay từ đầu mà không cần lấy ý kiến là vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Với những chứng cứ nêu trên, Luật sư Hà Luân cho rằng có đủ căn cứ cho thấy quyết định thu hồi đất mà UBND huyện Từ Liêm ban hành ngày 25/2/2011 là quyết định ban hành trái quy định, nói một cách khác UBND huyện Từ Liêm đã làm trái công vụ. Trong trường hợp này, nhiệm vụ của Tòa án không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, mà còn phải bảo vệ pháp chế, bảo vệ trật tự quản lý theo những quy định.
Nhưng ở đây, khi tiến hành xét xử TAND huyện Từ Liêm lại đi ngược lại những nguyên tắc đó. Vì lẽ trên, Luật sư Hà Luân và ông Nguyễn Gia Côi đề nghị TAND TP Hà Nội xem xét lại các chứng cứ và căn cứ vào các quy định pháp luật để đưa ra bản án công tâm, khách quan trên cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân.
Liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn xã Minh Khai của UBND huyện Từ Liêm, trong ngày 13/11/2013, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án của ông Vương Công Tính, trú tại thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy