Công chức có con ngoài giá thú sẽ bị xem xét xử lý hình sự!

(Dân trí) - Có con ngoài giá thú là hành vi mà theo tiêu chuẩn đạo đức, người ta thường coi là trái đạo đức. Tuy nhiên, hành vi này còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vậy, nếu có con ngoài giá thú, công chức sẽ phải chịu những trách nhiệm gì?

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, pháp luật không có định nghĩa nào về con ngoài giá thú. Tuy nhiên, hiểu theo lẽ thông thường thì con ngoài giá thú là con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không hợp pháp. 

Pháp luật Việt Nam chỉ công nhận một cuộc hôn nhân hợp pháp khi các bên đủ điều kiện kết hôn và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bởi vậy, con ngoài giá thú sẽ chỉ xuất hiện trong hai trường hợp:

Hai bên nam nữ có con khi chưa đăng ký kết hôn hoặc không đăng ký kết hôn. Cả hai đều còn độc thân

Hai bên có tình cảm phát sinh và có con với nhau. Tuy nhiên 1 trong hai bên hoặc cả hai bên đều đã kết hôn.

Xử phạt hình sự với công chức có con ngoài giá thú!

Căn cứ vào định nghĩa trên, thì việc có con ngoài giá thú với công chức cũng sẽ được chia thành hai trường hợp.

Thứ nhất, Hai bên nam nữ có con khi chưa đăng ký kết hôn hoặc không đăng ký kết hôn (cả 2 đều độc thân) 

Việc phát sinh quan hệ tình cảm và có con trong trường hợp này pháp luật không cấm, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo quyền và lợi ích của con kể cả trong trường hợp hai bên không đăng ký kết hôn. Hay nói đơn giản hơn, không phát sinh quan hệ hôn nhân, nhưng quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái vẫn phải được đảm bảo.

Bởi vậy, trong trường hợp này, không có một hình thức xử phạt nào ngoại trừ quy định nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với con được quy định tại Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình.

Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.

Thứ hai, hai bên có tình cảm phát sinh và có con với nhau. Tuy nhiên 1 trong hai bên hoặc cả hai bên đều đã kết hôn.

Đối với chủ thể đặc biệt như công chức nhà nước, việc xử lý, truy cứu trách nhiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố bởi tính chất đặc thù. Cụ thể có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, xử lý hình sự tùy theo tính chất đặc điểm hành vi.

Xử lý kỷ luật:

Nếu quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị đang công tác có quy định về việc công chức vi phạm quy định về nhân phẩm.

Xử lý hành chính:

Xử lý hành chính chỉ đặt ra nếu có sự xuất hiện hành vi chung sống như vợ chồng khi đang trong tình trạng hôn nhân hoặc đang độc thân nhưng sống chung với người đã có gia đình. Cụ thể Điều 48, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP:

Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

1. a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

1. b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

Như vậy, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này lên đến 3.000.000đ

Xử lý hình sự:

Trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra nếu xuất hiện hành vi chung sống như vợ chồng khi đang trong tình trạng hôn nhân hoặc đang độc thân nhưng sống chung với người đã có gia đình dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát,… Cụ thể tại Điều 182 Luật hình sự 2015:

Điều 182: Vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

1. a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

1. b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

2. a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

2. b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Khi đó, công chức sẽ bị phạt từ cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Như vậy, công chức có con ngoài giá thú chỉ bị xử phạt nếu phát sinh quan hệ chung sống như vợ chồng với người khác.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm