Con trâu, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam

Năm con Chuột sắp trôi qua, Tết con Trâu sắp đến. Trong 12 con giáp, con trâu là con vật gần gũi nhất với người nông dân, trở thành một biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Một biểu tượng đẹp

Con trâu vàng được chọn làm linh vật của SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003. Ban tổ chức đã thuyết minh về linh vật như sau: "Biểu tượng vui của SEA Games 22 được đặt tên là Trâu Vàng. Với bản chất hiền lành, hoà đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với sự tích Hồ Tây của Thủ đô Hà Nội. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt". 
 
Các nhà nghiên cứu văn hóa, triết học thường nhắc đến chi tiết Lão Tử cưỡi con trâu rời khỏi Trung Hoa. Còn Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, anh ruột Trần Hưng Đạo thì coi con trâu đất chính là Phật. Các bậc cao nhân ấy chắc chắn đã tìm thấy ở con trâu những đặc trưng phù hợp với đạo lý sâu xa của mình. 
 
Những câu tục ngữ, thành ngữ "Con trâu là đầu cơ nghiệp", "tậu trâu cưới vợ, làm nhà…", "ruộng sâu, trâu nái", "chín đụn mười trâu"…đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với sản nghiệp người nông dân. Con trâu gắn bó mật thiết với người nông dân. Từ lúc bé xíu, các cậu bé, cô bé đã biết chăn trâu, cắt cỏ giúp bố mẹ, vừa kết hợp mò cua bắt ốc hay đánh bài tam cúc, đánh thẻ…lớn lên chàng trai, cô gái biết điều khiển trâu cày bừa, kéo xe, khi về già, sức khỏe suy giảm các cụ ông, cụ bà lại vẫn tiếp tục dắt trâu, chăn nghé giúp con cháu. Và khi qua đời, trên nấm mồ người nông dân cỏ mọc để trâu bò ăn. 
 
Có lẽ không người Việt nào không biết đến những câu ca chan chứa tình cảm này: "Trâu ơi ta bảo trâu này-Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta-Cấy cày vốn nghiệp nông gia-Ta đây trâu đấy ai mà quản công-Bao giờ cây lúa còn bông-Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn". Có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về mối quan hệ giữa con người với loài vật hiền lành này được lưu truyền trong dân gian. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Sự gần gũi đã tạo nên quan hệ gắn bó của người với trâu. Nhưng có lẽ chính quá trình lao động bên nhau cùng những nét tương đồng về số phận, tính cách giữa người nông dân và con trâu mới là yếu tố quan trọng khiến cho trâu và người trở thành đôi bạn thân thiết, thủy trung. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương "làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai" như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do "trâu chậm uống nước đục", trâu cũng vững chãi, mạnh mẽ như người, chỉ người có sức khỏe, người ta thường nói "khỏe như trâu". Ai đó nói trâu ngu dốt "ngu như bò" (như trâu) hay vô cảm "đàn gẩy tai trâu" là chưa đúng, trâu cũng thông minh, "tinh quái" ra phết, biết "sáng tai họ, điếc tai cày", biết được thái độ của chủ mà xử trí. 
 
Trâu cũng là con vật tình nghĩa, thủy chung, xa cách nhiều năm vẫn nhớ chủ, đi xa vẫn nhớ đường về, trả công cho người chăm sóc hậu hĩ, xứng đáng, đến chết lại xả thân vì con người.  
 
Bản tính hiền lành, nhiều khi quá thật thà nên phải chịu thiệt thòi, song trâu cũng là một loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. Với sức khỏe phi thường "ốm trâu hơn khỏe bò" và cặp sừng lợi hại, trâu là một chiến binh xuất sắc. Câu chuyện "Trâu đoàn kết giết hổ" là một bài học về tinh thần đoàn kết, hiệp đồng sức mạnh để chống lại kẻ thù. Người nông dân Việt Nam tìm thấy trong con trâu sức mạnh quật cường của một dân tộc yêu hòa bình nhưng thượng võ, bất khuất, kiên cường. Giai thoại dân gian cũng kể rằng cậu bé Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu đã lấy cờ lau tập trận, sau thành Vạn Thắng Vương lẫy lừng. 
 
Có lẽ chỉ ở một vùng có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời mới có những phong tục, lễ hội như chọi trâu, thi trâu, đâm trâu, tạ ơn trâu…ở nước ta. Và như một lẽ tự nhiên con trâu đã đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng phong phú của văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc…Thật khó lòng thống kê hết các tác phẩm nghệ thuật có liên quan đến hình tượng con trâu. Trong kí ức của mọi người vẫn có một hình ảnh chú bé chăn trâu thổi sáo của bức tranh làng Hồ nổi tiếng, bài đồng dao "Ai bảo chăn trâu là khổ?" rồi con trâu trong các bài thơ của các danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh. Giữa cảnh "Gió sắc tựa gươm mài đá núi. Rét như dùi nhọn chích cành cây", người tù vĩ đại Hồ Chí Minh vẫn tìm thấy sự thanh thản, ung dung trong hình ảnh "Trẻ dẫn trâu về, tiếng sáo bay" (Hoàng hôn).
 
Năm Kỷ Sửu, nên phát huy tinh thần "văn hóa Trâu" 
Có người cho rằng trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thì hình ảnh con trâu kềnh càng, chậm chạp không còn phù hợp. Thời đại mới, tất cả đều nhanh chóng, "siêu tốc", "phi mã", tất cả đều trở nên gọn nhẹ, tinh xảo hơn…Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển nóng, của quá trình "mở cửa" thiếu kiểm soát chặt chẽ, chạy theo những giá trị vật chất trước mắt đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về văn hóa-xã hội, môi trường…đe dọa sự phát triển bền vững, thậm chí dự báo những thảm họa. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần chú trọng chiến lược giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị đạo lý truyền thống tốt đẹp đã được vun đắp ngàn đời đến nay.
 
Biểu tượng con Trâu rất thích hợp với xu hướng phát triển "chậm mà chắc", với xu hướng coi trọng những giá trị tinh thần làm nền tảng của đạo đức xã hội như: hiền lành, hài hòa, chất phác, chăm chỉ, cần cù lao động, tình nghĩa thủy chung, kiên cường. Gốc có bền, cây mới vươn cao, nền móng có chắc chắn thì ngôi nhà mới vững chãi được. Dân giàu, nước mạnh; dân yên, nước vững bền. Đó là bài học giản dị, sâu sắc của cha ông mà đôi lúc nhiều người không nhớ. 
 
Đối với quản lý xã hội, cần nêu phương châm lấy dân làm gốc, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quan tâm đến đời sống của dân, chú trọng đến an sinh xã hội. Từ mấy thế kỉ trước, danh tướng Trần Hưng Đạo trước khi lâm chung đã căn dặn đức vua: "phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước…", anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng thiết tha mong mỏi: "sao cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn người cán bộ cách mạng: "việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh". 
 
Cũng khá trùng hợp, những ngày quý III năm 2008, Đảng ta tại Hội nghị lần thứ bảy BCH TW khoá X đã có nghị quyết "Tam nông" với tư tưởng chăm lo phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân. Nghị quyết sẽ thực sự đi vào đời sống năm con Trâu, góp phần thay đổi cuộc sống người nông dân và bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. 
 
Đối với giáo dục, vì chạy theo thành tích, bằng cấp, đối phó nên chúng ta không chú trọng thực chất, đào tạo ra những con người thiếu kiến thức căn bản, thiếu kĩ năng nghề nghiệp, lâm vào tình cảnh dở dang, lửng lơ…gây nên nhiều nhức nhối cho xã hội. 
 
Một số bậc làm cha làm mẹ chỉ lo đầu tư cho con học cho giỏi, vào trường chuyên, lớp chọn, đỗ vào các trường đại học danh giá, tìm kiếm những việc làm nhàn hạ, thu nhập cao, dạy cho con những cách ứng xử vừa lòng cấp trên, lo vun vén cho cá nhân…mà coi nhẹ giáo dục cho con cái lòng trung thực, tình yêu lao động, lòng nhân ái, khoan dung, hiệp nghĩa. Nhà trường thì chú trọng việc dạy chữ, mà coi nhẹ dạy người.  
 
Nghĩa là chúng ta đang rời xa "văn hóa Trâu" và xích lại gần hơn "văn hóa Cáo", lo ngọn quên gốc-một nguy cơ của đạo đức xã hội. Như thế có gì là hay, là khôn ngoan, đúng như người xưa đã cảnh tỉnh "khôn quá hóa dại". 
 
Nhiều người mải mê kiếm tiền, đến khi ngoảnh nhìn lại, trong tay có tất cả nhưng lại than thở không biết hạnh phúc là gì. Khi coi việc kiếm tiền là mục đích sống, con người đã tự chuốc lấy bi kịch. Khi luôn phải bận rộn toan tính, tìm cách "khôn ngoan", sống "lá mặt lá trái" không tin tưởng, chân thành với mọi người thì không thể có hạnh phúc. Hẳn mọi người còn nhớ bi kịch của chàng Đông Ki-sốt, bi kịch của lòng hiệp nghĩa, của lòng tốt, sự trung thực trở nên cô độc, buồn cười trong một xã hội quá khôn ngoan, tỉnh táo. 
 
Hi vọng rằng năm Kỷ Sửu 2009, tinh thần "văn hóa Trâu" với những phẩm chất tốt đẹp của đạo lý truyền thống dân tộc sẽ được phục hưng.
Trần Quang Đại

LTS Dân trí - “Văn hóa trâu” nói như tác giả bài viết trên đây cũng là dựa trên cơ sở của nền văn minh lúa nước. Đạo lý truyền thống cũng như những phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam cũng bắt nguồn từ nền văn minh đó. Ngày nay, đất nước ta đang tiến bước mạnh mẽ trên con đường hội nhập và đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, nhưng luôn kế thừa và phát huy nền văn hóa bản địa và đạo lý truyền thống vốn có của ông cha.

Chúng ta đón chào năm mới Kỷ Sửu 2009 vói tinh thần phát huy Văn hóa truyền thống của năm Con Trâu, ra sức phấn đấu đưa Nghị quyết “Tam nông” của Hội nghị Ban CHTƯ lần thứ bảy của Đảng vào cuộc sống, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là việc làm có ý nghĩa nhiều mặt, chắc chắn được mọi người dân Việt Nam đồng tình hưởng ứng.