Con rể "hờ" hiếp dâm mẹ vợ, có phải hành vi có tính chất loạn luân?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo VKSND Tối cao, trong trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn, mối quan hệ mẹ vợ - con rể sẽ không được công nhận.

VKSND Tối cao mới đây đã ban hành Công văn số 2160/VKSTC-V14 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật Thi hành án hình sự.

Trong đó, qua thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự và thi hành án hình sự, cơ quan công tố nhận được ý kiến phản ánh đề nghị hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc về các tình tiết định khung đối với tội Hiếp dâm quy định tại khoản 2, Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, tình huống giả định được đặt ra như sau: Anh A. và chị B. chung sống với nhau như vợ chồng, đã có con chung và được gia đình, dòng họ hai bên, hàng xóm xác nhận là vợ chồng. Anh A. có hành vi hiếp dâm mẹ ruột của chị B. là bà C. Trường hợp này, có căn cứ để xử lý A. về tội Hiếp dâm với tình tiết định khung "có tính chất loạn luân" theo điểm e, khoản 2, Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không?

Con rể hờ hiếp dâm mẹ vợ, có phải hành vi có tính chất loạn luân? - 1

Theo luật sư, tội Loạn luân áp dụng với người phạm tội với những người có cùng dòng máu về trực hệ, có quan hệ huyết thống (Ảnh minh họa).

Theo khoản 1, Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hành vi hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 được coi là có tính chất loạn luân nếu thuộc một trong các trường hợp như phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ; phạm tội với cô, dì, chú, bác, cháu, cậu ruột; phạm tội với bố, mẹ, con nuôi; với con riêng của vợ, chồng, bố dượng, mẹ kế hoặc với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

Ngoài ra, theo các Điều 9, 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng và các mối quan hệ khác khi quan hệ vợ chồng phát sinh nếu cặp đôi đó không đăng ký kết hôn theo quy định.

Từ những căn cứ này, VKSND Tối cao khẳng định chỉ xác định mối quan hệ mẹ vợ - con rể kể từ khi nam, nữ có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3/1/1987 mà chưa đăng ký kết hôn). Do vậy, dù anh A. và chị B. chung sống như vợ chồng, được mọi người xác nhận nhưng nếu không đăng ký kết hôn thì theo pháp luật hiện hành, họ không được công nhận là vợ chồng.

Điều này dẫn tới việc giữa anh A. và bà C. không phát sinh mối quan hệ mẹ vợ - con rể. Do vậy, không có căn cứ để xác định hành vi anh A. hiếp dâm bà C. thuộc tình tiết định khung "có tính chất loạn luân" theo khoản 2, Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, trừ trường hợp cặp đôi đã chung sống với nhau trước ngày 3/1/1987.

Bình luận thêm về tình tiết "có tính chất loạn luân" theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, cần phân biệt rõ giữa tội Loạn luân theo Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hành vi phạm các tội, thuộc tình tiết định khung "có tính chất loạn luân" quy định tại các Điều 141 đến 147 Bộ luật này.

Theo đó, Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha sẽ bị xử lý hình sự về tội Loạn luân, khung hình phạt là phạt tù 1-5 năm.

Theo khoản 17, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thì những người "cùng dòng máu về trực hệ" là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.

"Như vậy, so với tội Loạn luân, tình tiết định khung có tính chất loạn luân có phạm vi rộng hơn và mang tính bao hàm lớn hơn. Theo đó, tội Loạn luân áp dụng với người phạm tội với những người có cùng dòng máu về trực hệ, có quan hệ huyết thống còn với tình tiết định khung có tính chất loạn luân, tình tiết này có thể áp dụng với cả trường hợp phạm tội với những người không có cùng huyết thống như con riêng, cha dượng, mẹ kế, bố chồng, con dâu, mẹ vợ, con rể", luật sư Giáp phân tích.

Hoàng Diệu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm