Còn nhiều băn khoăn về Chiến lược phát triển giáo dục
Dự thảo “Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020” được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt. Là giáo viên (GV) THPT, chúng tôi càng thấy thiết thân hơn và xin đóng góp những ý kiến chân thành.
Các mục tiêu phát triển giáo dục quá cao hay quá thấp?
Khi xây dựng các mục tiêu chiến lược giáo dục giai đoạn 2009-20020, Bộ GD-ĐT đã có những nghiên cứu toàn diện về các yếu tố, điều kiện kinh tế-xã hội-văn hóa của đất nước và quốc tế và đưa ra những chỉ tiêu khá cụ thể, chi tiết trong các lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, vẫn có một số mục tiêu “xa vời”, khó có thể thực hiện thành công, thậm chí có ý kiến cho rằng một số mục tiêu là “ảo tưởng”, “lãng mạn”…Ví dụ: Chỉ tiêu 450 sinh viên trên một vạn dân vào năm 2020 theo chúng tôi là mâu thuẫn với bài toán nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bởi vì số lượng càng đông (gấp hơn 2,3 lần so với hiện nay là 190 sinh viên/1 vạn dân) thì chất lượng càng bị “pha loãng”. Năm 2008, tỷ lệ SV/vạn dân của nước Mỹ là 570, gấp 3 lần nước ta, trong khi đó, bình quân GDP đầu người của họ cao gấp 45 lần Việt Nam. Các chỉ tiêu về chất lượng giáo mục môn Tiếng Anh của HS, sinh viên theo chúng tôi vẫn còn quá cao so với khả năng thực tế.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Bên cạnh đó vẫn có những chỉ tiêu thấp so với yêu cầu. Ví dụ, chỉ tiêu: “Vào năm 2020, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 60%” theo chúng tôi là còn thấp, bởi vì như vậy là sau 11 năm nữa, nước ta vẫn còn 40% lao động chưa được đào tạo bởi một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thì đó là một nguy cơ đối với người lao động.
Còn chỉ tiêu đến năm 2020 có “100% số giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt trình độ đại học trở lên” lại trái với quy định của Luật Giáo dục. Khoản b, điều 77 Luật Giáo dục 2005 quy định chuẩn đào tạo của GV như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở”.
Việc cân nhắc các mục tiêu là cần thiết nhưng vấn đề quan trọng nhất là tập trung vào việc góp ý, hiến kế để xây dựng các giải pháp thực hiện các mục tiêu đó.
Chế độ hợp đồng và ý tưởng hiệu trưởng quyết định trả lương cho GV - “Xin can”!
Trong “các giải pháp mang tính đột phá”, Bộ GD-ĐT đề cập giải pháp “tiến tới thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các GV, giảng viên và các viên chức khác” với mục tiêu “tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo”. Theo chúng tôi, giải pháp này sẽ chỉ đạt kết quả hạn chế, bởi vì chỉ áp dụng đối với những GV, giảng viên, viên chức mới tuyển dụng. Hằng năm, đội ngũ, GV, giảng viên chỉ tăng vài ba phần trăm, thậm chí không tăng hay giảm do số HS giảm, vì vậy, chỉ có những người này mới có động lực để cạnh tranh và phấn đấu, còn đa số giảng viên, GV khác vẫn “bình chân như vại”. Mặt khác, nếu giải pháp này được áp dụng, sẽ tạo ra một lực cản đối với chủ trương thu hút nhân tài vào ngành giáo dục.
Đành rằng, việc đội ngũ GV thiếu ý thức phấn đấu là một nguy cơ đối với giáo dục nhưng để giải quyết thực trạng cần có những giải pháp đồng bộ, tổng thể bao gồm phương thức quản lý, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, thi đua, cơ chế kiểm tra, giám sát, quy trình đào tạo…Theo chúng tôi, giải pháp nâng cao trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cần phải được chú trọng, bởi vì ảnh hưởng của yếu tố này đối với đội ngũ GV là trực tiếp, nhanh nhất và mạnh mẽ nhất.
Về giải pháp hiệu trưởng quyết định mức lương cho từng GV, giảng viên thì chúng tôi “xin can” vì những lí do sau. Thứ nhất, căn cứ để hiệu trưởng quyết định mức lương cho GV, giảng viên là “kết quả công tác của cá nhân” còn chưa thực rõ ràng mà nếu không xây dựng được các tiêu chí cụ thể, khách quan, công bằng thì không thể thực hiện được. Thứ hai, mức lương do thang bậc lương công chức quy định, vậy hiệu trưởng sẽ điều chỉnh như thế nào: tăng bao nhiêu, có giảm không, nguồn tiền ở đâu, mức lương hiệu trưởng do ai quy định, nếu hiệu trưởng quyết định sai sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Thứ ba, quyền lực đó nếu rơi vào những hiệu trưởng không đủ năng lực và phẩm chất thì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Đành rằng mức lương cào bằng theo kiểu “đến hẹn lại lên” là bất hợp lý và góp phần làm giảm ý thức phấn đấu của GV, song xây dựng một mô hình mới lại rất nan giải. Ngành giáo dục có “vinh dự” được thí điểm mô hình mới, còn các ngành khác thì sao. Theo chúng tôi, vấn đề này cần được Quốc hội, Chính phủ thảo luận và quyết định, chưa nên thí điểm trong một lĩnh vực mà kết quả công việc còn chưa được lượng hóa một cách cụ thể và chính xác như giáo dục. Hiện nay, có một giải pháp là khen thưởng cho các nhà giáo đạt thành tích; vấn đề là cần nghiên cứu tăng mức tiền thưởng lên một cách hợp lý để khuyến khích các nhà giáo phấn đấu.
Còn nhiều “khoảng trống” về giải pháp
Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương thu hút nhân tài vào ngành giáo dục. Đành rằng mọi lĩnh vực đều cần người tài, nhưng giáo dục với đặc thù là lĩnh vực ươm mầm trí tuệ và nhân cách cho thế hệ tương lai nên yếu tố trí tuệ, tài năng của đội ngũ nhà giáo cần được đặc biệt chú trọng.
Tuy nhiên, về mặt giải pháp của bản Dự thảo thì chúng tôi còn nhiều băn khoăn. Mức thu nhập luôn có một sức hấp dẫn lớn (nếu không nói là lớn nhất) đối với người lao động, thế nhưng yếu tố này chưa được Bộ GD-ĐT quan tâm đúng mức. Trong bản Dự thảo không dành sự quan tâm cho việc tăng thu nhập đối với đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt là đội ngũ GV mầm non, mức thu nhập quá thấp, công việc nặng nhọc và hậu quả là hàng loạt GV đã bỏ nghề. Còn những người đang “trụ” lại vẫn hi vọng sẽ được vào biên chế để ổn định công việc, cải thiện thu nhập và có chỗ dựa khi đau ốm, già cả...Vì vậy, chủ trương đến năm 2010 sẽ có 100% GV, giảng viên mới tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thực sự là một “gáo nước lạnh” dội xuống niềm hi vọng của đội ngũ GV mầm non.
Thế nhưng, bản Dự thảo lại đề ra những yêu cầu rất cao đối với giáo dục mầm non như “thực hiện phổ cập giáo dục một năm cho trẻ 5 tuổi”, “đến năm 2020 có 90% số trẻ 5 tuổi đạt chuẩn phát triển…”; “đến năm 2020 có 80% số giáo viên mầm non…đạt trình độ từ cao đẳng trở lên”. Phải chăng đây là một nghịch lý?!
Mặc dù Bộ GD-ĐT có ý tưởng tạo mức học bổng đặc biệt đối với sinh viên sư phạm nhưng “lực hút” của chính sách đó là không đáng kể, có chăng chỉ hiệu quả đối với những HS hoàn cảnh gia đình quá khó khăn mà thôi. Bởi vì quá trình học đại học sư phạm chỉ 4 năm, trong khi phải gắn bó cả đời với nghề dạy học. Rất khó thuyết phục các gia đình khuyến khích con em đi vào một ngành mà thu nhập không cao, nhiều áp lực, nghề nghiệp lại bấp bênh, không ổn định (do chỉ được kí hợp đồng lao động). Những GV mới tuyển làm việc rất tốt vẫn có thể bị sa thải bởi vì số HS, số lớp giảm. Ví dụ như hiện nay, ở tỉnh Nghệ An đang dôi dư đến 3.000 GV, đó quả thực là một con số nhức nhối.
Ngành giáo dục không thu hút được nhân tài đang là một thực tế. Mức thu nhập và môi trường làm việc đã không đủ sức hút những người giỏi nhất vào đội ngũ giảng viên đại học, và còn tạo ra tình trạng “chảy máu chất xám” trong đội ngũ này. Hiện nay, rất nhiều HS giỏi khối A, B rất ít thi vào trường sư phạm mà chỉ chạy đua vào các trường hứa hẹn một nghề nghiệp thu nhập cao, dễ thăng tiến như Y, Dược, Thương mại, Quan hệ quốc tế, Điện tử viễn thông, Ngân hàng… Năm 2008, điểm trúng tuyển vào khoa Sư phạm Lý của ĐH Vinh, một trường ĐH danh tiếng ở miền Trung là 14 điểm, (khoa Sư phạm Tin là 13,5 điểm), một mức điểm quá thấp. Một HS thi vào khoa Lý của một trường đại học lớn với 16 điểm. HS này xấu hổ không dám đến gặp GV chủ nhiệm, nhưng thật bất ngờ em lại xếp thứ 6 trong số những người đậu cao điểm nhất!
Nếu không thu hút được người giỏi và tạo ra được động lực để đội ngũ giảng viên, GV phấn đấu vươn lên, ngành giáo dục sẽ thực sự khó khăn.
Một trong những nguyên nhân khiến giáo dục phát triển trì trệ là sự bất cập trong chương trình giáo dục mà nổi bật nhất là tình trạng quá tải trong nội dung giáo dục rất nặng nề. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta vừa nặng vừa thấp. Nếu không giải quyết được tình trạng này thì những mục tiêu phát triển giáo dục rất khó thực hiện thành công. Thế nhưng, bản Dự thảo đã bỏ qua yếu tố này.
Mặc dù đã nhận thức “nguy cơ xâm nhập của những giá trị văn hóa và lối sống xa lạ làm xói mòn bản sắc dân tộc” nhưng bản Dự thảo lại ít đề cập đến thực trạng giáo dục đạo đức, mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học các môn KHXH & NV trong giáo dục, những lĩnh vực đang có rất nhiều bất cập. Trong khi đó, bản Dự thảo lại hướng mạnh về xu thế “hội nhập quốc tế” với những mục tiêu có phần xa vời như HS phổ thông có “khả năng sử dụng ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh trong học tập…tương đương với HS ở các nước phát triển trong khu vực” hay HS tốt nghiệp trường nghề “có khả năng sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong học tập và làm việc tương đương với HS ở các nước phát triển trong khu vực”....Phải chăng điều đó thể hiện xu hướng “bỏ ngọn quên gốc” như một đại biểu quốc hội đã chất vấn người đứng đầu ngành GD-ĐT.
“Liều thuốc” nào cho những tiêu cực trong giáo dục?
Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực. Tuy nhiên, không lâu sau đó có nhiều ý kiến phản ánh cuộc vận động đang dần đi vào thoái trào vì nhiều nguyên nhân. Cái gốc của tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục là tiêu cực trong giáo dục, nói cụ thể hơn là tiêu cực trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa được bản Dự thảo chú trọng và thể hiện quyết tâm đẩy lùi.
Tình trạng tiêu cực trong đội ngũ các bộ quản lý giáo dục đang diễn ra khá phổ biến và là nguyên nhân quan trọng khiến giáo dục trì trệ, yếu kém. Đơn cử như khâu tuyển dụng, thuyên chuyển GV luôn là một “điểm nóng” của tiêu cực, tham nhũng. Thậm chí đã hình thành những “mức giá” cụ thể cho từng vị trí, đối tượng. Không ít cán bộ quản lý giáo dục, nhất là những người đứng đầu đang sở hữu những nguồn tài sản lớn có nguồn gốc rất khó giải trình. Đây là một “mảng tối” không nhỏ nhưng không hiểu sao chưa được Bộ GD-ĐT quan tâm đấu tranh đẩy lùi.
Tình trạng tiêu cực trong đội ngũ quản lý giáo dục còn phá hoại những nền tảng tốt đẹp của giáo dục, gây nên sự bất bình, bức xúc trong đội ngũ nhà giáo và nhân dân.
Thật khó hiểu khi Bộ GD-ĐT xây dựng chiến lược phát triển giáo dục mà lại không quan tâm đúng mức đến việc chống tiêu cực. Giống như muốn chăm cho cây phát triển tươi tốt nhưng lại không để tâm đến việc bắt sâu, trừ bệnh.
Cứ cho là tất cả các mục tiêu mà bản Dự thảo xây dựng đều đúng đắn nhưng nếu như đội ngũ thực hiện “có vấn đề” thì rồi cũng rất khó thành công, nếu không nói là không thể thành công. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung vào mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục những giải pháp quyết liệt chống tiêu cực trong đội ngũ này.
Hi vọng trong phiên bản mới, Dự thảo sẽ được Bộ GD-ĐT điều chỉnh một cách hợp lý.
Trần Quang Đại
LTS Dân trí - Đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục ( giai đoạn 2009-2020) là công việc hệ trọng thu hút sự quan tâm của đội ngũ trí thức, đặc biệt là các nhà giáo và các bậc cha mẹ quan tâm nhiều đến sự phát triển của thế hệ trẻ trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Bài viết trên đây của một nhà giáo có thâm niên trong nghề, có nhiều trăn trở với ý thức trách nhiệm của người thầy. Chúng tôi trân trọng chuyển những ý kiến đóng góp này tới Ban soạn thảo Chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo.