Hà Nội:

Con cháu “xẻ thịt” tranh chấp đất một dòng họ danh nhân ở thủ đô

(Dân trí) - Dòng họ Nguyễn Hữu có 2620m2 đất khuôn viên nhà thờ Tổ, nhưng một số con cháu trong dòng họ tranh chấp để phân chia xây dựng nhà cửa, cho thuê và tìm mọi cách phá hoại nhà từ đường, ngăn cản việc thờ tự trong họ khiến cả gia tộc phẫn nộ.

 
Trong đơn kiến nghị gửi đến tòa soạn báo Dân trí, bà Mai Tuyết Lan (số 4, ngõ 144/2 Mọc Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), thay mặt dòng họ Nguyễn Hữu tại Mọc Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội phản ánh: Con cháu của ông Nguyễn Hữu Tiệp tranh chấp đất nhà thờ họ, làm nhà trộm trên phần đất, lấp ao trong khuôn viên, lén cắt đất đem bán, khiến cả dòng họ Nguyễn Hữu chỉ còn lại 110m2 gồm nhà thờ và sân. Mặc dù những hành vi của con cháu ông Tiệp bị UBND xã cấm và cưỡng chế, nhưng vẫn cố ý làm trái.

Nhà thờ họ Nguyễn Hữu có lịch sử hàng trăm năm và rất rõ ràng, được xây dựng từ năm 1880 gồm khuôn viên đất, ao, nhà thờ và bể nước (trong địa bạ 1939, trích lục đất của phường, chủ khu đất đứng tên trưởng họ Nguyễn Hữu Tài). Đến năm 1946, khu nhà thờ bị tiêu thổ kháng chiến, chỉ còn bể nước nên bà Lê Hương Nhị đã làm nhà thờ tạm cạnh nhà thờ cũ để thờ cúng tổ tiên. Nhưng vào năm 1968, ông Thùy mặc dù đã có nhà trên đất khuôn viên nhà thờ Họ tộc để trông nom nhà thờ, lại tự tiện đưa vợ con lên để ở trên nhà thờ tạm mà cụ Nhị xây. Vì vậy, năm 1989, cụ Nguyễn Hữu Thuyết – Chủ tịch Hội đồng gia tộc đã thống nhất con cháu cả họ và làm đơn xin phép các cấp có thẩm quyền cho xây lại nhà thờ trên nền nhà thờ cũ.

Để xác minh về sự tồn tại lâu đời của dòng họ, bà Mai Tuyết Lan đã đưa ra nhiều bức ảnh chụp con cháu về lễ tết tại nhà thờ Nguyễn Hữu từ những năm 1940, 1990, 2012 và bức ảnh đại diện dòng họ Nguyễn Hữu dâng hương tại nhà thờ cụ Nguyễn Thị Lộ tại Thái Bình.

Nhà thờ họ Nguyễn Hữu có nhiều đồ thờ quý, cổ đã được Viện bảo tàng Lịch sử thẩm định đề nghị xếp hạng và đang đề nghị công nhận di tích cấp thành phố. Tổ tiên gia tộc Nguyễn Hữu là cụ Nguyễn Khắc Uẩn (sau cụ Nguyễn Trung – con cụ Nguyễn Khắc Uẩn đổi chữ lót đệm  để phân biệt chi trên, chi dưới) – em ruột Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ vợ anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Hiện giờ, nhà thờ đang thờ cúng cụ Nguyễn Khắc Uẩn, cụ Nguyễn Trung (con cụ Uẩn) và cụ Nguyễn Tuấn (con cụ Trung) – tiến sỹ được khắc tên trên bia đá tại Văn miếu Quốc Tử Giám, cùng tổ tiên và 14 Liệt sỹ của gia tộc.
 
Khu nhà thờ dòng họ Nguyễn Hữu đang bị xẻ thịt
Khu nhà thờ dòng họ Nguyễn Hữu đang bị "xẻ thịt"

Như thông tin ông Nguyễn Quang An (con cháu trong dòng họ - 78 tuổi trú tại số 3, ngõ 60, phố Giang Văn Minh, Tp. Hà Nội) cung cấp, mục đích xây nhà thờ họ là để con cháu dâng lễ lên tổ tiên, quây quần xum họp những dịp lễ tết và để những người trong họ nếu có cơ nhỡ có thể về tạm ở trên phần đất dòng họ đến khi vượt qua cơn khó khăn sẽ trở về nhà hoặc chuyển đến nơi khác.

Sau này, ông Nguyễn Hữu Cẩn rơi vào hoàn cảnh cơ nhỡ đến xin ở tạm trên đất dòng họ. Ông Cẩn có 11 người con, 10 người biết là đất nhà thờ nên đều tìm nơi ở khác, riêng ông Nguyễn Hữu Tiệp con cả của cụ Cẩn ở lại trông nom như vai trò ông từ giữ đền.

Những con cháu khác của dòng họ Nguyễn Hữu đều sống ở nơi khác và tin tưởng vào sự trông nom, quản lý tài sản nhà thờ của con cháu ông Tiệp. Nhưng ông Nguyễn Hữu Thùy (con ông Tiệp) đã lợi dụng lòng tin của cả họ, ông Thùy và anh em, con cháu ông đã lén lút làm nhà, lấp ao.

Theo thông tin trong đơn kiến nghị đòi đất nhà thờ tổ bà Mai Tuyết Lan gửi đến báo Dân trí: Tổng cộng gia đình ông Nguyễn Hữu Thùy chiếm 1602,8m2, trong đó anh Nguyễn Hữu Thắng, con trai ông Thùy, hiện là Vụ phó Vụ Thể thao quần chúng Bộ Văn  hóa Thông tin, chiếm nhiều nhất: 1001,9m2 . Gia đình bà Nguyễn Thị Như chiếm 271,2m2,  gia đình ông Nguyễn Hữu Côn chiếm 247,3m2, gia đình ông Nguyễn Hữu Quỹ chiếm 127,3m2.

Đến nay chỉ còn lại 44m2 đất nhà thờ và 66m2 sân, nhưng con cháu ông Nguyễn Hữu Tiệp vẫn cho rằng phần đất đó là sân chung, không phải của dòng họ.

Ông Nguyễn Quang An cho rằng hành vi của con cháu ông Tiệp là hoàn toàn trái pháp luật, thứ nhất, vì con cháu ông Tiệp không được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ; Thứ hai, anh Thịnh là con ông Côn đã xây nhà trái phép trên đất nhà thờ tổ đã bị quận, phường cưỡng chế nhưng anh Thịnh coi thường pháp luật và vẫn tiếp tục xây; Thứ ba, về mặt pháp luật, con cháu ông Tiệp không có hồ sơ đất.

Trước việc tranh chấp đất quá lâu khiến dòng họ Nguyễn Hữu không đủ diện tích để lễ bái, quy tụ và sinh hoạt dẫn đến sự phẫn nộ của cả dòng tộc.

Làm việc với PV Dân trí, bà Nguyễn Hương Ngọc (hiện là chi trưởng – cháu nội của trưởng họ Nguyễn Hữu Tài) cho biết: “Phần đất của dòng họ bị chiếm dụng, thu hẹp lại. Thậm chí có những hành vi làm ô uế nhà thờ, thành ra cả họ tộc rất bức xúc”.

Bà Nguyễn Bích Vân (con cháu dòng họ - trú tại số 209, nhà K15, Khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) nói thêm: “Từ khi khởi kiện lên tòa án, thấm thoắt đã 7 năm. Trong 7 năm, họ tộc chúng tôi đã trải qua nhiều bức xúc mà không nói lên được. Những kẻ chiếm đất nhà thờ đang ở đây  nhiều lần lén lút đổ keo vào khóa cửa làm chúng tôi phải mời công an đến để cưa khóa 6 lần. Khi chúng tôi vào nhà thờ thì ông Côn khóa cửa nhốt 4 người lại rồi vu cho chúng tôi đánh ông ấy. 30 tết là giỗ cụ tổ của chúng tôi và là cụ nội của ông Côn,  mà những kẻ xấu này đã phá cửa vứt chó chết vào trong nhà thờ, đập vỡ chai lọ rải ngay trước cửa nhà thờ. Lần tiếp theo là cưa cửa cho bình ga vào bàn thờ và cho lửa vào đốt cháy ghế nhựa. Việc chiếm đất nhà thờ và những hành vi bất kính, xúc phạm tổ tiên như vậy không chỉ làm cả họ tộc Nguyễn Hữu phẫn nộ mà dân làng ở đây cũng rất bất bình. Cụ Nguyễn Bá Đạm, Trưởng ban di tích Mọc Giáp Nhất tại đây đã viết  lên án  những hành vi này. Trong suốt 7 năm mà vụ án chưa được xét xử nên chúng tôi bức xúc, vì hoàn cảnh của chúng tôi đều là các cụ về hưu, cao tuổi, theo vụ án rất vất vả. Một số cụ chưa thấy kết quả vụ án thì đã chết.”

Thông tin mới nhất, PV Dân trí thu thập được, vụ việc sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm ngày 22/8/2013 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trước ngày xét xử, bà Mai Tuyết Lan – thay mặt con cháu trong dòng tộc có đề xuất: “Chúng tôi muốn lấy lại toàn bộ khuôn viên đất của nhà thờ đang bị chiếm trái pháp luật, để khôi phục nhà thờ như ngày xưa các cụ đã làm, giữa là thờ tổ tiên, một bên thờ 14 liệt sĩ và một bên thờ cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ Nguyễn Hữu, báo Dân trí đề nghị TAND TP. Hà Nội xét xử vụ án trên một cách công minh, đúng pháp luật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm