Tư vấn pháp luật:

Có thể lập di chúc khi sổ đỏ ở nước ngoài?

(Dân trí) - Tôi đã sống với bà tôi 10 năm. Nay bà tôi muốn lập di chúc cho tôi nhưng sổ đỏ đã bị mấy bác tôi đem đi nước ngoài chỉ còn bản photocoppy như vậy có làm được không? (Lưu Phong Vũ, Email: luu.phongvu@yahoo.com)

Có thể lập di chúc khi sổ đỏ ở nước ngoài? - 1

Trả lời:

Nếu bà bạn còn khỏe mạnh, minh mẫn, tự nguyện tặng cho tài sản cho bạn, bà bạn hoàn toàn có thể để lại di chúc đối với phần tài sản thuộc quyền sở hữu của bà theo điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2005 về quyền thừa kế của cá nhân, cụ thể:

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trong trường hợp bà bạn không còn minh mẫn tỉnh táo thì bà bạn không thể lập di chúc và phần tài sản thuộc sở hữu của bà sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

Bà bạn có thể tự tay lập di chúc bằng văn bản, tự ký, điểm chỉ di chúc.(Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 2005).

Theo Điều 653 Bộ luật dân sự quy định về nội dung của di chúc nhưu sau:

“1. Di chúc phải ghi rõ:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản;

đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”.

Trong trường hợp bà bạn vẫn minh mẫn nhưng không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người hai người làm chứng đối với việc lập di chúc của bà. Bà bạn phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của bà bạn và ký vào bản di chúc. (Điều 656 Bộ luật Dân sự).

Về điều kiện của người làm chứng, điều 654 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:

“Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự”.

Bà bạn có thể lập di chúc tại phòng công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban Nhân dân xã phường. Bà bạn phải có giấy tờ khác thay thế cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mang ra nước ngoài như: bản án, xác nhận của chính quyền địa phương về việc bà đã được cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích bà đang sử dụng, quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà…

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc