Có thể làm lại giấy khai sinh cho người đã chết?
(Dân trí) - Tôi đi làm bìa đỏ cho thửa đất được thừa kế nhưng phòng công chứng yêu cầu cần có giấy khai sinh của bố mẹ tôi đã mất cách đây rất lâu rồi. Có thể làm lại giấy khai sinh cho người đã chết không?
Trả lời:
Khi người thừa kế cần làm thủ tục để thừa kế di sản của người đã chết, nhưng các văn phòng công chứng nào cũng yêu cầu phải có giấy khai sinh của người đã khuất. Song có những trường hợp giấy khai sinh bị thất lạc.
Vậy có thể làm lại giấy khai sinh cho người đã chết được không? Thủ tục như thế nào? Nếu không làm lại được giấy khai sinh thì văn bản giấy tờ nào đủ điều kiện để thay cho giấy khai sinh?.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị cho biết căn cứ theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử như sau:
Điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử
"1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ".
Theo quy định trên, cơ quan có thẩm quyền chỉ chấp nhận yêu cầu cấp lại giấy khai sinh đối với trường hợp người yêu cầu đăng ký lại còn sống ở thời điểm tiếp nhận hồ sơ, mà không cấp lại giấy khai sinh cho người đã chết.
Tuy người để lại di sản đã mất và giấy khai sinh bản gốc đã thất lạc nhưng hồ sơ lưu giữ hộ tịch vẫn còn lưu trữ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý. Do đó, người đại diện theo pháp luật của họ (được xác định là người thừa kế theo pháp luật) sẽ được quyền yêu cầu cơ quan quản lý hộ tịch cấp bản sao trích lục giấy khai sinh của người đã chết. Điều này được quy định tại Điều 16 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015.
Về giá trị pháp lý của trích lục giấy khai sinh
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của trích lục giấy khai sinh như sau:
Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực
"1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Do đó, bản trích lục giấy khai sinh có thể được sử dụng thay thế cho giấy khai sinh đã mất.
Người đã chết có được đăng ký lại khai sinh không?
Luật sư Lực khẳng định, trong trường hợp này người đã chết sẽ không được cấp lại giấy khai sinh. Tuy nhiên nếu hồ sơ hộ tịch được lưu trữ tại UBND xã/phường/thị trấn, Phòng Tư pháp UBND cấp huyện hoặc Sở Tư pháp cấp Tỉnh/Thành phố vẫn còn lưu giữ thì người thân của họ có quyền yêu cầu cơ quan đang quản lý đó cấp bản trích lục giấy khai sinh.
Theo đó, người đại diện theo pháp luật của người đã mất được quyền yêu cầu cơ quan quản lý hộ tích cấp bản sao trích lục giấy khai sinh của người đã chết.
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc bao gồm:
"- Cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
- Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
- Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết".
Trình tự thực hiện thủ tục đề nghị cấp bản sao trích lục giấy khai sinh:
Bước 1. Người có yêu cầu trích lục giấy khai sinh nộp hồ sơ tại Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch có thẩm quyền.
Hồ sơ xin trích lục bản sao giấy khai sinh bao gồm:
- Tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch (theo mẫu: Mẫu tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch);
- Giấy tờ tùy thân (hộ chiếu/chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng);
- Sổ hộ khẩu của người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch;
- Giấy tờ chứng minh về quan hệ giữa người thực hiện thủ tục với người yêu cầu cấp bản sao trích lục (không phải công chứng, chứng thực căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP: "…Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền").
Bước 2. Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ do người yêu cầu xuất trình hoặc nộp.
Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện theo quy định.
- Nếu hồ sơ yêu cầu cấp bản sao trích lục sau khi đã được hướng dẫn theo quy định mà không được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện thì người tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối.
- Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy hồ sơ đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch căn cứ Cơ sở dữ liệu hộ tịch, ghi nội dung bản sao trích lục hộ tịch, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch ký cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Lưu ý, hồ sơ yêu cầu cấp trích lục nếu nộp trước 15h trong ngày thì người tiếp nhận hồ sơ xử lý cho người yêu cầu được nhận bản trích lục trong ngày. Còn nếu hồ sơ được tiếp nhận sau 15h thì người tiếp nhận hồ sơ hẹn trả kết quả vào ngày tiếp theo cho người nộp hồ sơ bằng văn bản.