Có nên thu phí túi chất dẻo?
Trong thùng chứa rác ở hầu hết thành phố, ta có thể dễ dàng thấy có rất nhiều loại túi chất dẻo (túi ni lông). Những túi ni lông này vất vưởng khắp mọi nơi mọi chỗ gây ô nhiễm nguồn nước và còn là thủ phạm giết hại các loài động thực vật dưới nước.
Không thể tính được có bao nhiêu túi ni lông đã trôi ra tới tận đại dương, có thể phải tới hàng triệu tấn.
Trong khi đi dã ngoại, những trẻ em ở trường mẫu giáo Evergreen tại Wheaton thuộc tiểu bang Maryland đã được giáo viên chỉ cho xem những chiếc túi, cốc nhựa, bao gói cùng rất nhiều loại rác khác đang trôi lềnh bềnh trên mặt sông Anacostia. Các em được giáo viên đưa tới đây để tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Cái gì đã giết chết những con cá?”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Jim Connerly, chuyên gia thuộc hiệp hội nguồn nước Anacostia, cho biết những công trình nghiên cứu môi trường của Washington DC ước tính mỗi năm có khoảng 20.000 tấn rác được ném xuống sông Anacostia. Ông so sánh sông Anacostia như một cái hố chứa vật dụng phế thải.
Cũng theo các kết quả nghiên cứu, túi ni lông chiếm khoảng 20% tổng số rác được vứt xuống sông. Khi những túi ni lông đựng đồ đi chợ bị vứt đi, nhiều cái bị nước mưa cuốn trôi theo những dòng nước. Cuối cùng, chúng tụ lại trên sông Anacostia. Những túi ni lông này nhiều khi trở thành bẫy đối với chim, rùa,… Cá thì ăn phải những mảnh ni lông nhỏ. Khi đi vào trong ruột cá, các mảnh ni lông trở thành những chất độc, và như thế là vô tình các chất độc đã tìm được đường vào các dây chuyền sản xuất và tiêu thụ thực phẩm.
Tommy Wells, một thành viên hội đồng thành phố Washinhton, đã đưa ra sáng kiến thu phí 5 xu cho mỗi chiếc túi ni lông hoặc túi giấy. Ông Wells cho biết: “Mục tiêu của 5 xu này không đánh vào bản thân chiếc túi ni lông, mà nhằm vào suy nghĩ của người sử dụng chúng. Nó nhắc nhở người sử dụng rằng có lẽ nên mua một cái túi có thể dùng đi dùng lại nhiều lần”.
Từ số tiền thu được này, một phần sẽ được trích ra để giúp những người dân có thu nhập thấp mua loại túi có thể dùng đi dùng lại.
Mặt khác, việc bán túi này sẽ thu được gần 2,5 triệu USD mỗi năm. Bên cạnh việc cung cấp những túi đựng có thể dùng lại, khoản tiền thu được sẽ dùng để tài trợ cho các cố gắng liên quan đến giáo dục, và trả một phần cho các doanh nghiệp như một sự khuyến khích đối với họ.
Có lẽ ngành công nghiệp sản xuất túi ni lông hi vọng những người phản đối sáng kiến bắt mua hoặc đánh thuế túi ni lông sẽ đứng ra phản đối. Nhưng các nhà hoạt động bảo vệ môi trường lại rất thích thú với ý tưởng này. Còn đối với hệ thống sông Anacostia, ông Jim Connyrly cho rằng chỉ cần thêm một chút cố gắng là con sông Anacostia có thể sạch sẽ trong vài năm nữa.
Connerly nói tiếp: “Chất lượng nước giờ đây cần phải được coi trọng. Tôi thấy điều đáng khích lệ là thiên nhiên luôn tìm cách tự cân bằng. Nếu chúng ta để yên cho con sông, nếu không vứt những thứ ô nhiễm xuống sông nữa, nó sẽ tự làm sạch. Con sông này giờ đây bị ô nhiễm chỉ vì chúng ta đã không để yên cho nó tự giải quyết”.
Hiện nay, Connerly và nhiều người khác rất mong muốn việc thu phí túi ni lông sớm trở thành hiện thực để giảm thiểu ô nhiễm cho môi trường.
Việt Hùng (Theo USA Today)
Đại Học Hà Nội
LTS Dân trí - Bài viết trên kể chuyện nước ngoài nhưng cũng là chuyện đáng quan tâm của nước mình. Ngày nay, mọi người bán hàng ở chợ hay các siêu thị đều rất sẵn các loại túi chất dẻo đủ các kích cỡ để cung cấp miễn phí cho mọi khách mua hàng. Cho nên tiện thì có tiện nhưng hằng ngày người dân thải ra môi trường không biết cơ man nào túi chất dẻo ở mọi nơi mọi chỗ và cuối cùng trôi dạt xuống các dòng sông ở nơi tập trung dân cư, nhất là đô thị.
Việc bảo vệ môi trường ở nước ta đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có biện pháp hạn chế việc lạm dụng túi chất dẻo, có thể thu phí như một số nước đã làm; đặc biệt cần nghiêm cấm việc thải loại bừa bãi các loại túi chất dẻo cũng như các chất phế thải khác ra môi trường, nhất là các dòng sông.
Việc thu hồi các loại túi chất dẻo đã qua sử dụng để tái chế dùng lại cũng là một giải pháp có hiệu quả nhưng chưa được thực hiện triệt để. Điều quan trọng là đi đôi với chủ trương đúng, cần có biện pháp tổ chức, phân công trách nhiệm cụ thể và nguồn kinh phí để thực hiện.