Có một cuộc đời hơn vạn bài ca

Trong chiến tranh, yếu tố quyết định thắng lợi không phải nhờ vũ khí. Hành động của Anh hùng Cù Chính Lan dùng lựu đạn diệt xe tăng không là “lấy trứng chọi đá” mà là kết tinh của sức mạnh yêu nước, đại đoàn kết dân tộc: “Thà hy sinh chứ nhất định không chịu mất nước…”.

Ngày 19/5/1952, Cù Chính Lan (1930-1951) là một trong 7 người đầu tiên của cả nước được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 10/8/1952, tại lễ tuyên dương công trạng, sau khi nghe báo cáo chiến công của người anh hùng quê Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, mọi người vô cùng xúc động. Bỗng từ trên lễ đài buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mọi người đứng dậy mặc niệm người con ưu tú của dân tộc. Trong phút thiêng liêng ấy, Bác Hồ đã rưng rưng rơi lệ.
 

Hoa của đất trời

 

Lứa tuổi trường làng 50 năm trước đã ghi lòng tạc dạ bài học giáo khoa về chiến công của người anh hùng diệt xe tăng. Đúng 60 năm sau, chúng tôi về “địa linh nhân kiệt” quê hương người anh hùng, vùng đất nổi tiếng Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi. Sau gần 700 năm tuổi, Quỳnh Đôi vẫn nghèo tiền, nghèo gạo, nhưng tỉ phú về lòng yêu nước, về chí hiếu học. Dưới thời khoa bảng phong kiến, các thế hệ làng Quỳnh có 531 tú tài, 203 hương cống (cử nhân), 13 giải nguyên, 4 phó bảng, 6 tiến sĩ, 2 hoàng giáp, 1 thám hoa, 1 bảng nhãn. Từ năm 1945 đến nay, ước có trên 500 người tốt nghiệp đại học, 23 thạc sĩ, 33 tiến sĩ, 7 phó GS, 3 GS, 3 viện sĩ quốc tế.

 

Quỳnh Đôi sinh ra Cù Chính Lan - người anh hùng bất tử - một cuộc đời trẻ trai mà hơn vạn bài ca. Vừa tới địa đầu Quỳnh Đôi đã gặp nhà bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương do Quỹ Hợp tác phát triển văn hoá Thụy Điển - Việt Nam tài trợ. Đi tiếp gặp nhà thờ Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích, khu mộ cụ Hồ Tùng Mậu nhà cách mạng, gặp cột am thờ Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan. Dù biết chỉ là cột am thờ vọng, chúng tôi đinh ninh rằng: Với móng lịch sử rộng sâu đến như thế, chắc chắn làng Quỳnh ngày nay còn lưu giữ dấu ấn tuổi thơ của Cù Chính Lan, lưu giữ một thời vất vả khổ đau, một thời nuôi dưỡng hun đúc lòng yêu nước thương nòi, hun đúc nên giá trị bất tử của một đấng anh hùng.
 
Có một cuộc đời hơn vạn bài ca - 1

Chị Cù Thị Mai và em trai Cù Chính Tuấn (con ông bà Lượng) chung tay làm giỗ kỵ Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan.

 

Làng Quỳnh ngày ấy, vợ chồng cố nông Cù Khắc Nhượng - Hồ Thị Hạ nghèo của, giàu con, Cù Chính Lan SN 1930, là con thứ ba và là út. Năm bé Lan lên 4 tuổi đã mồ côi mẹ, thời gian sau ông Nhượng tục huyền cùng bà Hồ Thị Hoe và sinh hạ tiếp 4 người con. Nhà nghèo đông con, bé Lan sớm theo anh trai đi làm thuê cuốc mướn cho địa chủ trong vùng để giúp cha nuôi đàn em khác mẹ. Tuổi thơ làm thuê cuốc mướn, ăn đói mặc rách, khổ đau buồn tủi... đã tạo cho bé Lan tính thương người, có ý chí tự lập, căm ghét áp bức bất công, luôn nuôi chí hướng đánh đuổi quân xâm lược để tổ quốc sớm được độc lập tự do, người dân làng Quỳnh sớm hết nghèo khổ, tủi nhục...

 

Năm 1946 quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, 16 tuổi Cù Chính Lan đã gia nhập Vệ quốc đoàn. Đức tính cần cù, chịu khó, chịu khổ, thương người cùng cảnh... được anh mang vào môi trường mới và tiếp tục được anh phát huy trong học tập, rèn luyện, chiến đấu, trở thành giá trị cốt lõi hun đúc nên phẩm cách người anh hùng.

 

Ngày 13.12.1951, ta mở trận tấn công cứ điểm Giang Mở (xã Bình Thanh, huyện Kỳ Sơn, cách thị xã Hoà Bình chừng 8km về phía nam). Trong khi bộ đội chân đất đầu trần đang tập trung áp sát mục tiêu, bỗng những chiếc xe tăng địch lao đến ứng cứu. Hàng trăm đồng đội liệu có nhận ra nguy cơ dễ bị những khối thép hung dữ kia lao lên nghiến nát? Không do dự, với khẩu tiểu liên trong tay và quả lựu đạn bên hông, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan tách đội hình chạy bộ cắt đường, đuổi kịp chiếc tăng đi đầu.

 

Nhanh như sóc anh nhảy lên thành xe, cạy nắp tháp xe, thả lựu đạn đã rút chốt. Quả lựu đạn diệt gọn tốp địch bên trong, chiếc xe tăng bất động thành vật cản đường, những chiếc đi sau như rắn bị giập đầu không thể lên ứng cứu đồng bọn. Cứ điểm Giang Mở nhanh chóng bị ta tiêu diệt. Hai tuần sau - ngày 29.12.1951, anh cùng đồng đội đánh đồn Cô Tô, trận này dù đã hai lần bị thương, nhưng anh vẫn nén đau, tiếp tục phá mở những lớp rào gai, dọn đường cho đồng đội lên tiêu diệt địch. Lần thứ ba bị thương nặng, anh vẫn bám trụ trận địa, dốc hết tinh thần động viên anh em chiến đấu. Trận đánh kết thúc cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng giữa vòng tay đồng đội.

 

60 năm và mãi mãi

 

Đúng 60 năm sau về lại làng Quỳnh rộng sâu lịch sử, nơi hun đúc nên chiến công lẫy lừng của anh hùng dùng lựu đạn diệt xe tăng, chúng tôi không khỏi trở trăn với điều hiện hữu: Trước khi hoá thân cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, liệt sĩ Cù Chính Lan mới 21 tuổi đời chưa kịp có vợ con, từ bấy đến nay thân nhân gia đình chưa biết mộ phần anh yên nghỉ nơi đâu. Theo tập tục cổ truyền, cũng vì không biết phần mộ còn hay mất nên thân nhân gia đình lập am thờ anh tại làng để hương hồn người anh hùng trường tồn với quê hương Quỳnh Đôi. Được biết, trong lịch sử kháng chiến giữ nước của dân tộc Việt Nam và cả trong lịch sử chiến tranh nhân loại, lần đầu tiên xuất hiện “cách đánh dùng lựu đạn diệt xe tăng”. Tấm gương mưu trí, quả cảm, sáng tạo của Cù Chính Lan lập tức được bộ đội ta noi theo áp dụng trên các chiến trường, khiến quân xâm lược ưu thế về vũ khí phải bạt vía kinh hồn.

 

Cách đánh của Cù Chính Lan là sự vượt trội về lòng quả cảm, trí sáng tạo; là tất yếu của tinh thần xả thân cứu nước, là hành động phi thường. Từ năm 1965, ngành văn hoá tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) sớm đề nghị ghi danh sự kiện anh hùng này. Năm 1993, Bộ Văn hoá - Thông tin ra QĐ công nhận khu di tích lịch sử Cù Chính Lan là di tích quốc gia, năm 1994 khởi công xây dựng khu di tích, dựng tượng đài anh hùng diệt xe tăng.

 

Tên tuổi của anh được chọn đặt làm tên các trường: THCS phường Chăm Mát, thị xã Hoà Bình, tiếp đến là Trường THCS xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Giữa lòng thủ đô Hà Nội, tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, có một tuyến phố mang tên Cù Chính Lan, phố này nguyên là doanh trại bộ đội, năm 1997 hình thành khu dân cư đông đúc, năm 1998 thành lập đơn vị hành chính vinh dự được mang tên Cù Chính Lan.

 

Liệt sĩ Cù Chính Lan chưa kịp có vợ con, việc thờ phụng tại quê do ông Cù Chính Lượng là anh trai đảm nhiệm. Từ ngày ông Lượng mất, đã nhiều năm nay việc thờ phụng do bà Hồ Thị Lượng (vợ ông Lượng) đảm nhiệm. Nhà bà Lượng ở xóm 6, xã Quỳnh Đôi, gian giữa ngôi nhà dành thờ tổ tiên, phối thờ hai cụ Cù Khắc Nhượng - Hồ Thị Hạ, thờ ông Cù Chính Lượng là con trai trưởng của hai cụ. Ở tít trên cao phía đầu hồi nhà, đặt thờ di ảnh liệt sĩ Cù Chính Lan, nhiều năm rồi bà Lượng tuổi già sức yếu không thể trèo lên cao để khói hương sưởi ấm anh linh liệt sĩ.

 

Vợ chồng bà Lượng sinh hạ được 3 gái, 3 trai, các con của bà đều lập gia đình ra ở riêng, gia cảnh đều khó khăn chật vật. Nhà 2 người con trai ở gần bà, hằng ngày các con các cháu qua lại đỡ đần bà đồng tiền, bát gạo, giúp bà dọn dẹp cửa nhà. Anh Cù Chính Tuấn - 40 tuổi, con trai trưởng của bà, người nay mai sẽ thay mẹ phụng thờ người chú liệt sĩ. Ngôi nhà ngói của bà Lượng đã bị thời gian huỷ hoại xuống cấp, nó minh chứng cho nỗi cơ cực của một gia đình bần cố nông từ nửa đầu TK 20 tại làng Quỳnh, đến nay “truyền thống nghèo” vẫn đeo bám các thế hệ anh em, cháu chắt của Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan.

 

Không người kế tự, giỗ kỵ của Anh hùng Cù Chính Lan luôn được cháu chắt chung tay lo chu toàn. Hằng năm đến ngày giỗ kỵ, đông đủ các cháu chắt tụ về ngôi nhà tuềnh toàng của bà Lượng, người góp con gà, kẻ góp cân nếp, gói bánh, bó hoa, đĩa quả..., họ chung tay cùng bà soạn mâm cỗ, bày biện hương đăng sưởi ấm linh hồn người chú, người cậu, người ông... đã hy sinh quả cảm, được tôn vinh anh hùng khi họ chưa có mặt trên đời. Họ duy trì giỗ kỵ của người anh hùng liệt sĩ bằng tâm nguyện, bằng đồng tiền eo hẹp của người nghèo.  

 

Bà Lượng đã ngoài 80 tuổi, không biết bà còn trụ được bao lâu trong ngôi nhà cấp bốn cũng đã sức tàn lực kiệt như tấm thân èo uột của bà. Bà Lượng bày tỏ: “Nhà báo đã hỏi thì tui đành bày tỏ ước nguyện cuối đời. Nhiều đêm nằm nghĩ hoàn cảnh của chú Lan mà đầm đìa nước mắt. Tên tuổi chú lẫy lừng thiên hạ, đến nay tui vẫn không biết mồ mả chú nằm ở mô để đến thăm dù chỉ một lần. Vợ chồng tui có 6 đứa con thì đều giàu lòng, nghèo của. Giỗ kỵ của chú chúng nó luôn lo chu tất, chu toàn bổn phận với người đã khuất. Tui nay ở mai đi nỏ biết mà lần, kính nhờ từ trung ương đến địa phương, nhờ các tập thể, cá nhân trong ngoài tỉnh giúp cho tui có một căn nhà kín đáo để làm nơi phụng thờ, để mưa nắng không tới được chỗ đặt di ảnh Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan như bấy lâu nay”.

 

Theo Giao Hưởng - Hồ Thuỷ
Báo Lao Động