Có không kiểu “tư duy nhiệm kỳ”?

“Tư duy nhiệm kỳ” đồng nghĩa với suy nghĩ và hành động “nhiệm kỳ nào hay nhiệm kỳ đó”. Cách tư duy này thường dẫn tới tình trạng lãnh đạo các đơn vị-ngành-thành phố chỉ quan tâm đến việc thực hiện những mục tiêu ngắn hạn, còn hậu quả ra sao thì người dân phải gánh chịu.

Chính vì thế những tồn tại, vướng mắc cứ trôi mãi từ nhiệm kỳ trước sang nhiệm kỳ sau, từ vị lãnh đạo này sang vị lãnh đạo khác. Hậu quả của “tư duy nhiệm kỳ” có thể nhìn thấy khá rõ từ tình hình thực tế ở thành phố Quảng Ngãi.

 

Đầu tháng 7 vừa qua, UBND Thành phố Quảng Ngãi đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề về những vướng mắc tồn tại trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua. Đây là lần đầu tiên TP Quảng Ngãi tổ chức họp báo chuyên đề sau 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm TP Quảng Ngãi được công nhận là đô thị loại ba.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Mới nghe qua bản báo cáo do Phó chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi đọc tại buổi họp thì ai cũng mừng. Ví dụ: Thu nhập bình quân đầu người ở các đô thị loại 3 trong cả nước là 600 USD thì TP Quảng Ngãi đã đạt tới 900 USD. Thế nhưng, hiện nay thành phố lại đang tồn đọng khá nhiều điều gay cấn!
 
Chẳng hạn, TP Quảng Ngãi mới chỉ có 2% người dân được sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, toàn thành phố mới có 1 nhà vệ sinh công cộng nhưng chưa đưa vào sử dụng được vì thiếu… kinh phí v..v… Lên thành phố mà vẫn chưa có tuyến xe buýt nào, vì thế chuyện 2% người dân trong tổng số hơn 10 vạn dân của thành phố được sử dụng phương tiện giao thông công cộng là diều dễ hiểu.

 

Hệ  thống giao thông của một đô thị loại 3 đã được công nhận trên 5 năm mà 1/3 các con đường trong thành phố vẫn ở tình trạng “nắng bụi, mưa bùn”. Việc chưa hoàn thành nhựa hoá các con đường trong thành phố thể hiện sự yếu kém theo nhịp độ chung. Điều đó đã đành, thế nhưng kiến trúc và qui mô của các con đường, dù là các con đường mới vừa được hoàn thành năm 2008 thì đã lạc hậu.

 

Điển hình là đường Phan Bội Châu, con đường chỉ dài khoảng 1,5 km nhưng lại uốn lượn cong queo, nhà cửa 2 bên đường thì nham nhở trông rất khó coi và luôn ngập nước sau mưa. Hầu hết các con đường ở thành phố này đều như vậy! Hỏi tại sao đường mới làm năm 2008 mà lại lạc hậu thế, ông Lê Mỹ Liên - chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi trả lời: Con đường này đã được qui hoạch cách đây cả chục năm trước rồi, thế nên không sửa được nữa. Phải chăng đây là hệ luỵ từ 2 nhiệm kỳ trước, của 2 vị lãnh đạo trước?

 

Thêm một hình ảnh đáng buồn ở thành phố này là công viên Ba Tơ đã có từ nhiều năm nay, nhưng người dân ở đây chưa được hưởng một chút “lành sạch” gì từ một công trình có ý nghĩa văn hóa, mà chỉ là nơi hoạt động của các ổ nhóm tệ nạn xã hội.

 

Ngoài ra, TP Quảng Ngãi cũng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng công viên Thiên Bút, nơi có nghĩa trang liệt sĩ thành phố và núi Thiên Bút cổ kính. Thế nhưng, ngay cả khi công trình này mới chỉ nằm trong ý tưởng thì núi Thiên Bút đã nghiễm nhiên trở thành “thánh địa” của ma tuý và mại dâm.

 

Hai nhiệm kỳ trước, chính quyền thành phố đưa ra ý tưởng và xây dựng công viên Ba Tơ. Nhiệm kỳ này thành phố hoàn toàn bất lực khi không thể đưa công viên này vào sử dụng đúng mục đích và nhiệm kỳ sau ai dám chắc điều gì sẽ sáng sủa hơn cho 2 công trình văn hoá của thành phố này?

 

Phải chăng “nhiệm kỳ nào hay nhiệm kỳ đó”. Thiếu hẳn tính chiến lược cũng như những hoạch định lâu dài, vì thế những công việc làm thường chắp vá, dẫn tới tình trạng trì trệ, yếu kém?

 

Anh San
(Quảng Ngãi)

 

LTS Dân trí - Trong khi khu công nghiệp lớn Dung Quất đang hình thành ngày càng rõ nét ở tỉnh Quảng Ngãi, nhân dân tỉnh nhà cũng như nhân dân cả nước hy vọng rằng sẽ có một bước phát triển nhanh chóng của cả tỉnh cũng như thành phố Quảng Ngãi. Nhưng qua thực tế trình bày trong bài viết trên đây, thể hiện sự chưa hài lòng của nhân dân thành phố về những gì đang diễn ra và những kết quả thu được rất “khiêm tốn” sau 5 năm thành phố được công nhận là đô thị loại ba.

 

Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trì trệ như vậy? Có phải vì lối “tư duy nhiệm kỳ” hay không ? Trả lời câu hỏi này xin dành cho “người trong cuộc”.