Ba phút cùng luật sư:
Có được lập cam kết về tài sản trước khi kết hôn?
(Dân trí) - Tôi và chồng sắp cưới đều có tài sản riêng và con riêng trong cuộc hôn nhân trước. Lần kết hôn này chúng tôi muốn thỏa thuận tài sản với nhau để tránh những rắc rối về sau. Vậy chúng tôi có được phép lập thỏa thuận này hay không?
Ngày nay, chuyện ly hôn đã trở thành bình thường và các cuộc hôn nhân lần 2, lần 3 cũng trở thành phổ biến. Khi đó, chuyện hôn nhân giữa các cặp vợ chồng đã có tài sản riêng, con riêng… trở thành phức tạp nếu không được thỏa thuận trước.
Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” của báo Dân trí kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư viện Pháp luật, sẽ tư vấn kỹ hơn về thủ tục thỏa thuận tài sản trước hôn nhân.
Thưa luật sư, một bạn đọc gửi đến chương trình câu hỏi như sau: “Tôi và chồng sắp cưới đều có tài sản riêng và đều có con riêng trong cuộc hôn nhân trước. Lần kết hôn này chúng tôi muốn thỏa thuận tài sản với nhau để tránh những rắc rối về sau. Vậy theo luật Việt Nam thì chúng tôi có được phép lập thỏa thuận này hay không?”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.” .
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Như vậy, hai bạn có thể thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn như mong muốn của hai bạn.
Vậy nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng như thế nào, thưa luật sư?
Nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng do các bên thỏa thuận nhưng phải có những nội dung cơ bản theo Điều 48 Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể nội dung cơ bản như sau:
- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
- Nội dung khác có liên quan.
Sau khi công chứng hoặc chứng thực thỏa thuận xong thì vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận không, thưa luật sư?
Theo Điều 49 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Điều 17 của Nghị định 126 năm 2016 của Chính phủ thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó, hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.
Việc sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận cũng phải được thực hiện bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực. Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Còn trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu, thì giải quyết như thế nào thưa luật sư?
Theo Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTPthì thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.
Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
Xin cảm ơn Thư Viện Pháp Luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)