Nghệ An:

Có con nuôi liệt sĩ, mẹ không được công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng?

(Dân trí) - Có 3 người con liệt sĩ (trong đó 2 người con đẻ, 1 người con nuôi) nhưng cụ Trần Thị Đàm (SN 1905) không được công nhận Bà mẹ VNAH của 3 người con liệt sĩ mà chỉ được công nhận Bà mẹ VNAH của 2 người con đẻ. Đã nhiều năm gia đình đi tìm công lý để an ủi người đã ngã xuống, người nuôi dưỡng nhưng vẫn không có kết quả.

Đơn đề nghị của ông Đàn gửi đến Báo Dân trí.
Đơn đề nghị của ông Đàn gửi đến Báo Dân trí.

Vừa qua, báo Dân trí nhận được đơn thư của ông Nguyễn Văn Đàn trú ở xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) về việc: Đã nhiều năm qua gia đình ông đi đòi công lý cho bà Trần Thị Đàm (bà nội ông Đàn) không được công nhận Bà mẹ VNAH của 3 người con liệt sĩ.

Trong đơn ông Đàn nêu rõ: “Bà nội ông là Trần Thị Đàm (SN 1905) ở xã Hợp Thành, huyện Yên Thành là mẹ Việt Nam anh hùng của hai liệt sĩ Nguyễn Dơn, Nguyễn Thị Tâm và mẹ nuôi liệt sĩ Nguyễn Văn Vấn.

Theo đó, ông nội của ông Đàn là ông Nguyễn Văn Phiệt (chồng bà Đàm) có em trai là Nguyễn Ngân (SN 1912, có vợ là bà Nguyễn Thị Huề trú tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành). Năm 1943 vợ chồng ông Ngân sinh được người con trai là Nguyễn Văn Vấn, năm 1945 ông Ngân bị bệnh qua đời, năm 1947 bà Huề tái giá đi lấy chồng khác để lại con trai là Nguyễn Văn Vấn (4 tuổi) cho ông bà Trần Thị Đàm và ông Nguyễn Văn Phiệt nuôi.

Khi lớn lên ông Vấn tham gia lực lượng Quân đội vào năm 1963 và hi sinh năm 1966, đến năm 1976 thì gia đình ông Đàn mới nhận được giấy báo tử”.

Có con nuôi liệt sĩ, mẹ không được công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng? - 2
Bản trích lục và bằng tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Văn Vấn.
Bản trích lục và bằng tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Văn Vấn.

Vào năm 2014, gia đình đã làm hồ sơ kê khai nạp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ VNAH cho bà Trần Thị Đàm theo nghị định số 56 ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi làm việc với UBND huyện Yên Thành, chính quyền đã công nhận bà Trần Thị Đàm có 2 con đẻ là liệt sĩ Nguyễn Dơn, Nguyễn Thị Tâm và 1 con nuôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Vấn là con của gia đình. Tuy nhiên theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An vì chưa tìm được hồ sơ của liệt sĩ Nguyễn Văn Vấn, mặc dù gia đình vẫn còn lưu giữ giấy báo tử, bằng liệt sĩ của Nguyễn Văn Vấn … nhưng không công nhận Bà mẹ VNAH có 3 người con liệt sĩ cho bà Đàm?.

Clip: Ông Nguyễn Văn Đàn mong muốn cơ quan chức năng công nhận cho bà Trần Thị Đàm là Bà mẹ VNAH có 3 người con liệt sĩ.

Đến ngày 14/1/2015, UBND huyện Yên Thành đã có thông báo cho UBND xã Hợp Thành và gia đình lý do hồ sơ của bà Trần Thị Đàm chưa đủ để trình. Đồng thời hướng dẫn gia đình nếu hồ sơ kê khai bà Trần Thị Đàm có hai con đẻ là liệt sĩ Nguyễn Dơn, Nguyễn Thị Tâm vẫn đủ điều kiện để trình cấp trên truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH nhưng gia đình đã không đồng ý.

Rất nhiều đơn thư ông Đàn gửi đến các cơ quan nhưng không được giải quyết thấu đáo.
Rất nhiều đơn thư ông Đàn gửi đến các cơ quan nhưng không được giải quyết thấu đáo.

Sau thời gian đi đòi công lý cho bà Đàm không được, năm 2016 ông Đàn tiếp tục gửi đơn thư ra Cục Chính sách trực thuộc Tổng cục Chính trị để tiếp tục kiến nghị . Ngày 18/3/2016, Tổng cục Chính trị đã chuyển đơn và đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An xem xét giải quyết và trả lời ông Nguyễn Văn Đàn theo thẩm quyền. Tuy nhiên đã nhiều năm trôi qua gia đình ông Đàn nhưng các tổ chức cơ quan có thẩm quyền vẫn dửng dưng vô sự.

UBND huyện Yên Thành công nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Vấn là con nuôi của bà Trần Thị Đàm.
UBND huyện Yên Thành công nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Vấn là con nuôi của bà Trần Thị Đàm.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Phan Thị An – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành cho biết: “Phía huyện đã nhận được đơn thư của ông Nguyễn Văn Đàn và đã báo cáo lên cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An. Đồng thời xác minh cụ thể nguồn gốc sau đó công nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Vấn là con của gia đình bà Trần Thị Đàm, ông Nguyễn Phiệt. Việc bà Đàm không được công nhận Bà mẹ VNAH có 3 người con liệt sĩ là thẩm quyền của cấp trên”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đàn cho biết: “Thực sự gia đình đã mất mát qúa lớn, 3 người con đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến. Giờ đây ông bà đã mất, chúng tôi muốn nhà nước ghi nhận cho bà tôi công nhận Bà mẹ VNAH có 3 người con liệt sĩ để an ủi người đã khuất nhưng vẫn không được”.

Mặc dù được nhà nước truy tặng Bà mẹ VNAH nhưng chỉ công nhận đối với hai người con đẻ còn liệt sĩ con nuôi thì không.
Mặc dù được nhà nước truy tặng Bà mẹ VNAH nhưng chỉ công nhận đối với hai người con đẻ còn liệt sĩ con nuôi thì không.

Được biết, gia đình bà Trần Thị Đàm và ông Nguyễn Phiệt có 3 người con liệt sĩ. Trong đó liệt sĩ Nguyễn Dơn hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Thị Tâm hi sinh tại chiến địa Truông Bồn năm 1968 mà đến nay vẫn không tìm được hài cốt còn Liệt sĩ Nguyễn Văn Vấn hi sinh tại tỉnh Bình Định năm 1966 nhưng 10 năm sau gia đình mới nhận được giấy báo tử.

Tiêu chuẩn, điều kiện để được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

1: Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”:

a) Có 2 con trở lên là liệt sỹ;

b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ;

d) Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ;

đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Người con là liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”, bao gồm con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật.

Người chồng là liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” mà bà mẹ là vợ của người đó.

Thương binh quy định tại Điểm b, Điểm đ Khoản 1 Điều này là người đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bao gồm cả người còn sống và người đã từ trần

Trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

2: Những trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng phản bội, đầu hàng địch, có hành động gây nguy hại cho cách mạng hoặc vi phạm pháp luật bị Tòa án xét xử bằng hình thức phạt tù mà bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật (kể cả trường hợp được hưởng án treo) thì không được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Và quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số: 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP

Điều 3. Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định sau:

1:Trường hợp liệt sĩ là con đẻ đồng thời là con nuôi

Xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

2: Liệt sĩ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác

Xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; trường hợp cả hai bà mẹ đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ.

Ví dụ: Bà C có 02 con là liệt sĩ, trong đó có 01 con là chồng của bà H; bà C đủ điều kiện được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bà H có chồng là liệt sĩ (con của bà C) và có 01 con là liệt sĩ, bà H cũng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá hoặc bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá

a) Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá nhưng vẫn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ của liệt sĩ và nuôi con của liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc vì thực hiện nhiệm vụ hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc con hoặc bố, mẹ của liệt sĩ. Các trường hợp này phải được chính quyền cấp xã nơi lập hồ sơ xác nhận.

b) Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá mà con của mẹ là liệt sĩ bao gồm con của chồng trước và con của chồng sau

Trường hợp mẹ đẻ của 02 liệt sĩ đã chết khi 2 liệt sĩ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 2 liệt sĩ và đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của 2 liệt sĩ thì mẹ kế được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Bà mẹ có nhiều con nhưng đều đã chết, người con là liệt sĩ được xem là người con duy nhất.

Chỉ xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ mà những người con khác đều đã chết trước khi người con là liệt sĩ tham gia cách mạng.

Nguyễn Tú

Có con nuôi liệt sĩ, mẹ không được công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng? - 7