Có “ảo tưởng” và “háo danh” khi tôn vinh quá mức các “thủ khoa”?

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng bài “Vui buồn câu chuyện thủ khoa”, rất nhiều bạn đọc tham gia bàn luận về chủ đề này. Dưới đây xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu.

Bạn đọc Vũ Văn Thành:
 

Tôi nghĩ , nhà giáo Nguyễn Đình Minh không chỉ viết một bài hay mà còn là dịp nhắc lại các định nghĩa về các danh hiệu, ôn lại lịch sử học thuật cũng như nghiên cứu sâu về nội hàm của các khái niệm, tiêu chí của các danh hiệu...mà gần đây do nhiều lý do, những người quản lý và tổ chức các hoạt động đã vô tình hay cố ý quên mất.

 

Tôi nghĩ trong đợt sinh hoạt chính trị đầu năm học, các cơ quan có trách nhiệm nên tổ chức cho mọi người, nhất là giáo viên học sinh nghiên cứu, bình luận về bài viết này; cùng với bài của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội về việc chọn học sinh đi thi quốc tế, việc kết quả thi trung học phổ thông năm nay... Từ đó liên hệ tình hình thực tế và điều chỉnh các công việc chuyên môn của ngành giáo chúng ta. Chắc là sẽ có được các kết quả thực chất để rèn luyện và tự rèn luyện cho phẩm chất con người chúng ta tốt hơn, làm việc đúng đắn hơn, thực chất hơn.

 

Đừng kéo dài thực trạng danh hiệu thì nhiều; khen thưởng và vinh danh cũng nhiều; danh sách các nhà khoa học với chức danh này nọ, nhưng đã có những trường đại học nào được chính thức đứng trong danh sách 200 trường tốt của Đông Nam Á chưa?

 

Bạn đọc Thái Ngọc:
 
Chí lí quá! Đáng lẽ phải có những bài như thế này từ lâu rồi mới phải. Tôi cũng học Trần Phú, Hải Phòng. 3 năm trước thi đại học, tôi và nhiều bạn trong lớp thi khối A, có những người được 29 điểm mà chả được thưởng gì. May có người thi khối B được 28,5 - á khoa được thưởng 500k. Ngồi ở nhà xem lễ tuyên dương thủ khoa mà thấy tủi thân. Lúc ấy bảo bố mẹ: biết thế con thi bừa trường cao đẳng nào đấy được thủ khoa thì bây giờ tha hồ nhận tiền thưởng!
 
Có “ảo tưởng” và “háo danh” khi tôn vinh quá mức các “thủ khoa”?  - 1

(Ảnh minh họa - nguồn ảnh: thukhoa.org)
 

Bạn đọc Lê Hiểu:

 

Tôi tán thành phần lớn nội dung của bài viết. Tôi chỉ muốn nêu thêm một vài ví dụ: Ai cũng biết rằng đề thi khối A các năm, mà đặc biệt là năm nay, thường khó hơn nhiều so với khối B (môn Toán là minh chứng rõ ràng nhất). Ấy vậy mà có học sinh thi khối A được 28,5 điểm chả có danh hiệu gì, còn các bạn khác thi khối B được 28 điểm vẫn là thủ khoa! Tôi nghĩ điều đó không công bằng vì học sinh đạt thủ khoa sẽ được rất nhiều phần thưởng và ưu tiên. Hay như một thí sinh ở HT đạt thủ khoa khối B nhưng chỉ đạt á khoa khối A thôi! Cảm ơn tác giả bài viết!

 

Bạn đọc Trần Thanh Vân:

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Theo tôi nghĩ, khi chúng ta chỉ đánh giá thủ khoa có nghĩa là chúng ta vẫn còn đang mang nặng tính thành tích, thành tích của thủ khoa. Nhưng khi chúng ta suy nghĩ kỹ hơn một chút: thủ khoa ở đây chỉ do một kỳ thi mang lại, nhiều khi chỉ cần hơn nhau 0,25 hoặc 0,5 điểm đã khác. Điều đó có nghĩa là trình độ giữa hai người không thể đánh giá qua số điểm của một kỳ thi, vì lý do bất thường ... thì có thể ảnh hưởng đến số điểm. Hơn nữa, giữa hai người hơn nhau 0,25 hoặc 0,5, thì một người được vinh danh rầm rộ, còn người kia thì không được gì. Tôi nghĩ như thế quá là vô lý. Vì thế cần xem xét lại việc vinh danh thủ khoa trong kỳ thi đại học.

 

Bạn đọc ACC:

 

Bài này đúng quá và rất hay. 12, 5điểm cũng là thủ khoa và 30 điểm cũng là thủ khoa, trong khi có người 28 điểm vẫn chưa được là thủ khoa. Sao có thể so sánh như vậy được, nhiều khi nghĩ thấy buồn. Hoa hậu đồ lót cũng là hoa hậu, mà hoa hậu Việt Nam cũng là hoa hậu. Đánh đồng kiểu này chắc dần dần các giải thưởng này chẳng còn ý nghĩa nữa.

 

Bạn đọc Hương Sen:

 

Tôi không đồng ý với bài viết này, tôi thấy đây là một cách nhìn còn nhiều phiến diện. Việc tuyên dương học sinh đỗ thủ khoa như hiện nay là hợp với truyền thống vinh danh người đỗ cao nhất trong các khoa thi. Bất kể đỗ đầu trường nào, lĩnh vực gì đều đáng hâm mộ và đều là người giỏi và xứng đáng để vinh danh.
 
Trong xã hội ngày nay có nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực không thể nói trường này hơn trường kia, cuộc thi này khó hơn cuộc thi kia, lĩnh vực này tốt hơn lĩnh việc kia... Như tác giả đã nêu trường Trần Phú-Hải Phòng có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi nhưng không có thủ khoa, cũng cần xem lại liệu chúng ta có chú trọng việc bồi dưỡng "gà nòi" trong trường học hay không?... Nói chung tôi không hoàn toàn đồng ý với sự phân tích của tác giả bài này

 

Bạn đọc Tống Vũ:

 

Bài viết chỉ nói về một khía cạnh mà không bao quát hết. Cái gì mà chẳng có cái đúng cái sai, không có cái gì là tuyệt đối cả. Cao điểm nhất của một trường thì đương nhiên là Thủ khoa của trường đó, điều này không có gì phải bàn cả. Không thể đem trường này mà đi so sánh với trường khác được.Tôi thấy bài viết này không thuyết phục.

 

Bạn đọc Hoàng Quyên:

 

Theo tôi thấy, hầu hết các thủ khoa có điểm vượt trội thì mới được báo chí vinh danh mà, không phải thủ khoa nào cũng được. Còn học sinh trường VB nói trên được thưởng đến 30 triệu đồng là thủ khoa 30/30 điểm đấy, không phải dễ dàng đâu!

 

Bạn đọc Ngô Quyền:

 

Theo tôi, tôn vinh thủ khoa là rất tốt, nhưng để cho hợp lý hơn ta nên tổ chức tuyên dương những người thi đạt điểm cao. Ví dụ đạt từ 28 điểm trở lên chẳng hạn. Mình không thể cứ bê nguyên hình thức làm như trước được, phải cải tiến chứ. Trước kia thì rất đúng vì điều kiện lúc đó là như vậy. Bây giờ chúng ta phải điều chỉnh cho hợp với thời nay chứ.

 

Bạn đọc Pham Phuong:

 

Tôi là giáo viên ở Vĩnh Bảo- Hải Phòng. Cám ơn tác giả với bài viết rất sát thực. Tôi rất đồng tình với tác giả, chúng ta nên có một khái niệm về thủ khoa cho cả nước. Tuy nhiên đính chính lại hộ tác giả về vài ví dụ mà tác giả đưa ra:
 
Thứ nhất, ở HP không có lễ "tuyên dương thủ khoa", mà chỉ có lễ "Khen thưởng HS - SV tiêu biểu HP" (gồm giải nhất, nhì quốc gia, quốc tế, HS-SV người Hải Phòng tốt nghiệp thủ khoa các trường ĐH). Có phải giải quốc tế “ăn theo” buổi lễ đó đâu. Ở HP, UBND, thành đoàn, sở giáo dục cho mức thưởng hs-sv tiêu biểu như nhau.
 
Thứ hai, trường THPT Vĩnh Bảo có học sinh được thưởng 30 triệu đồng do hiệu trưởng đi xin tài trợ, sao trường NK Trần Phú không tự đi xin?
 
Thứ ba, học sinh huyện nghèo Vĩnh Bảo đỗ thủ khoa các trường ĐH toàn là trường ĐH có tiếng trên cả nước với điểm số rất cao (Bách Khoa, HV Hải Quân,..), cho dù thưởng 30 triệu đồng cũng hoàn toàn xứng đáng.

 

Bạn đọc Nguyễn Thúy Hạnh:
 

Một số chi tiết trong bài viết có thể chưa chính xác, nhưng nhìn chung đây là bài viết hay. Ý tứ và lời văn súc tích, cô đọng mà sắc sảo và có tính thuyết phục cao! Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại không chỉ riêng câu chuyện này “tôn vinh các thủ khoa”, mà còn nhiều việc khác nữa. Người Việt Nam ta hình như đang sa vào những chuyện háo danh và ảo tưởng mà nhiều khi quên mất đâu mới là "thực chất". Chân lý thì bao giờ cũng phải dựa trên thực tế. “cái danh” gắn với “cái ảo” dễ mê hoặc lòng người và ngộ nhận  là “cái đẹp”, nhưng về bản chất thì nó không phải là cái tồn tại. Chất xám của Việt Nam đã bị mất mát và thất lạc quá nhiều rồi, đừng để đến lúc những người có thực tài cảm thấy bị xúc phạm. Nó sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc!

 

LTS Dân trí - Nhiều sai lầm bắt nguồn từ khái niệm không chuẩn xác. Tác giả bài viết “Vui buồn câu chuyện thủ khoa” đã uốn nắn việc hiểu chưa chuẩn xác về khái niệm “thủ khoa”, nhưng ngay cả việc biểu dương những học sinh đỗ đầu vào những trường đại học mà gọi là “tôn vinh nhân tài” thì cũng không đúng. Làm sao mới đạt được điểm cao qua một kỳ thi đại học mà đã gọi là “nhân tài”.

 

Để đạt tới mục tiêu đó, các em còn phải phấn đấu nhiều lắm, có khi cả đời vẫn chưa đạt tới được. Cho nên, việc biểu dương những học sinh đỗ đầu vào các trường đại học và cao đẳng nên cân nhắc những người thật sự xứng đáng. Nghĩa là đỗ đầu với điểm cao, và không nên đề cao các em quá mức khiến cho người được tuyên dương có thể ngộ nhận  mình  là “nhân tài”. Điều đó có thể dẫn tới hệ lụy cho bản thân cũng như gia đình các em. Còn xã hội cũng mang tiếng là cổ vũ cho cái thói hư danh!

 

Vì vậy, việc biểu dương đúng mức những thí sinh đỗ đầu trong kỳ thi đại học, cao đẳng là một việc nên làm. Nhưng nếu việc biểu dương  không chính xác và quá mức thì không đem lại lợi ích gì mà ngược lại, còn có thể dẫn đến những hệ lụy ngoài mong muốn.