Bạn đọc viết:

Vui buồn câu chuyện thủ khoa

(Dân trí) - Tôn vinh nhân tài là một việc tốt, là truyền thống, nhưng tôn vinh làm sao cho đúng mới là câu chuyện cần bàn. Có lẽ trước hết cần thay khái niệm “Thủ khoa” trong thời điểm hiện nay, bởi nghe có vẻ hay nhưng sai lệch hẳn về nghĩa.

Vui buồn câu chuyện thủ khoa  - 1
Lễ tuyên dương 136 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học,
 học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2009 (Ảnh: Châu Như Quỳnh)
 
Những năm gần đây, toàn quốc nổi lên phong trào biểu dương các thủ khoa sau khi kết thúc các kỳ thi chuyên nghiệp. Thông tin trên website của Bộ GD&ĐT còn đăng tải nhóm 200 trường có điểm thi vào ĐH&CĐ cao nhất.
 
Đây là một hoạt động giáo dục tốt bởi nó không chỉ là một thông điệp thành tích với xã hội, mà còn là nêu gương những điển hình. Từ đó kích thích, động viên toàn ngành giáo dục và nhân dân trong xu thế tiến hành xã hội học tập, xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao để hoà nhập với kỷ nguyên tri thức, thế kỷ XXI.
 
Tuy nhiên vấn đề tưởng như tích cực 100% ấy vẫn còn nhiều điều phải bàn, nổi cộm lên vẫn là câu chuyện vinh danh các thủ khoa.

Thủ khoa là một khái niệm tồn tại thời Hán học, “Thủ khoa” hiểu đơn giản là người đứng đầu một khóa thi, ở đây là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Người đứng đầu khóa thi Đình được phong Trạng nguyên. Có điều để đánh giá được như vậy thì tất cả các thí sinh thời Hán học đều thi cùng 1 đề, cùng 1 kỳ thi, cùng 1 thang điểm và cùng 1 bộ giám khảo.

Vấn đề  tôn vinh thủ khoa ở các trường đại học là khá ổn. Bởi lẽ thành tích học tập của nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên rất rõ ràng và kết quả bài thi, khoá luận, luận văn, luận án là tường minh. Do vậy người thủ khoa đơn giản là người có thành tích học tập cao nhất khoa, nhất chuyên ngành, hoặc nhất trường tuỳ theo cách chọn cấp.
 
Nhưng thủ khoa các kỳ thi vào các trường chuyên nghiệp lại khác, đấy là người có thành tích (điểm thi) vào trường cao đẳng hoặc đại học nào đó cao nhất.
 
Vấn đề đặt ra ở chỗ: một học sinh thi vào trường đại học A đạt 15 điểm và là thủ khoa, còn một học sinh khác thi vào trường đại học B đạt 29,5 điểm lại không là thủ khoa. Hoặc một học sinh thi vào cao đẳng đạt 21 điểm là thủ khoa, còn học sinh khác thi đại học đạt 27 điểm thì không có tên tuổi gì, mặc dù cùng khối thi.
 
Chưa nói đến chuyện các khối thi khác nhau (có kiểu tư duy khác nhau), nếu có môn trùng thì mức độ khó dễ cũng khác nhau… Trong khi nguyên tắc của so sánh là chỉ được thực hiện cùng một nội dung đề trên tất cả các đối tượng.
 
Các tỉnh đoàn và ngành giáo dục tỉnh, thành phố thường tổ chức biểu dương rầm rộ các thủ khoa mà dường như  không chú ý đến dư luận và nỗi buồn và những câu chuyện bên lề khác… của các em học sinh, gia đình, dòng họ bị “thất thủ khoa” khi mà điểm thi của con em họ vượt trội.
 
Nếu như hai học sinh ở cạnh nhà nhau thì câu chuyện hoá ra đậm tính bi hài. Vì rằng một bên tưng bừng phóng viên báo chí, máy ảnh, máy quay, hoa, quà chúc mừng và nhộn nhịp cảnh Thủ khoa thực hiện “Thủ khao” ăn mừng. Một bên thì im lìm “ngậm đắng ” bởi dẫu giỏi hơn, nhiều điểm hơn nhưng lại chẳng đủ điểm để thủ khoa!

Sau lễ đăng quang hoành tráng, tầm cỡ cấp tỉnh có truyền hình trực tiếp, các thủ khoa nhận được rất nhiều nguồn tài trợ từ các tổ chức, các nhà lãnh đạo, các nhà hảo tâm. Tại trường THPT Vĩnh Bảo (Hải Phòng) có em còn được một ca sĩ nổi tiếng tặng 30 triệu đồng. Rồi hội nọ, mạnh thường quân kia... dồn vào, có khi được cả trăm triệu.

Ở Hải Phòng,  98% số giải quốc gia, quốc tế và khu vực mà Hải Phòng đạt được đều do học sinh trường THPT chuyên Trần Phú mang về. Nhưng trường này nhiều năm chẳng có thủ khoa nào.
 
Gần đây, khi đón anh Phạm Tuấn Hùng, Trưởng phòng THPT Sở GD&ĐT Hải Phòng đưa đoàn học sinh đi dự thi môn Hoá học từ Nhật về, anh có vẻ buồn vì học trò chỉ được huy chương đồng. Anh buồn, nhưng tôi lại nghĩ cái HCĐ đó là “đồng đen” vì một cuộc thi toàn thế giới cũng chỉ có vài cái. Ấy thế, nhưng những huy chương vàng, bạc đồng loại này cũng chỉ “ăn theo” trong lễ tuyên dương mà thôi, bởi lễ ấy là lễ “Tuyên dương các thủ khoa”!
 
Chuyện buồn hơn, khi một số lãnh đạo trong phát biểu này, báo cáo nọ cứ ngợi ca không tiếc lời những thủ khoa, cao hứng lên có vị còn đề nghị các trường đặt chỉ tiêu thủ khoa trong kế hoạch đào tạo nữa. Thủ khoa kiểu gì, chứ kiểu hiện thời, nếu theo các vị mà đặt chỉ tiêu có khi nhiều chỗ lao đao.
 
Một  cậu học sinh “láu cá” có tên trong lễ vinh danh kể: “Bố em cứ thích thủ khoa, em chọn cái trường tầm tầm để chắc ăn, sau đó nhập học nguyện vọng 2”. Thế là người lớn thua trẻ con! Nhà trường và gia đình cá nhân được tôn vinh, nhưng thủ khoa lại chuồn sang trường khác. Buồn thay cho cái trường đại học có thủ khoa ấy vì vừa bị mừng hụt, lại mất chỉ tiêu.

Tôn vinh nhân tài là một việc tốt, là truyền thống, nhưng tôn vinh làm sao cho đúng mới là câu chuyện cần bàn. Có lẽ trước hết phải thay khái niệm “Thủ khoa” đi, bởi nghe có vẻ hay nhưng sai lệch hẳn về nghĩa. Mặt khác nên có tiêu chí quy định cụ thể, chẳng hạn như: căn cứ vào quy định điểm loại giỏi là từ 8 điểm trở lên mà đỗ đầu trường thì mới được vinh danh, hoặc là vinh danh chung các học sinh có tổng điểm đỗ 3 môn thi đều đạt loại giỏi trở lên chẳng hạn…

Từng nghe chị em bàn luận về việc mua gương: có tấm thì nịnh sắc da, tấm thì mặt lại béo ra, tấm thì mờ và rốt cuộc họ vứt đi cả để mua một chiếc gương trung thực nhất mà điều chỉnh nhan sắc. Câu chuyện ấy, so với câu chuyện thủ khoa tưởng như không ăn nhập nhưng lại có ý cần sử dụng. Bởi suy cho cùng mục tiêu của tôn vinh là xây dựng một biểu tượng, một tấm gương để nhìn vào và noi theo. Vấn đề là tấm gương sao cho đúng nghĩa tấm gương.

Ths. Nguyễn Đình Minh
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, Hải Phòng)