Những con số biết nói
Kỳ thi ĐH 2009 đang từ từ lật giở những trang cuối. Từng người, từng nhà đang hồi hộp dõi theo kết quả của con em, bạn bè mình, của lớp mình, của trường mình và của cả địa phương mình. Đất học Hà Tĩnh đạt kết quả thế nào trong kỳ thi quan trong bậc nhất này? Vào Mạng giáo dục Edu net của Bộ GD-ĐT, cùng suy ngẫm về một vài con số.
Hà Tĩnh xếp thứ 16 toàn quốc về điểm bình quân đại học, xếp số 1 trong các tỉnh Bắc miền Trung. Phân tích kỹ, trong 15 tỉnh thành xếp trên Hà Tĩnh, có 9 tỉnh thành có số lượng TS dự thi ít hơn, nhưng lại có số học sinh (HS) đông hơn Hà Tĩnh.
Như vậy, tỷ lệ HS tham gia thi ĐH của Hà Tĩnh cao hơn. Với các tỉnh đó, những HS học tương đối yếu chỉ thi trung cấp hay các trường dạy nghề. Nếu Hà Tĩnh hướng nghiệp tốt hơn, phân luồng tốt hơn, thì bình quân điểm thi chắc sẽ cao hơn. Khi đó, thứ hạng về bình quân điểm của Hà Tĩnh không chỉ là thứ 16!
Cũng trên trang web này, Bộ GD-ĐT đăng tải danh sách (DS) HS đạt tổng 27 điểm trở lên của các tỉnh thành, nhằm vinh danh những HS giỏi, và để các địa phương có số liệu khen thưởng. Trong DS này, Hà Tĩnh có 90 em, xếp thứ 11. Mười tỉnh thành xếp trên là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, TPHCM, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên.
Trong số này, chỉ có Hưng Yên và Bắc Ninh là có số HS tương đương Hà Tĩnh. Còn các địa phương khác đều có số HS vượt trội Hà Tĩnh, lại có những trường chuyên của Bộ, thu hút HS giỏi của nhiều tỉnh lân cận. Trong DS này, có 26 tỉnh có chưa đến 10 em, 8 tỉnh mất trắng và 4 tỉnh có đúng 1 em.
Ở Hà Tĩnh, tất cả các huyện thị đều có HS trong DS, điển hình là: THPT Năng Khiếu (43), THPT Trần Phú (10), THPT Hồng Lĩnh (7), THPT Hương Sơn (4), THPT Phan Đình Phùng (4).
Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Tĩnh có 4 Thủ khoa và 3 Á khoa. Đó là Nguyễn Đình Thuần - THPT Hồng Lĩnh, Thủ khoa ĐH GTVT. Trần Thị Phương Thanh, Lê Thị Mỹ Hạnh - THPT Năng khiếu, Thủ khoa HV Cảnh sát. Trần Quốc Luật - THPT Cao Thắng, Thủ khoa ĐH Vinh, Nguyễn Đức Hồng - THPT Trần Phú, Á khoa ĐH Dược Hà Nội; Đinh Văn Học - THPT Năng khiếu, Á khoa ĐH KTQD và Hoàng Lan Hương - THPT Hương Sơn, Á khoa khối C ĐH Vinh.
Tốp 200 trường
THPT có điểm thi ĐH cao nhất năm 2009, Hà Tĩnh có
2 trường là THPT Năng khiếu và THPT Phan Đình Phùng. Đặc biệt THPT Năng khiếu xếp thứ 6, chỉ sau một số trường chuyên ở Hà Nội và TPHCM.
Đất nghèo vượt khó
Những cánh chim đầu đàn trên, sinh ra từ những mái ấm nào?
Thầy Đặng Dân, trường THPT Năng khiếu cho biết, phần nhiều HS trường THPT Năng khiếu trong DS là con các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Dẫn đầu DS là em Đinh Văn Học, điểm thi 29,5 - Á khoa ĐH KTQD. Bố mất sớm, mình mẹ làm ruộng nuôi 3 con ăn học. Kế theo danh sách là em Trần Thị Phương Thanh, điểm thi 29,5- Thủ khoa HV Cảnh sát. Gia đình em chẳng khá giả gì, bố em lái công nông, mẹ bán rau nuôi con ăn học.
Gặp anh Trần Xuân Phượng, trường THPT Trần Phú, tôi hỏi tại sao một trường làng lại có số HS trong DS vượt 26 tỉnh thành cả nước, anh cười, không trả lời.
Hỏi về các HS giỏi đó, con cái nhà ai, thì anh bảo: “Toàn con nhà nghèo cả, nhiều em hoàn cảnh thương tâm lắm! Trường Trần Phú có 10 em 27 điểm trở lên, thì 10 em đều con nông dân, chỉ có 2 em có bố là CB CNV nhà nước. Em Lê Toàn, cả khối A và khối B em đều đạt 27 điểm. Hiện nay mẹ bị ung thư, bố mẹ là nhà nông, bao nhiêu tiền của lo chạy chữa thuốc thang cho mẹ. Nay con đậu 2 trường ĐH, đang vừa mừng lại vừa lo. Em Nguyễn Đức Hồng, điểm thi 29 và 27, cũng con nhà nghèo, bố lương ba cọc ba đồng, mẹ nông dân, lại ốm đau luôn”.
Thầy Phạm Quốc Phong trường THPT Hồng Lĩnh cho biết: Cả 7 em trong DS ở HL cũng toàn con nhà nghèo, đặc biệt là Thủ khoa Nguyễn Đình Thuần, bố mẹ đều nông dân, cuộc sống gia đình rất vất vả.
Trường THPT Hương Sơn có 4 em trong DS, thì cả 4 em đều con nông dân nghèo, có 2 em thuộc diện hộ nghèo và 1 em thuộc vùng khó 135. Đầu DS là Trần Thị Lai, 28 điểm, con hộ nghèo ở Sơn Phú. Trường Lê Hữu Trác I có 1 em trong DS, là Phạm Quang Hiệu, 28 điểm, bố mẹ là nông dân nghèo, bản thân bị đau ốm liên miên. Em Hoàng Lan Hương con hộ nghèo ở Sơn Diệm, vừa đi mổ tim về thì đi thi ĐH, thế mà em vẫn là á khoa khối C của ĐH Vinh. Trần Quốc Luật, gia đình là hộ nghèo vùng 135 miền núi Sơn Hồng, là thủ khoa ĐH Vinh.
Chưa thống kê đầy đủ, cũng đủ thấy hầu hết các em HS có tên trong DS đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đều là những HS nghèo vượt khó. Sự nỗ lực của HS, của GV, của ngành GD HT thật đáng khâm phục.
Những con số biết nói, những nỗ lực vượt khó thành công của các em HS trong kì thi ĐH chắc chắn là niềm vui chung của mọi người dân Hà Tĩnh.
Xin chia sẻ niềm vui với các phụ huynh tần tảo một nắng hai sương, với các em học sinh đã vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc kì thi vào ĐH.
Xin chia sẻ niềm vui với mọi thành viên trong ngành GD Hà Tĩnh. Các đồng nghiệp của tôi, viên phấn trong tay, đã vẽ nên ước mơ và niềm tin trong lòng các em học sinh.
Xin chia sẻ niềm vui với những người đã từng băn khoăn, nghi ngờ về chất lượng giáo dục Hà Tĩnh. Cảm ơn những dư luận trái chiều đã giúp chúng tôi khẳng định được chính mình.
Trần Đình Trợ
Giáo viên trường THPT Hương Sơn-Hà Tĩnh
LTS Dân trí - Niềm vui của ngành giáo dục cũng như nhân dân Hà Tĩnh qua kết quả kỳ thi đại học vừa qua cũng là niềm vui chung của tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Một tỉnh còn nghèo như Hà Tĩnh mà có tới 90 học sinh thi đại học đạt từ 27 điểm trở lên, xếp thứ 11 trong phạm vi cả nước. Hơn nữa số học sinh giỏi đó phần lớn là con nhà nghèo, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn. Điều đó thật đáng là tấm gương sáng về lòng hiếu học và tinh thần vượt khó cho các bạn trẻ noi theo.
Nếu chỉ căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay thì Hà Tĩnh hình như có sự thụt lùi về giáo dục so với những năm trước, nhưng kết quả thi đại học đã khẳng định lại vị thế của vùng đất vốn có truyền thống hiếu học. Điều đó cho thấy giáo dục Hà Tĩnh đã thắt chặt quản lý trong kỳ thi tốt nghiệp nhằm phản ánh đúng thực chất kết quả. Đấy là hướng đổi mới đúng đắn trong công tác quản lý nhằm nâng cao vững chắc chất lượng giáo dục.