Chuyện “thờ” thầy thời xưa và nay

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác… nhưng có một điểm thay đổi cơ bản: Không thờ Thầy đã chết mà thờ Thầy đang còn sống!

Chuyện xưa kể rằng: vào năm 479 trước Tây lịch, đức Khổng Tử qua đời, mộ ngài được táng ở Tứ Thủy Biên, bắc thành nước Lỗ. Cảm kích công dậy dỗ của người Thầy vĩ đại, học trò của Khổng Tử là Tử Cống, một doanh nhân nổi tiếng thành đạt, đã đề nghị với các môn đệ, thống nhất cùng để tang Thầy ba năm!

Tiếp đó, Tử Cống còn tự dựng một căn lều ngay bên cạnh mộ Khổng Tử để tiện hương khói cho Thày hàng ngày! Dần dần có tới trên trăm môn đệ bắt chước Tử Cống, cùng dọn đến làm nhà quanh mộ Khổng Tử, hình thành một khu dân cư sầm uất, người đời sau đặt tên nơi ấy là "Thôn Khổng"!

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Sau này, hình như hậu duệ của Tử Cống, có tên là “Tử Phong Bao”, lưu lạc sang tận mấy vùng ven biển nước Nam ta, như Đồ Sơn (Hải Phòng), hay Nam Vân, Nam Toàn (Nam Định),.. và rất nhiều nơi khác nữa, thậm chí còn tới tận mũi Cà Mâu xa xăm cũng có! Đến nay, theo số liệu thống kê chưa chính thức, trong 65 tỉnh thành, thì cũng xấp xỉ con số đó có Tử Phong Bao đến sinh cơ lập nghiệp và “thờ thầy”!

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” của tổ tiên vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác… nhưng có một điểm thay đổi cơ bản: Không thờ Thầy đã chết mà thờ Thầy đang còn sống! Việc đầu tiên các Tử Phong Bao làm là xác định cho được ai là người Thầy cao cả của mình, người mà mình có thể cậy nhờ lớn nhất trên cõi đời này - càng có được nhiều Thầy càng "hảo! hảo!"! Tiếp đó, nhờ Thầy chỉ cho một khu đất thơm nhất nhì trong các vùng quy hoạch mà Thầy sẽ duyệt nay mai, để nhanh chóng về dựng lều "thờ" Thầy, "nuôi" Thầy ở đó!

Cũng như Tử Cống, Tử Phong Bao cho thông báo rộng khắp các môn đệ, mỗi người nộp cho Tử một ít lệ phí, rồi chia nhau làm nhà vào các mảnh đất đã phân lô. Dân sở tại thì được lệnh của Thầy, thu dọn chuyển gia sản đi bằng hết! Thế là chẳng mấy chốc, một khu đô thị mới được hình thành, nhà cửa cứ là đắt như tôm tươi - Tử và "đồng môn" đã kiếm "tiền tấn" qua việc mua đi bán lại những mảnh đất ấy! Người đời nay gọi các khu đô thị kiểu ấy là "Khu Đông Quan", vì nơi ấy hầu như không có dân nào được ở, kể cả các "gia đình chính sách"! Cũng có nơi lại được gọi là "Khu Quý Quan", vì ở đó rặt toàn chỉ có những đệ tử ngoan của xếp lớn cư ngụ mà thôi!

So với Tử Cống, hậu duệ Tử Phong Bao đã thức thời và thực dụng hơn, vượt rất xa tổ tiên về học thuyết thờ phụng: thứ nhất, không thờ phụng người chết, mà thờ phụng người sống! Chết là hết, chết thì còn có ích gì? Thứ hai, không "thờ chay", thờ chay là lạc hậu - "thờ phụng kết hợp với làm kinh tế" mới là chủ thuyết hợp xu thế thời đại!

Cha ông ta thường nói: "Hậu sinh khả úy"! Quả đúng là như vậy, phải không, thưa các bạn?!. Có điều, khả úy đến mức này thì Dân bất khả chịu nổi!

Trần Huy Thuận
(NamĐịnh)

LTS Dân trí - Ngẫm câu chuyện từ đời xưa của đất nước bạn mà “tức cảnh sinh tình” nghĩ ra câu chuyện thời nay trên đất nước mình…

Câu chuyện đó do tác giả viết bài nói trên nghĩ ra để hầu chuyện và mua vui cùng độc giả. Cốt chuyện đã phản ảnh phần nào sự thật đang diễn ra ở không ít địa phương trong việc ngoắc ngoặc, kéo bè “thầy - trò” để chiếm dụng đất đai - tài sản của quốc gia, của nhân dân - để “thầy - trò” trục lợi và làm giàu cho nhau… theo cấp số nhân! Thế là “nghĩa tình” trọn vẹn đôi đường, vừa tôn thờ được lợi ích của “thầy” vừa vun vén được lợi ích cho các “đệ tử”.

Những câu chuyện như vậy vẫn thường diễn ra ở nơi này, nơi kia và hầu như người dân ở các địa phương đang đô thị hóa đều phải chứng kiến… Cho nên có thể nói, trong các dạng tham nhũng nói chung thì có lẽ tham nhũng đất đai thuộc vào loại trầm trọng và phổ biến, cần có biện pháp nghiêm trị kịp thời và quyết liệt thì mới ngăn chặn được tình trạng đó!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm