Sóc Trăng:
Chuyện lạ: Tòa "rộng lượng" buộc bị đơn trả gấp đôi diện tích đất nguyên đơn yêu cầu!
(Dân trí) - Bà Hải khởi kiện đòi 1.232m2 diện tích đất nhưng tòa án huyện Long Phú (Sóc Trăng) lại “rộng lượng” buộc luôn bên bị kiện là ông Hơn phải trả đến 2.331,2m2. Trong khi đó, diện tích đất mà bà Hải đòi lại có nhiều khuất tất chưa được làm rõ khiến ông Hơn rất bức xúc.
Theo trình bày của ông Lương Văn Hơn (SN 1958, ngụ tại ấp Trường Lộc, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng): Năm 1990 và năm 1992, ông mua của ông Trần Minh Quang và ông Nguyễn Văn Diễn (cùng ngụ tại ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng- giáp ranh ấp Trường Lộc, xã An Mỹ) diện tích đất khoảng 3.000m2. Diện tích đất đó ông Hơn sử dụng trồng cây ăn trái lâu năm từ đó cho đến nay, không tranh chấp với ai.
Đến năm 2010, anh ruột của ông Hơn là ông Lương Văn Tỏ mất. Bà Lưu Thị Hải (vợ ông Tỏ, chị dâu ông Hơn, ngụ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bất ngờ đưa ra GCNQSDĐ đứng tên bà Hải cho diện tích đất 1.232m2 và yêu cầu ông Hơn trả lại đất cho bà.
Theo hồ sơ do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TN-MT Sóc Trăng) cung cấp, diện tích đất1.232m2 tranh chấp được bà Lưu Thị Hải có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất ngày 11/9/1993, khai là đất gốc và được UBND huyện Long Phú cấp GCNQSDĐ ngày 19/7/1994. Đến năm 2007, bà Hải có đơn xin cấp lại GCNQSDĐ cho diện tích đất nói trên với cam kết đất đó vợ chồng bà sử dụng trước và sau 1975.
Thế nhưng, trình bày tại TAND huyện Long Phú, bà Hải lại khai: Diện tích đất đó bà Hải nhờ em chồng là ông Lương Văn Hơn đứng ra chuyển nhượng của ông Trần Minh Quang vào năm 1990 và của ông Nguyễn Văn Diễn năm 1992 và để cho ông Hơn sử dụng đến năm 1993 thì gia đình bà Hải sử dụng. Đến năm 2010 thì lại cho ông Hơn sử dụng.
Theo nhân chứng Trần Minh Quang (nguyên là Xã Đội trưởng xã đội Trường Khánh, huyện Long Phú, nay là Bí thư Chi bộ ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh): “Đất tranh chấp là đất của cha mẹ tôi sử dụng từ năm 1945, rồi giao cho tôi quản lý, sử dụng. Đến năm 1990, tôi chuyển về phía trong ở nên sang lại cho ông Lương Văn Hơn và ông Hơn sử dụng từ đó cho đến nay chứ không có chuyện bà Hải nhờ ông Hơn đứng ra chuyển nhượng dùm bà ta. Tôi chuyển nhượng cho ông Hơn thì tôi có trách nhiệm với ông Hơn nên tôi kêu ông Hơn đi làm sổ đỏ thì mới biết diện tích đất đó bà Hải đã đứng tên từ trước. Tôi cá cược sinh mạng chính trị của mình để khẳng định ông Hơn mua đất của tôi chứ không phải bà Hải mua. Bà Hải khai nguồn gốc đất tranh chấp là của gia đình bà quản lý, sử dụng từ trước cũng như sau 1975 là không đúng sự thật. Mâu thuẫn như vậy mà bà ấy cũng dám khởi kiện thì không thể hiểu nổi”.
Còn ông Lương Văn Ngọc (chú ruột ông Hơn và ông Tỏ) nói: “Tôi năm nay 89 tuổi, sinh ra lớn lên ở đất này nên biết rất rõ đất tranh chấp. Tôi khẳng định đất tranh chấp là đất cháu Hơn sang lại của ông Quang và ông Diễn chứ không phải đất gốc của vợ chồng cháu Tỏ như cháu Hải khai. Hơn nữa, vợ chồng cháu Tỏ sinh sống ở Cần Thơ, không ở đây, không canh tác trên diện tích đất tranh chấp đó nên đòi cháu Hơn trả đất là không có cơ sở”.
Các nhân chứng ở địa phương như ông Nguyễn Hữu Danh, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Thanh Tài (hiện là Phó Chủ tịch HĐND xã Trường Khánh), Lương Thị Sương (chị ruột ông Hơn, em chồng bà Hải), Huỳnh Văn Sung đều xác nhận, đất tranh chấp là của ông Hơn mua, quản lý, sử dụng từ khi chuyển nhượng của ông Quang và ông Diễn cho đến nay chứ không phải mua dùm cho bà Hải. Bà Hải cũng không canh tác ngày nào trên thửa đất này.
Trong khi đó, tòa án huyện Long Phú cho rằng, ông Hơn sang nhượng đất của ông Quang và ông Diễn nhưng không làm thủ tục kê khai cấp GCNQSDĐ. Khi bà Hải kê khai cấp GCNQSDĐ thì ông Hơn không phản đối. Hơn nữa, khi bà Hải có đơn xin cấp GCNQSDĐ, chính quyền xã Trường Khánh có niêm yết danh sách nhưng phía ông Hơn cũng không phản đối. Từ đó, TAND huyện Long Phú tuyên buộc ông Hơn phải trả cho bà Hải diện tích 2.331,2m2; còn phía bà Hải phải trả cho ông Hơn 50.845.000 đồng là tiền giá trị cây do ông Hơn trồng trên đất tranh chấp.
Lý giải vì sao xã Trường Khánh niêm yết danh sách bà Hải xin cấp GCNQSDĐ, ông Hơn bức xúc: “Tôi ở ấp Trường Lộc của xã An Mỹ, huyện Kế Sách. Trong khi đó, danh sách niêm yết lại ở ấp Trường Lộc của xã Trường Khánh, huyện Long Phú thì làm sao tôi biết được. Hơn nữa, khi cấp sổ đỏ cho bà Hải, cán bộ địa chính xã Trường Khánh có xác minh đất bà Hải xin cấp giấy có khai tứ cận sát đất tôi không ? Họ không xuống tận nơi để xác minh hộ tứ cận mà chỉ theo lời khai của bà Hải để cấp bừa khiến cho tôi bị mất đất oan ức”.
Một sự vô lý nữa mà có lẽ không ai chấp nhận được là trong đơn xin cấp GCNQSDĐ cho mình, bà Lưu Thị Hải xin cấp cho diện tích 1.232m2; đơn yêu cầu hòa giải bà Hải cũng khai diện tích tranh chấp là 1.232m2 nhưng tòa án lại buộc ông Hơn trả cho bà Hải diện tích đất 2.331,2m2. Theo lý giải của tòa án, đo thực tế phần đất tranh chấp là 2.331,2m2 chứ không phải 1.232m2 như giấy chứng nhận của bà Hải được huyện cấp. Hóa ra, người kiện đòi ít nhưng lại được tòa phán trả nhiều. Đây là chuyện thật không thể tin nổi ở huyện Long Phú (Sóc Trăng).
Ông Lương Văn Hơn nói: “Sự thật đã rõ ràng. Người chuyển nhượng đất cho tôi hiện đang sống tại địa phương, thế nhưng tòa không xác minh. Tôi quản lý, sử dụng đất đó từ trước đến nay. Vậy mà tòa lại tuyên buộc tôi phải trả 2.331,2m2 đất cho bà Hải. Tôi đã kháng cáo lên tòa án tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu hủy bản án dân sự của TAND huyện Long Phú. Đất của tôi thì phải trả cho tôi chứ không thể biếu không cho bà Hải được”.
Bạch Dương