“Chuyện lạ” hay chuyện thường ngày ở công sở?

Nhân đọc bài “Những “chuyện lạ” về Văn minh công sở “ của tác giả Trần Quang Đại tôi thấy đấy không phải là “chuyện lạ” mà là “ chuyện thường ngày ở huyện”.

Xin góp thêm những ví dụ mà tôi đã từng gặp khi có chuyện đến “ công đường”.

Hôm vừa rồi tôi có việc lên UBND huyện Từ Liêm (Hà Nội), khi đến cổng bảo vệ thì đã nhìn thấy mấy anh bạn tôi (không phải là nhân viên của UBND) và một trong những người bạn đó đã gọi điện thoại cho tôi hẹn tôi cùng đến đang đứng trong sân UBND, tôi liền dắt xe máy vào cổng và nói với mấy anh bảo vệ là cho tôi vào.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Anh tổ trưởng Bảo vệ tên Sơn hất hàm hỏi: Vào đâu? Có việc gì? Tôi nói mấy anh bạn tôi kia (tay chỉ về phía các bạn đang đứng cách đó 5m) gọi tôi đến có việc cùng vào phòng Tài nguyên và Môi trường để giải quyết. Anh ta không cho vào. Mấy anh bạn tôi chạy đến xin anh cho tôi vào thì  anh ta nói muốn gặp ai thì nói người đó gọi điện ra đây.

Thấy quá khó khăn, tôi hỏi vậy muốn vào giải quyết công việc thì cần có điều kiện gì? Anh ta nói phải có chứng minh thư nhân dân và giấy giới thiệu. Trong khi đó mấy anh bạn tôi không có giấy giới thiệu thì lại được vào. Tôi hỏi: Thế tôi muốn vào phòng tiếp dân thì sao? Anh ta hất hàm với điệu bộ rất hống hách và khoát tay nói:  vòng ra ngoài.

Khi tôi vòng ra chỗ anh ta chỉ thì chẳng tìm được phòng tiếp dân nào mở cửa đón dân. Thế là hôm đó tôi phải đứng ngoài với tâm trạng rất ấm ức đành mất thời gian đợi các bạn tôi.

Lúc đó bỗng nhiên tôi nhớ tới câu chuyện của anh bạn tôi đi làm nghiên cứu khoa học ở Nhật Bản. Có lần anh ấy lên cơ quan công quyền của Nhật để hỏi về thủ tục xin cho vợ con sang chơi. Khi đến cổng bảo vệ, anh ấy chỉ nói được tiếng Anh, ngay lập tức anh bảo vệ gọi điện vào trong cơ quan nói mấy câu bằng tiếng Nhật, một lúc sau thấy một cô nhân viên tươi cười ra tận cổng chào hỏi bạn tôi (bằng tiếng Anh). Cô ấy hỏi han rất nhiệt tình và dẫn bạn tôi đến tận các phòng cần thiết, phiên dịch cho nhân viên là bạn tôi cần gì và phải làm những gì. Sau đó, cô ấy còn đưa anh bạn ra tận cổng và dặn nếu có vấn đề gì cứ gọi điện thoại cho cô ta.

Kể cho tôi nghe câu chuyện đó rồi anh bạn nhận xét: đến cơ quan công quyền của Nhật Bản có cảm  tưởng như đến khách sạn 5 sao ở Việt Nam. Họ thực sự coi mình là khách, được tôn trọng, được phục vụ thật nhiệt tình.

Còn ở ta mới qua cổng bảo vệ đã gặp thái độ mất lịch sự, hống hách, đòi hỏi giấy tờ nhiêu khê, có công việc gì thường phải đi lại đến vài ba lần, phải cầu khẩn, xin xở hết cửa này đến cửa khác, làm cho người dân chúng tôi có cảm tưởng như vào “cửa Quan” và gặp được “Quan” thật khó!

Dù Chính phủ đã quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính và chấn chỉnh thái độ tiếp dân của các cơ quan công quyền, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng không ít cán bộ công sở rất xa dân, ăn lương từ tiền đóng thuế của dân nhưng khi làm chức trách của mình thì lại cứ nghĩ là đang làm phúc cho dân, làm sai không xin lỗi. Khi làm một việc gì đó cho dân thường có thói quen hưởng thụ “ văn hóa phong bì”. Cách đối xử của họ với người dân hoàn toàn đi ngược lại những gì mà Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là công bộc là đầy tớ trung thành của dân”. 

Dangtranchien 

LTS Dân trí - Sau hơn một năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở, mặc dù tình hình đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều điều người dân kêu ca và tỏ thái độ bất bình về thái độ tiếp dân thiếu lịch sự cũng như cách thức giải quyết công việc còn nhiêu khê, qua nhiều khâu, nhiều thủ tục, làm cho người dân tốn nhiều công sức, mất nhiều thời gian và nhiều khi phải quỵ lụy, chạy vạy mới lo xong công việc.

Mong rằng các cơ quan công quyền lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, nghiêm túc thực hiện Quy chế văn hóa công sở cũng như thực hiện cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm