Những “chuyện lạ” về văn minh công sở

Nhà nước đang trong tiến trình cải cách hành chính, xây dựng công sở văn minh. Nhiều công sở đã được cấp bằng “Công sở văn hoá”. Tuy nhiên, vẫn còn những chuyện “lạ” mà nếu không trực tiếp chứng kiến, sẽ có người cho rằng chúng tôi xuyên tạc.

Những sự thực mắt thấy tai nghe

Xin kể lại một số lần tiếp xúc của chúng tôi với các nhân viên của một chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa phương. Thực chất đây là cơ quan kinh doanh nhưng còn 100% vốn nhà nước, cho nên cán bộ nhân viên ở đây vẫn có thể xem là một dạng công chức.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự đủng đỉnh, lạnh lùng của các nhân viên và sự chen chúc, chờ đợi của những người dân-khách hàng. Cơ quan không có bảng biển chỉ dẫn, nên tôi phải hỏi thăm một lúc mới gặp được người phụ trách lĩnh vực mình cần. Sau khi hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu, tôi đã nhận được số tiền cần vay. Vì trong hợp đồng ghi rõ định kì trả tiền lãi là 3 tháng một lần nên tôi cứ ung dung. Nào ngờ đó là do sơ suất của nhân viên phụ trách, chứ thực chất ngân hàng quy định trả tiền mỗi tháng một lần. Bà nhân viên nọ tìm tôi không được, đã tìm người nhà của tôi và có những từ ngữ không được nhã nhặn cho lắm. Khi tôi đưa bản hợp đồng ra, nhân viên nọ đã thản nhiên dùng bút chữa từ thời hạn trả nợ 3 tháng/ lần thành 1 tháng/lần rồi ghi hoá đơn nộp lãi phạt cho tôi, không một lời giải thích.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Lần thứ hai, do ngại chen lấn nên tôi đến vào lúc 15 giờ 50 phút thì nhân viên phụ trách nói : "hết giờ làm việc rồi". Tôi hỏi: Thế cơ quan quy định mấy giờ hết giờ? Nhân viên nọ đáp: 4 giờ (16 giờ). Tôi thắc mắc tại sao còn những mười phút nữa mới hết giờ sao lại từ chối giao dịch và nói sẽ điện thoại cho giám đốc, chị ta bèn biện hộ là do khách đông, làm việc mệt, rồi do cán bộ đi họp vắng...và vẫn không đáp ứng yêu cầu của tôi.

Lần thứ ba, tôi lại đến cơ quan nói trên vào lúc 7 giờ 30 phút, thấy người chờ đợi đông nhưng chỉ có một nhân viên. Khi hỏi những người khác đâu thì chị ấy bảo họ đang trên huyện chưa đến. Tôi bèn về nhà lấy máy ảnh và chụp được một bức vào lúc 7 giờ 51 phút, toàn cơ quan vẫn chỉ có một người.

Những “chuyện lạ” về văn minh công sở  - 1

7h51 sáng, toàn cơ quan chỉ có một người

Khi chúng tôi điện thoại lên "huyện" hỏi thì được đáp là "họ đang trên đường đến". Trong lúc đó, người dân, những "thượng đế" vẫn đứng đợi chờ (do cả cơ quan chỉ có mấy cái ghế), có lẽ họ đã quá quen với cảnh này. Có người đã chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, nông dân vốn có thói quen dậy sớm. Một người nói: Phải 8 giờ họ mới làm việc, ngày nào cũng thế.

Những “chuyện lạ” về văn minh công sở  - 2

Người dân đứng, ngồi ngoài cửa chờ nhân viên chi nhánh ngân hàng đến.

Xin nói thêm là cơ quan này không hề có biển thông báo giờ làm việc, mà có lẽ nếu có, cũng chỉ là cho đủ thủ tục mà thôi. Một đồng nghiệp của chúng tôi nói: Đó là do chưa có sự cạnh tranh, còn nếu có sự cạnh tranh thì ai đến những cơ quan như thế nữa. Quả thật đây là một chi nhánh chủ yếu phục vụ đối tượng là nông dân, xung quanh bán kính khoảng chục cây số không có một ngân hàng nào khác.

Đến nước này thì tôi không còn đủ kiên nhẫn để đợi chờ nữa,  bèn đi xuống thị xã cách đó khoảng chục cây số, nơi có nhiều ngân hàng. Vào hai nơi để tham quan, tôi thấy phong cách làm việc ở đây chuyên nghiệp hơn nhiều. Nhân viên mặc đồng phục, đeo bảng tên, nhanh nhẹn và nhã nhặn. Cơ sở khang trang, có nơi có máy lạnh, có nhiều ghế bọc đệm, có nước khoáng phục vụ khách chờ. Chỉ cách nhau 10 cây số địa lý, nhưng lại có một khoảng cách vời vợi về văn minh công sở. Không biết do công chức ở đây văn minh hơn hay là do tác động của một môi trường cạnh tranh nên không còn cảnh "khủng khỉnh làm cao" của các nhân viên.

Còn cơ quan của chúng tôi thì lâm vào "thảm trạng" của văn minh công sở xét từ một góc độ khác. Đó là cả trường tôi (là một trường công hẳn hoi) có hơn 100 giáo viên và 2.000 học sinh nhưng chỉ có một phòng đọc kiêm phòng làm việc trong thư viện khoảng 30 mét vuông. Đã thế, trong phòng chỉ có độc 5 chiếc ghế (trước đây là 8 cái).

Những “chuyện lạ” về văn minh công sở  - 3

Nhiều giáo viên phải đứng để đọc.

Nhiều giáo viên vào đây phải đứng để đọc, làm việc. Đây là trường mới được UBND tỉnh công nhận là trường chuẩn quốc gia?! Nhân viên thư viện cho biết: Hiệu trưởng chỉ đặt 5 tờ báo.

Năm ngoái, tôi có việc phải đến một cơ quan quân đội để làm việc, công việc liên quan đến cán bộ phòng chính sách. Nhưng sau 3 lần tôi đều không gặp được người mình cần, hôm thì chờ đến hết giờ, hôm thì bận họp, có hôm thì hẹn ra gặp nhưng mãi không thấy ra. Khi nghe tôi than thở, một người bạn là bộ đội nói: "Nếu không quen biết, khó gặp lắm"!   

Công sở, bao giờ thì có văn minh?

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành "Quy chế Văn hóa công sở" có hiệu lực từ ngày 5/9/2007 với mục đích: "Đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao". Tuy nhiên, việc hiện thực hoá bản Quy chế nói trên đang còn trong giai đoạn "quá độ".

Đơn cử như  Điều 7 của "Quy chế văn hoá công sở" quy định "Cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ" vẫn chưa được chấp hành một cách nghiêm túc. Hầu như việc công chức đeo thẻ là do "ngẫu hứng", tự phát, nơi thực hiện nơi không, tuỳ theo quy định của thủ trưởng cơ quan.  

Người dân vẫn phàn nàn về cách ứng xử quan liêu, trịch thượng, bắt bẻ, quyền uy của một số cán bộ công chức, thậm chí nhiều khi cần phải "lót tay", "bôi trơn"...Rất nhiều nhân viên hành chính vẫn ngộ nhận về "uy quyền" của mình, coi người dân, khách hàng như đối tượng phụ thuộc, được "ban phát". Nhiều nhân viên hành chính cảm thấy việc tươi cười, nhã nhặn với người dân là bị "thiệt thòi, mất mát" nên rất "tiết kiệm" những hành vi thân thiện. Khi tôi đến xin chữ kí của một cơ quan cấp huyện, bắt gặp cán bộ phụ trách đang mải mê chơi game trên máy tính. Nhưng anh ta bảo tôi hôm nay không có lịch xác nhận thủ tục này, hôm sau đến giải quyết. May tôi có một người bạn làm cùng cơ quan với anh ta xin giúp, anh ta mới làm thủ tục xác nhận cho tôi.            

Hôm khác, theo thời hạn trên tờ trái phiếu, tôi đến kho bạc cách 5 cây số để nhận tiền (giữ được trái phiếu sau 5 năm là một "kì tích" của vợ tôi). Hỏi một nhân viên thì được một cái chỉ tay lạnh lùng sang bộ phận bên  kia; và "bộ phận bên kia" trả lời là hôm nay cán bộ bận họp, hôm sau đến. Một phụ nữ, có lẽ là một giáo viên, cũng lâm vào cảnh ngộ như tôi. Chắc rằng trong buổi sáng hôm ấy đã có rất nhiều người "đến rồi đi'' tay không như vậy. Vì ngại đi xa, tôi gửi cho một người quen, và đến nay đã hơn một tháng tôi vẫn chưa nhận được tiền, cộng thêm 5 năm chờ đợi. 

Mặc dù các cơ quan đều quy định làm việc ngày 8 giờ nhưng đó chỉ là danh nghĩa. Bạn tôi là cán bộ một cơ quan hành chính, cứ đến cơ quan đúng giờ, mở phòng, bật máy tính lên rồi...đi uống cà phê, ăn sáng, đủng đỉnh đến 7 giờ 30, 8 giờ mới làm việc. Buổi chiều tầm 4 giờ, 4 giờ 30 là chơi bóng chuyền, cầu lông. Nếu có ai đến giao dịch thì bảo "hết giờ, hôm sau đến"; tuy nhiên hầu như không ai "ngớ ngẩn" đến xin làm việc vào giờ ấy, bởi giờ giấc làm việc ở các công sở ra sao, người dân đều đã "thuộc nằm lòng".

Xây dựng công sở văn minh là một hướng đi đúng, có tính tất yếu song cần đi vào thực chất chứ không nên dừng lại ở hình thức, chạy theo thành tích. Cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát, quan tâm đến ý kiến của những người dân có tham gia vào lĩnh vực phụ trách để có những điều chỉnh kịp thời.

Kinh nghiệm cho thấy ở đâu thủ trưởng cơ quan, đơn vị quan tâm và có ý thức xây dựng văn minh công sở thì ở đó môi trường công sở có những biểu hiện tích cực rất rõ nét so với các nơi khác. Chúng tôi được biết ở một địa phương nọ có quy định không bố trí những cảnh sát quá béo (bụng to) làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với dân. Cần có những chế tài xử lý kỉ luật đối với những cán bộ, công chức ứng xử thiếu văn minh khi tiếp xúc với người dân, có những quy định chống việc công chức làm việc theo kiểu "câu giờ", rề rà.

Hiện vẫn có những quy định, văn bản liên quan đến quyền lợi của người dân triển khai quá chậm trễ khiến người dân rất thiệt thòi. Ví dụ quy định cấm thu tiền xây dựng trường có địa phương sau một năm văn bản có hiệu lực mới triển khai, quy định mới về miễn giảm học phí sau hơn một năm vẫn chưa thực hiện. Cần coi việc ứng xử nhã nhặn, lịch thiệp với dân là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại công chức. Bởi chỉ khi tiếp xúc với dân, những người "không quan trọng", công chức mới thể hiện con người, tính cách thật của mình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cặn dặn người cán bộ cách mạng phải kính trọng, lễ phép với nhân dân. Chúng tôi nghĩ rằng đó là một bài học mà mỗi cán bộ, công chức nên thấm nhuần và thực hành mỗi ngày.

Văn minh công sở, xin đừng coi là chuyện nhỏ, không quan trọng.

Trần Quang Đại

LTS Dân trí - Văn hóa công sở là biểu hiện nổi bật của một xã hội văn minh, mọi hoạt động công vụ đều có nền nếp, kỷ cương; mỗi người công chức đều thấy rõ trách nhiệm của mình và luôn tự nguyện làm tròn nhiệm vụ, hoàn thành tốt phần việc được giao.

Đối tượng được thu hưởng văn minh công sở là đông đảo nhân dân mỗi khi có việc cần lui tới nơi công sở, luôn được đón tiếp niềm nở, hướng dẫn tận tình và công việc được giải quyết nhanh gọn. Vì vậy, nhân dân ta đều tán thành và rất hoan nghênh chủ trương cải cách thủ tục hành chính cũng như Quy chế văn hóa công sở do Chính phủ ban hành, Nhưng rất đáng tiếc là tình hình chưa biến chuyển bao nhiêu, người dân vẫn bị phiền hà, sách nhiễu mỗi khi có việc phải đến công sở, khiến cho họ có cảm tưởng như phải qụy lụy, xin xỏ, vừa bực mình vừa mất thời gian.

Một chủ trương đúng cũng như một chính sách đúng muốn đi vào cuộc sống luôn cần có sự kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cấp quản lý. Quy chế văn hóa công sở đang ở trong tình trạng còn thiếu sự kiểm tra và đôn đốc thực hiện cho nên hiệu quả chưa cao.