Chuyện buồn văn hoá kinh doanh

Vừa bước chân vào khu vực chợ Chiều (Trung Lễ - Đức Thọ - Hà Tĩnh), khách hàng đã bị “níu kéo” bởi những lời mời chào đon đả. Nhưng nếu khách hàng không làm vừa lòng người bán thì rất dễ bị xúc phạm!

Đã đành việc mời khách mua hàng là việc thường tình của người bán, nhưng nếu khách “bị” mời quá nhiệt tình, mà không mua cũng rất ngại. Khách chỉ mua một chỗ, cảm thấy áy náy với người mời mà mình không mua.

Xưa nay, cái gì thái quá cũng không hay, mời chào khách mua hàng cũng vậy, nếu quá mức sẽ làm khách ngại, không muốn vào chợ. Gặp những trường hợp, khách hàng trả giá không vừa ý, hay sau khi xem hàng mà không mua, thế nào cũng bị nghe những lời lẽ khó lọt tai, thậm chí còn bị “ăn chửi”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đúng là người bán hàng dễ dàng “trở mặt như trở bàn tay”; cũng con người ấy, vừa mới mời chào mời đon đả, đã quay ngoắt lại nói cạnh khoé, chửi bới thô lỗ, tục tằn, xúc phạm, rồi xua đuổi khách hàng. “Trông mẽ ngoài thế chứ tiền đâu!”, “Không có tiền thì đừng đi chợ!”, “Xe đẹp thế không khéo xe mượn!”... Cũng có người khách cự lại, rồi xẩy ra cãi vã, nhưng phần lớn khách có tâm lí “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, không muốn dây vào những kẻ thô lỗ. Lâu dần, một số khách ngại đi chợ, hoặc đi chỗ khác chứ không đến chợ Chiều.

Tình trạng trên không chỉ xẩy ra ở chợ Chiều mà còn tồn tại ở một số chợ, khu vực kinh doanh khác. Một số người bán hàng nổi tiếng điêu ngoa, ghê gớm, hay chửi bới, ứng xử vô văn hoá khiến khách vừa mới nghe tên đã “sợ”. Ngoài ra, rải rác vẫn còn tình trạng gian lận trong cân đong đo đếm hàng hoá, hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng, vệ sinh cho khách.

Tất cả những nguyên nhân đó đã khiến nhiều khách hàng lựa chọn siêu thị thay vì chợ hay quầy bán hàng hoá truyền thống, bởi vì vào siêu thị không lo người bán “nói thách, cân điêu” và cũng khá yên tâm về chất lượng hàng hoá. Mặc dù giá cả trong siêu thị đắt hơn một ít so với chợ, khu vực kinh doanh truyền thống. Vào siêu thị bao lâu cũng được, lựa chọn hàng hoá thoải mái, nếu không mua cũng không ai nói gì. Các siêu thị hiện nay đnag phát triển rất mạnh, thu hút đông đảo lượng khách hàng có thu nhập khá và giàu có. Cứ đà này, một thời gian nữa các siêu thị sẽ “đè bẹp” chợ truyền thống.         

Cha ông có câu “Thuận mua vừa bán”, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, người kinh doanh có hiểu biết sẽ cảm ơn khách mua hàng vì đã đem lại lợi nhuận cho mình, nếu khách không mua thì cũng tỏ thái độ vui vẻ, thoải mái. Thậm chí nếu khách hàng đã dùng hàng hoá mà không vừa ý cũng sẵn sàng đổi lại hay đền bù, luôn lắng nghe khách hàng để đổi mới phương thức kinh doanh. Người kinh doanh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thái độ vui vẻ, hoà nhã thì sẽ tạo được chữ tín. Đó là văn hoá kinh doanh giúp doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững. Còn làm ăn chụp giật, “buôn gian bán lận” hay thô lỗ, vô văn hoá thì chính người buôn bán và doanh nghiệp đã tự đẩy mình vào chỗ suy vong. 

                            Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Chữ tín và thái độ đối xử chân thành, hòa nhã, tận tình với khách hàng là những yếu tố quan trọng đầu của văn hóa kinh doanh. Đấy cũng là những yếu tố đem lại sự thành công cho cấc nhà kinh doanh và người bán hàng dù ở chợ quê hay ở siêu thị.

Tiếc rằng nhiều người kinh doanh hàng hóa lại không hiểu “luật chơi” bán - mua, không biết chiều khách và dễ giở mặt như trở bàn tay, vì lợi ích cỏn con trước mắt mà bỏ mất cái lợi lâu dài, cho nên đã bán rẻ chữ tín và đương nhiên không tránh khỏi sự thất bại vì hàng hóa bị ế ẩm và thua lỗ ngày càng nặng, dẫn tới kết cục là phải đóng cửa hàng và bỏ nghề bán hàng.