Xung quanh chất lượng khu tái định cư tại Hà Nội:
Chung cư xuống cấp, lỗi thuộc về chủ đầu tư
(Dân trí) - Vài năm trở lại đây, Hà Nội triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông nên số lượng khu đô thị tái định cư cũng vì lẽ đó mà tăng theo. Tuy nhiên, chất lượng sống tại các khu tái định cư này còn nhiều điều phải bàn…
Trước việc hàng loạt khu tái định cư xuống và chất lượng dịch vụ thấp mà bạn đọc Dân trí liên tục phản ánh về tòa soạn trong thời gian qua, PV Dân trí đã đi tìm hiểu vấn đề này tại hai khu Đồng Tàu và Nam Trung Yên để tìm lời giải.
Chủ đầu tư bảo hành công trình chưa triệt để
Ngày 19/4, khi được hỏi về khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai), ông Lương Văn Hữu, Giám đốc xí nghiệp Quản lý dịch vụ & Khai thác khu đô thị (gọi tắt là XN - thuộc công ty TNHH nhà nước MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội) cho biết PV Dân trí biết: Quỹ nhà tái định cư này được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, phục vụ tái định cư, GPMB của UBND TP. Hà Nội.
Theo quy định, trong thời hạn 1 năm kể từ khi bàn giao nhà, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) phải có trách nhiệm bảo hành công trình và các thiết bị liên quan. Trong thời gian này, chủ đầu tư và các bên liên quan đã và đang triển khai bảo trì các công trình hư hại, nhưng vì làm chưa triệt để, nên gây bức xúc cho người dân sống ở đây. XN đã có nhiều văn bản gửi chủ đầu tư và các bên nhà thầu phối kết hợp thực hiện công tác bảo hành, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân.
Liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, đường nội bộ các khu nhà này được bàn giao cho công ty Chiếu sáng đô thị. Hiện đơn vị này cũng đang hoàn công để bàn giao. Vì chưa tiếp nhận bàn giao chính thức, nên XN đề nghị chủ đầu tư khắc phục những hố ga mất nắp (bị lấy cắp), đưa thang máy vào sử dụng (trong khi chưa có hướng dẫn vận hành cụ thể)…
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng tại nhà N2, N5, N6 khu tái định cư Đồng Tàu, ông Hữu cho hay: “Quỹ nhà nói trên đang ở giai đoạn từ bảo hành sang bảo trì, chủ đầu tư đương nhiên phải có trách nhiệm. Đối với quỹ nhà đã chuyển giao và hết thời gian bảo hành mà xuống cấp, XN đương nhiên phải chủ động lập dự toán sửa chữa, chứ không phải chờ kinh phí được thành phố phê duyệt. Đối với các nhà chung cư xuống cấp, hư hỏng, XN có trách nhiệm lập báo cáo kỹ thuật, dự toán để sửa chữa, đáp ứng đầy đủ điều kiện ở cho dân sinh sống”.
Trước đó, ngày 14/4/2011, đại diện chủ đầu tư và XN đã xuống hiện trường kiểm tra, phía XN đã có đề nghị chủ đầu tư khắc phục những khiếm khuyết của công trình và thiết bị liên quan. Trước những diễn biến phức tạp xảy ra tại đây, chiều 15/4/2011, trong cuộc họp giữa các bên, đại diện XN đã kiến nghị với Sở Xây dựng Hà Nội thành lập tổ công tác kiểm định chất lượng công trình, thiết bị và hạ tầng kỹ thuật để xử lý triệt để, đáp ứng điều kiện ở cho người dân.
Đến Nam Trung Yên cũng tương tự
Mặc dù chuyển về sinh sống tại các khu nhà tái định cư B10B, B10C, A6B khu đô thị Nam Trung Yên từ nhiều tháng nay, nhưng hơn 120 hộ dân ở đây đang đối mặt với tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt và hạ tầng không đảm bảo.
Nhiều người dân khi trao đổi với PV Dân trí đều chung suy nghĩ: “Chúng tôi về đây theo diện di dời thực hiện dự án đường Lê Văn Lương (kéo dài). Nhiều tháng nay chúng tôi phải dùng nước giếng khoan, điện của các đơn vị thi công. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm do rác thải diễn ra triền miên. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các đơn vị chức năng, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Trước khi chuyển về đây, chúng tôi được chủ đầu tư cho biết, các hạng mục đã được hoàn thiện đầy đủ, nhưng giờ sống ở đây không khác gì trên “hoang đảo”.
Được biết, khu đô thị này do Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư. Thời điểm hiện tại, 3 khu nhà nói trên chưa được chủ đầu tư bàn giao cho đơn vị quản lý theo Quyết định 140 của thành phố. Mặc dù trước đó, chủ đầu tư đã hứa các hạng mục công trình được bàn giao trong thời điểm này. Trước kiến nghị của các hộ dân và các đơn vị liên quan, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp giữa các ban ngành liên quan. Tại cuộc họp này, chủ đầu tư đưa ra cam kết, sẽ hoàn thiện và bàn giao các hạng mục công trình của những khu nhà nói trên chậm nhất là ngày 31/12/2010.
Theo cam kết của chủ đầu tư với UBND thành phố, khi người dân về sống ở các khu nhà nói trên, chủ đầu tư phải bàn giao hồ sơ hoàn công, đấu nối điện, nước sinh hoạt vào các khu nhà và hệ thống phòng cháy chữa cháy… để đảm bảo các nhu cầu sinh sống của người dân, đồng thời phải bàn giao các hạng mục công trình cho đơn vị quản lý toà nhà. Tuy nhiên đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao cho XN. “Nên khi người dân kiến nghị, chúng tôi cũng chỉ biết chuyển đến các cơ quan chức năng của thành phố xem xét, giải quyết”, vị lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý dịch vụ & Khai thác khu đô thị bộc bạch.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, việc chậm trễ này xuất phát từ việc phối hợp giữa các bên liên quan như chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án trọng điểm của thành phố, điện lực, nước sạch và các cơ quan hữu quan của Hà Nội chưa giải quyết dứt điểm. Điều đó dẫn đến nhà xây xong mà không có điện, nước, các thiết bị an toàn khác khi ở chung cư.
Trước đó, ngày 29/9/2010, XN cũng đã có văn bản gửi Điện lực Cầu Giấy, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy và Công ty CP môi trường và đô thị Thăng Long, đề nghị các đơn vị này ký hợp đồng cung cấp điện, nước sinh hoạt, thu gom rác thải tại các khu nhà trên. Đồng thời XN cũng đã hướng dẫn người dân ký hợp đồng với ngành điện, nước và thông báo đến chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh trật tự. Về phần mình, XN đã nỗ lực hết mình làm tròn trách nhiệm, để người dân khi chuyển đến đây sinh sống có cuộc sống tốt nhất.
Thực tế, tại các khu tái định cư của Hà Nội, công tác phối hợp giữa các đơn vị như chủ đầu tư công trình, điện, nước, hạ tầng giao thông,… là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, nếu thiếu một khâu nào đó không ăn khớp thì chất lượng sống của người dân được tái định cư sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó dẫn đến việc di dời, giải tỏa để thực hiện các dự án lớn sắp tới của thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vũ Văn Tiến