Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Đó là sự vi phạm Quyền trẻ em!
(Dân trí) - “Nếu đứng về góc độ Quyền trẻ em, chúng ta sẽ bị vi phạm Quyền nếu sử dụng Bộ chuẩn này để yêu cầu giáo viên mầm non theo dõi, quan sát, đánh giá chấm điểm và ghi chép vào sổ theo dõi trẻ”.
Về Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi mà Bộ Giáo dục Đào tạo đang dự thảo tôi nghĩ cũng đang nhằm hướng tới sự chuẩn hoá cho trẻ em Việt Nam ở độ tuổi này. Qua nghiên cứu, tôi được biết có nhiều chỉ số trong 125 chỉ số của Bộ chuẩn này đã được đăng tải trong nhiều tài liệu về Giáo dục Mầm non và được áp dụng trong nhiều năm nay với mục tiêu khuyến khích phấn đấu cho các bậc cha mẹ, các cô giáo hãy quan tâm chăm sóc nuôi dạy con em mình sao cho đạt được sự phát triển đúng tầm mà trẻ em cần có.
Do vậy việc nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành một Bộ chuẩn phát triển cho trẻ em là việc nên làm. Tuy nhiên về tên gọi đã nên gọi là”Bộ Chuẩn” hay gọi là “Bộ Chỉ số tham khảo” đề nghị Bộ GD ĐT nên nghiên cứu? Một điều cần phải quan tâm là mục đích sử dụng của Bộ chuẩn sẽ ban hành này vào việc gì?
Nếu sử dụng 29 Chỉ tiêu và 125 chỉ số này như một “Quần thể tham khảo” để cho ngành Giáo dục các cấp, các địa phương làm cơ sở định hướng, phấn đấu trong nghề nghiệp và tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong việc xây dựng Kế hoạch, chiến lược phát triển, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì phù hợp.
Các bậc cha mẹ, cô nuôi dạy trẻ cũng lấy đây là “cái đích” để xây dựng những chủ đề dạy trẻ theo phương pháp giáo dục mới, cần hướng tới trong việc chăm sóc và nuôi dạy con em mình sao cho tốt hơn để cho thế hệ tương lai của đất nước không bị thua kếm và có thể sánh vai được với các nước trên thế giới, đảm đương được nhiệm vụ xây dựng đát nước Việt Nam Công nghiệp hoá, hiện đại hoá sau này.
Nếu đứng về góc độ Quyền trẻ em, chúng ta sẽ bị vi phạm Quyền nếu sử dụng Bộ chuẩn này để yêu cầu giáo viên mầm non theo dõi, quan sát, đánh giá chấm điểm và ghi chép vào sổ theo dõi trẻ rồi đưa nhận xét từng đứa trẻ đơn lẻ là không đạt chuẩn, là trẻ còn khiếm khuyết. Việc ghi vào hồ sơ của trẻ sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ và các bậc cha mẹ, việc này có thể còn xảy ra những nguy hại khôn lường về sau này.
- Thứ hai, cần tiến hành các cuộc tham vấn ở một số vùng, miền với các đối tượng có liên quan như cha mẹ, giáo viên và trẻ em lớn để có thể góp ý cụ thể từng chi tiết từng tiêu chuẩn cho phù hợp.
- Thứ ba, Bộ nên hướng dẫn mục đích sử dụng và có chia các ngưỡng phấn đấu phù hợp cho từng đối tượng vùng miền. Chẳng hạn, trẻ năm tuổi sống tại vùng một (thành phố) có thể áp dụng phấn đấu đạt cả 125 chỉ tiêu, 29 chuẩn. Nhưng với trẻ vùng hai (xa hơn thành phố) chỉ có thể phấn đấu đạt 100 chỉ số, 20 chuẩn; trẻ vùng ba (vùng núi, vùng khó khăn, trẻ em là dân tộc thiểu số) chỉ là 80 chỉ số, 10 chuẩn...
- Thứ tư, Bộ GD-ĐT phải có sự thử nghiệm sử dụng Bộ chỉ số này ở một số vùng miền, trên các đối tượng khác nhau, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi ban hành;
- Cuối cùng, cần thiết phải nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non để có một số kiến thức chuyên sâu về trẻ em, am hiểu cả về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kiến thức về quyền trẻ em, Bộ GD-ĐT đồng thời phải áp dụng tốt “chuẩn giáo viên mầm non”.
BS. Nguyễn Trọng An