Vụ cưỡng chế nhà đất ở Bố Trạch (Quảng Bình):

Chủ tịch UBND xã thua kiện

(Dân trí) – Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch vừa bị Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) phán quyết thua kiện, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong vụ cưỡng chế nhà đất trái pháp luật vào cuối năm 2011.


Trước đó, Dân trí đã có bài phản ánh: “Nhiều uẩn khúc trong vụ cưỡng chế nhà ở tại Bố Trạch” (đăng ngày 10/07/2012). Theo đó, thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng để xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Bắc Trạch, ngày 28/12/2011, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đã ban hành quyết định số 15/QĐ-CT về việc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong khu dịch vụ hậu cần nghề cá xã Bắc Trạch và quyết định số16/QĐ-CT về việc thành lập Hội đồng cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trong khu dịch vụ hậu cần nghề cá xã Bắc Trạch.

 

Thực hiện quyết định trên, ngày 29/12/2011, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đã tổ chức lực lượng cưỡng chế để thực hiện quyết định số15/QĐ-CT, ngày 28/12/2011 đó là tiến hành cưỡng chế, giải toả các công trình chuồng bò, quán bán hang tạp hóa của gia đình ông Nguyễn Xuân Lê và chị Nguyễn Hồng Phương trú tại thôn 1, xã Bắc Trạch.

Chủ tịch UBND xã thua kiện
Ông Nguyễn Xuân Lê xót xa trước ngôi nhà và quán hàng tạp hóa của con gái mình bị UBND xã Bắc Trạch cưỡng chế một cách trắng trợn

Điều đáng nói, dù UBND xã Bắc Trạch tổ chức lực lượng cưỡng chế nhưng lại không hề gửi các văn bản, quyết định liên quan cho người có công trình bị cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế. Ngoài ra, trong quá trình tiến hành cưỡng chế, lực lượng cưỡng chế đã không đọc các quyết định cưỡng chế; không lập biên bản cưỡng chế, biên bản kiểm kê các loại tài sản tại công trình bị cưỡng chế; việc cưỡng chế đã làm hư hỏng nhiều loại tài sản tại công trình bị cưỡng chế...

 

Trước việc làm tắc trách của UBND xã, ông Nguyễn Xuân Lê và bà Nguyễn Hồng Phương (con gái ông Lê) cho rằng, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đã có hành vi vi phạm pháp luật và đã gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Bố Trạch khởi kiện hành vi hành chính của Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, đồng thời yêu cầu UBND xã Bắc Trạch phải bồi thường thiệt hại do hành vi hành chính của Chủ tịch UBND xã đã gây ra.

Chủ tịch UBND xã thua kiện
Ông Lê từng tham gia kháng chiến và được Nhà nước cho hưởng chế độ thương binh 4/4. Còn bà Tiến cũng là người tường tham gia các phòng cách mạng ở địa phương. Năm 2008, bà được Nhà nước phong tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng  

Trước những lá đớn kêu cứu thống thiết của gia đình ông Lê, bà Phương, TAND huyện Bố Trạch đã đưa vụ án trên ra xét xử theo trình tự sơ thẩm vụ án hành chính. Theo quy định tại Điều 33, 34 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP, ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính; khoản 5, Điều 29; điểm a, khoản 3, Điều 12 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008 và  điểm a, khoản 3, Điều 4 Thông tư 16/2010/TT-BTNMT, ngày 26/8/2010 của Bộ Tài nguyên – Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 37/2005/NĐ-CP thì việc cưỡng chế xây dựng công trình trái phép thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

 

Như vậy, việc Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch chỉ đạo lực lượng cưỡng chế của UBND xã tiến hành tháo dỡ công trình xây dựng của ông Lê và chị Phương là không đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền.

 

Sai phạm tiếp theo của Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đó là quy trình thực hiện quyết định số15/QĐ-CT, ngày 28/12/2011 lẽ ra theo quy định trong phạm vi 5 ngày, quyết định cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được gửi đến gia đình bà Phương, ông Lê. Đồng thời cơ quan có thẩm quyền ra quyết định mới có thẩm quyền tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên trong khi quyết định số 15/QĐ-CT chưa được gửi đến cho chị Phương và ông Lê thì ngay ngày hôm sau Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đã tổ chức thực hiện việc cưỡng chế. Việc làm này đã vi phạm quy định tại Điều 33 Nghị định số37/2005/NĐ-CP.

Trước
đó, làm việc với PV
Trước đó, làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Tuân (bên trái), Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch cũng đã thừa nhận sai phạm về cách thức tiến hành cưỡng chế nhà đất đối với gia đình ông Nguyễn Xuân Lê

 

Việc tổ chức thực hiện cưỡng chế cũng tiếp tục vi phạm trình tự thủ tục theo quy định. Cụ thể, theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP đối với tài sản bị cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế phải lập ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức cá nhân có điều kiện trông giữ và thông báo địa điểm thời gian để các cá nhân có tài sản nhận lại tài sản.

 

Tuy nhiên trên thực tế ngày 29/12/2011 tại quán chị Phương và chuồng bò của ông Lê lực lượng cưỡng chế đã không thực hiện quy định này. Theo quyết định cưỡng chế là tháo dỡ, song lực lượng cưỡng chế phá dỡ nhiều tài sản và sau khi phá dỡ xong không thực hiện lập biên bản theo yêu cầu của chị Phương, ông Lê mà bỏ mặc tại hiện trường các thứ tài sản của họ.

 

Việc làm này đã vi phạm quy định tại Điều 35 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP khi điều luật này quy định: Việc thi hành quyết định cưỡng chế phải được lập biên bản và giao cho người bị cưỡng chế một bản.

Trước
đó, làm việc với PV
Việc làm tắc trách của ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đang khiến dư luận rất bất bình

Trên cơ sở căn cứ vào các quy định của pháp luật, HĐXX đã tuyên hành vi chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch về việc cưỡng chế tháo dỡ chuồng bò của ông Nguyễn Xuân Lê và quán bán hàng của chị Nguyễn Hồng Phương vào ngày 29/12/2011 là trái pháp luật.

 

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 13 và Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 604 và 608 Bộ luật Dân sự, HĐXX cũng đã tuyên buộc UBND xã Bắc Trạch phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho gia đình ông Lê, chị Phương. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại chưa thỏa đáng nên gia đình ông Lê, chị Phương đang tiếp tục gửi đơn kháng cáo Toàn án nhân dân tỉnh Quảng Bình.


Theo chị Phương, tổng giá trị thiệt hại do UBND xã Bắc Trạch gây ra trong vụ cưỡng chế của riêng cá nhân chị là trên 20 triệu. Ngoài ra, nhà ông Lê cũng bị lực lượng cưỡng chế phá dỡ nhiều tấm bờ rô xi măng, táp lô và chuồng bò. Tuy nhiên, UBND xã Bắc Trạch không đền bù cho ông Lê mà chỉ đền bù cho chị Phương số tiền ít ỏi 347.000 ngàn đồng. 


Báo Dân trí tiếp tục thông tin về vụ việc này. 

 

Đặng Tài

 

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm