Chủ tịch tỉnh Bắc Giang: “Con đường tâm linh kết nối bản sắc ngàn năm văn hóa Phật giáo vùng Tây Yên Tử”

(Dân trí) - Sáng ngày 16/2/2019, Lễ khai hội Xuân và Tuần Văn hóa- Du lịch năm 2019 với chủ đề "Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử" đã được tỉnh Bắc Giang tổ chức long trọng tại thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (Sơn Động). Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh đã có những chia sẻ đây xúc động và tự hào về con đường tâm linh kết nối bản sắc ngàn năm văn hóa Phật giáo vùng Tây Yên Tử.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh bày tỏ: “Đã từ lâu, Bắc Giang được biết đến là miền đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, nằm ở khu vực chuyển tiếp từ vùng trung du miền núi phía Bắc đến đồng bằng sông Hồng và trong vùng Thủ đô Hà Nội. Bắc Giang có hệ thống giao thông thuận lợi và sự kết hợp giữa vùng đồng bằng với vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng hấp dẫn, những dãy núi, thác nước hùng vĩ, cùng những thảm động thực vật phong phú như: Khu danh thắng Tây Yên Tử với rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối Nước Vàng, Khe Đin, Đá Ngang; Cao nguyên Đồng Cao; Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, Hồ Khuôn Thần, Hồ Cấm Sơn, dãy núi Nham Biền…

IMG_9841(2).jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh chia sẻ đây xúc động và tự hào về con đường tâm linh kết nối bản sắc ngàn năm văn hóa Phật giáo vùng Tây Yên Tử.

Văn hóa Bắc Giang phong phú, đa dạng, với hơn 2.237 di tích trải khắp toàn tỉnh, trong đó 711 di tích đã được xếp hạng, với 101 di tích cấp quốc gia và 583 di tích cấp tỉnh tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng, chùa Bổ Đà huyện Việt Yên, Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang…

Bên cạnh đó, Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với nhiều làng quan họ cổ, ca trù, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bảo vật quốc gia Hương án đá chùa Khám Lạng… cùng nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều làng nghề truyền thống ở Bắc Giang được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay.

Trong những ngày xuân này, đến với Bắc Giang, du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa - du lịch tiêu biểu: Đó là không khí lôi cuốn, sôi động của những lễ hội truyền thống; những lời ca quan họ đầy trữ tình, say đắm; là cảnh sắc nên thơ, phóng khoáng, yên bình của những ngôi chùa thấp thoáng; đến nơi đây du khách không chỉ được đắm chìm trong không gian văn hóa truyền thống, mà còn thỏa sức thăm quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các di tích lịch sử, thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo của miền đất và con người Bắc Giang”.

52609074_10156930890674326_2870345468758458368_n.jpg
52059563_10156930890754326_6633360346226622464_n.jpg
picture-315389847246031349895474-1548227958302.png

Những di vật cổ quý giá và sơ đồ vị trí phục dựng các ngôi chùa cổ và tuyến đường hành hương lên “nong thiêng” Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Theo các tài liệu và nghiên cứu của các nhà khoa học cùng với những di tích hiện hữu, thì cơ sở địa - văn hóa Phật giáo vùng Tây Yên Tử đã có sự phát triển nội tại ngay từ thời Lý - Trần, có xu thế tiếp nối và định hình bền vững nhiều thế kỷ sau, đặt ra cho chúng ta ngày nay một tầm nhìn về con đường tâm linh kết nối bản sắc ngàn năm văn hóa Phật giáo vùng Tây Yên Tử mà cha ông đã vượt qua bao gian khó, nhiều đời tiếp nối, tạo dựng, phát huy và phát triển cho đến ngày hôm nay.

Lễ khai hội Xuân và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2019 với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 20/02/2019 (tức từ ngày 10 đến hết ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).

Đây là sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức quy mô cấp tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, đặc sắc, nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh tới đông đảo du khách gần xa. Tại sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang 2019 sẽ có 14 hoạt động chính được tổ chức trong 07 ngày tại các huyện: Sơn Động, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và thành phố Bắc Giang, cùng nhiều hoạt động hưởng ứng khác của các địa phương trong toàn tỉnh.

52029324_424809344990133_2356322378318872576_n.jpg
52345669_403126853828595_5704151400166981632_n.jpg
52331964_10156930897199326_1928024846537588736_n.jpg

Hàng vạn du khách hành hương đến non thiêng Yên Tử qua tuyến Tây Yên Tử.

Thông qua sự kiện này, quý vị và du khách sẽ có những trải nghiệm, khám phá thú vị, ấn tượng sâu sắc với những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn như: Khai mạc triển lãm trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử; trưng bày, giới thiệu Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Lễ khánh thành Chùa Thượng và khánh thành giai đoạn 1 khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử; Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch Tây Yên Tử; xây dựng Tour du lịch gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn; Hội hát Sloonghao, phiên chợ vùng cao tại Lễ hội vùng cao Tân Sơn; trưng bày ảnh đẹp “Bắc Giang quê hương tôi”; cuộc thi ảnh đẹp “07 ngày khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” lần thứ nhất; tham gia Giải việt dã leo núi chinh phục đỉnh Non Vua và cuộc thi Marathon ảnh lần thứ nhất tại Khu Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng; Ngày thơ Việt Nam; thử nghiệm Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Giang…

Ông Lê Ánh Dương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Di tích danh thắng, tâm linh Tây Yên Tử có tiềm năng vô cùng to lớn. Theo những di chỉ khảo cổ còn lại và các thông tin còn ghi chép trong lịch sử tái hiện rõ con đường tâm linh mà Phật hoàng Trần Nhân Tông từ kinh đô Thăng Long đến chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng – Bắc Giang) để theo cung đường Tây Yên Tử lên non thiêng Yên Tử.

“UBND tỉnh Bắc Giang hướng tới việc xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh “độc nhất vô nhị” là phục dựng con đường bộ hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông lên non thiêng Yên Tử xuất phát từ chốn tổ Phật giáo là chùa Vĩnh Nghiêm để phục vụ Phật tử và du khách. Con đường bộ hành này sẽ đi theo sườn Tây Yên Tử với những cánh rừng cổ thụ bạt ngàn còn được bảo tồn nguyên vẹn và các ngôi chùa được phục dựng suốt chặng hành trình”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết.

Anh Thế