Chủ tịch tỉnh Bắc Giang chỉ đạo xử lý tình trạng tàn phá, hủy hoại rừng

(Dân trí) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công văn yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm với các tập thể, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền cấp xã để xảy ra tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp từ đầu năm 2017 đến nay tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.

Thực trạng rừng bị tàn phá, hủy hoại trở thành vấn đề nhức nhối trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua.

Từ đó, ngày 24/10, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 3663/UBND-NN gửi Sở NN&PTNT, Công an tỉnh Bắc Giang và UBND các huyện, thành phố cho biết: “Sau khi xem xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tại Báo cáo 335/BC-SNN ngày 04/10/1017 và kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm với các tập thể, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền cấp xã để xảy ra tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp từ đầu năm 2017 đến nay, đặc biệt là khu vực: Xã Đèo Gia, xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn; xã Long Sơn, An Lạc huyện Sơn Động; xã Lục Sơn huyện Lục Nam…

Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sơn Đổng rút kinh nghiện trong việc tổ chức thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng theo nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản: số 171/TB-UBND ngày 09/6/2017 ; số 2678/UBND-NN ngày 08/8/2017; số 3127/UBND-NN ngày 12/9/2017; triển khai quyết liệt các biện pháp để hoàn thành việc ký cam kết bảo vệ rừng đối với các chủ rừng trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2017.

Chỉ đạo công an huyện phối hợp với lực lượng kiểm lâm trung đẩy nhanh tiến độ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các vụ vi phạm mà lực lượng kiểm lâm bàn giao hồ sơ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.


Rừng bị tàn phá tại huyện Lục Nam (Bắc Giang).

Rừng bị tàn phá tại huyện Lục Nam (Bắc Giang).

Chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các xã tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời các vụ vi phạm đốt, phá, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp; đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo do các hộ dân tự ý đốt, phá ngoài việc xử lý vi phạm theo quy định. Đối với các địa bàn phức tạp, thành lập các tổ công tác để ngăn chặn tình trạng phá rừng, gắn trách nhiệm của UBND xã nếu xảy ra vi phạm trên địa bàn; xử lý nghiêm minh với cán bộ, đảng viên trực tiếp hoặc để người nhà tham gia đốt, phá rừng tự nhiên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tập chung bố trí lực lượng tăng cường cho cơ sở, thường xuyên bám rừng, nêu cao tình thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế tình trạng phá chặt phá rừng và các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các địa phương, đơn vị, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Công an tỉnh Bắc Giang được yêu cầu chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm đốt, phá rừng; đối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự, khẩn trường khởi tố vụ án, điều tra, xác minh đối tượng vi phạm, khởi tố bị can, truy tố trước pháp luật để xử lý nghiêm minh theo quy định.

Trước đó, như thông tin trong loạt bài điều tra trên Báo Dân trí, liên quan đến việc hàng chục nghìn m2 đất rừng đã bị “biến hoá”, cấp sổ đỏ trái luật cho gia đình chủ tịch xã, em ruột bí thư huyện uỷ Yên Thế, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định lập đoàn thanh tra rà soát toàn bộ việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp sai phạm tại địa phương này.

Tại huyện Lục Nam, vụ đốt phá rừng xảy ra tại xã Lục Sơn khiến hơn 50 ha rừng bị tàn phá. Công an huyện Lục Nam đã khởi tố vụ án và hiện đang điều tra để làm rõ các đối tượng gây án.

Anh Thế