Hà Nội:

Chủ tịch HĐQT Trường trung cấp Y bị "truất ngôi" oan ức

(Dân trí)- Mặc dù gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan chức năng nhưng bà Nguyễn Thị Cát, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Hiệu phó Trường Trung cấp Y-Dược Phạm Ngọc Thạch (TCYDPNT) vẫn chưa nhận được hồi âm, trong khi ngôi trường mà bà dày công gây dựng có nguy cơ mất trắng.

Chủ tịch HĐQT Trường trung cấp Y bị "truất ngôi" oan ức  - 1
Trường trung cấp Y-Dược Phạm Ngọc Thạch
Góp vốn bằng cách cho thuê
 
Trong đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Cát gửi đến Báo Dân trí phản ánh: Tháng 12/2008, Công ty Cổ phần Hóa dược Việt Nam (CPHDVN) vừa xây xong dãy nhà 4 tầng với tổng mặt sàn là 1.600m2 tại địa chỉ 192 phố Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội với mục đích là nhà làm việc, nghiên cứu. Theo biên bản thanh lý hợp đồng giữa Công ty với đơn vị thi công thì giá trị tòa nhà là 6,535 tỷ đồng (làm tròn số).

Cũng trong năm này bà Nguyễn Thị Cát, đang có ý định thành lập một trường y và dược, và điều kiện để trường được hình thành là phải có địa điểm và có cơ quan chủ quản. Lúc đó, thông qua mối quan hệ cá nhân nên bà Cát đã gặp ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty CPHDVN. Sau khi làm việc với bà Cát, ông Châu đã đồng ý chuyển chức năng nhà 4 tầng sang phục vụ cho việc giảng dạy. Thay vì phục vụ cho mục đích làm việc và nghiên cứu thì địa điểm trên đã bị biến tướng sang hình thức sử dụng khác.

Ngày 23/6/2009, ông Châu với vài trò Chủ tịch HĐQT Công ty đã ra Quyết định số 106/QĐ-CTCPHDVN đồng ý giao khu nhà 4 tầng trên cho HĐQT Trường TCYDPNT quản lý và sử dụng. Mặt khác, trong văn bản này ông Châu cũng yêu cầu hàng năm phía trường phải trả cho Công ty 400 triệu đồng tiền sử dụng khu nhà 4 tầng cho các khoản chi phí khấu hao, chi phí sử dụng vốn…

Trước đó, ngày 16/4/2008, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Công ty CPHDVN đã ký với bà Nguyễn Thị Cát, Chủ tịch HĐQT Trường TCYDPNT “ Hợp đồng liên kết về cơ sở vật chất”, trong đó đề cập đến việc Công ty dành một phần đất 4.000 m2 để phục vụ cho việc giảng dạy của trường tại số 192 Đức Giang, Long Biên. Trong thời gian từ tháng 7/2009 đến tháng 7/2010 phía Công ty đã thu của Trường TCYDPNT số tiền 600 triệu đồng. Như vậy, việc Công ty CPHDVN cắt đất để cho thuê đã rõ ràng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc chuyển chức năng sử dụng dãy nhà 4 tầng cũng cần phải xem xét lại, vì đây là tài sản của Công ty CPHDVN và cũng là tài sản của các cổ đông trong Công ty. Nhưng trên thực tế, trong điều lệ của Công ty không hề nhắc đến việc các cổ đông đồng ý cho góp vốn bằng dãy nhà 4 tầng vào Trường TCYDPNT. Việc ông Châu tự ý đứng ra cho thuê địa điểm, rồi tự ý ban hành văn bản quy định giá thuê chính là hành động không tôn trọng các cổ đông trong Công ty.

“Truất ngôi” Chủ tịch HĐQT trái pháp luật?

Ngày 24/2/2009, trong Quyết định số 892/QĐ-UBND, do Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Ngô Thị Thanh Hằng ký đã chính thức công nhận bà Nguyễn Thị Cát là Chủ tịch HĐQT của trường. Trong quyết định này, Thành phố khẳng định: “Trường tự quản lý, điều hành theo quy định hiện hành của pháp luật…; có tư cách pháp nhân; được mở tài khoản tại ngân hàng; được sử dụng con dấu riêng”.

Tiếp đó, ngày 7/5/2010, Trong Quyết định số 4785/QĐ- SGD&ĐT do ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo ký cũng chính thức công nhận bà Nguyễn Thị Cát là Hiệu phó Trường TCYDPNT.

Câu chuyện chưa dừng ở đây, trao đổi với báo chí bà Cát cho biết: “Do được ông Châu giúp nhà trường về tư cách pháp nhân và cho thuê địa điểm nên tôi có mời tham gia vào hoạt động của nhà trường, đồng thời đảm nhận cương vị Phó chủ tịch HĐQT. Lúc này. Ông Châu cũng đề nghị cho Công ty góp vốn vào nhà trường thông qua tài sản là dãy nhà 4 tầng”.

Ông Nguyễn Văn Phong, nguyên Giám đốc Công ty CPHDVN cho biết: “Phía Công ty không hề góp một đồng tiền mặt vào nhà trường, việc ông Châu bảo góp vốn vào trường bằng cơ sở vật chất thực ra chỉ là chuyện cho thuê đất. Thế nhưng, ông Châu lại luôn coi mình là người đại diện cho Công ty có vốn góp nhiều nhất để gây sức ép với chị Cát”.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên thì giá trị của khu nhà 4 tầng chỉ là 6,535 tỷ đồng nhưng trong biên bản xác định góp vốn thành lập Trường TCYDPNT thì ông Châu đã chỉ đạo nâng khống giá trị khu nhà thành 7 tỷ đồng. Mặt khác, ông này còn lấy vai trò của đơn vị chủ quản ký văn bản can thiệp vào công việc nội bộ của trường.

Cụ thể, ngày 1/6/2010, trong khi không có những bằng chứng về chuyên môn quản lý của bà Cát thì ông Châu đã tự ý soạn thảo văn bản nhân danh Công ty CPHDVN gửi tới UBND Thành phố và dựng chuyện cho rằng: “HĐQT cùng các sáng lập viên, các thành viên góp vốn đã thống nhất về việc đồng chí Cát thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT…”. Văn bản này cũng tiến cử người khác vào chức Chủ tịch HĐQT nhà trường thay bà Cát.

Làm việc với phóng viên, bà Cát cho biết: “Do quá căng thẳng nên ngày 25/8/2010 tôi đã bị ông Châu gây sức ép buộc phải làm đơn xin thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT nhưng sau đó tôi đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng khẳng định mình bị ép buộc và hiện giờ vẫn là Chủ tịch HĐQT và Hiệu phó của trường”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết cho đến nay Thành phố vẫn chưa có hồi âm về việc bà Cát xin từ chức. Như vậy, theo pháp luật thì cho tới thời điểm này bà Cát vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu phó Trường TCYDPNT. Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là trong suốt thời gian dài từ tháng 8/2010 tới này bà Cát hoàn toàn bị cách ly khỏi trường và không được bảo vệ cho vào.

Câu hỏi đặt ra, sau hơn một năm bà Cát không được bước chân vào trường thì những công việc liên quan đến con dấu và chức danh Chủ tịch HĐQT ai sẽ là người ký và chịu trách nhiệm?.

Được biết, ngày 3/6/2011, UBND TP. Hà Nội chính thức có công văn số 1943/VP-VHKG gửi tới Sở Nội vụ với nội dung: “Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có ý kiến như sau: Giao Sở Nội vụ xem xét giải quyết, trả lời bà Nguyễn Thị Cát theo quy định, báo cáo kết quả với UBND Thành phố”.

Điều trớ trêu là gần 4 tháng qua vẫn chưa có một hồi âm nào của Sở này tới bà Cát hay UBND Thành phố. Và ngay từ thời điểm tháng 5/2010, bà Cát đã có đơn gửi tới Sở Nội Vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng kết quả vẫn là sự im lặng khó hiểu.

Mới đây nhất, ngày 16/11/2011, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có công văn số 4330/VP-VHKG gửi tới Sở Giáo dục và Đào tạo: “Yêu cầu kiểm tra báo cáo lại quá trình giải quyết sự việc… đề xuất giải quyết dứt điểm, báo cáo thành phố trước 25/11/2011”. 

Hy vọng, với văn bản chỉ đạo này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ vào cuộc giải quyết một cách công tâm, làm sáng tỏ những uẩn khúc của vụ việc này.   

Ban Bạn đọc