Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu: “Không vì giữ ghế thẩm phán mà người ta đáng án treo lại xử án tù”.
(Dân trí) - Khi bị đại biểu HĐND truy vấn thực trạng Tòa án cấp huyện không dám xử án treo, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu phân trần: "Quy chế của Tòa án tối cao tạo áp lực cho thẩm phán. Về tình hình án treo, nếu xử không khéo thì không còn thẩm phán để xử”. Trong khi đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu: “Không vì giữ ghế thẩm phán mà người ta đáng án treo lại xử án tù”.
Tại kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa 9 vừa diễn ra mới đây, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu đã bị đại biểu truy vấn gắt gao về việc xét xử của Tòa án (TA), trong đó có vấn đề án treo.
Nếu xử không khéo thì không còn thẩm phán để xử
Đại biểu La Văn Viễn đặt vấn đề, qua giám sát TA cấp huyện xét xử án hình sự, mặc dù đối chiếu quy định thì bị cáo có đủ các tình tiết giảm nhẹ và điều kiện để được hưởng án treo nhưng TA huyện không dám áp dụng cho hưởng án treo vì sợ cấp trên hủy, sửa ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của TA cấp huyện và sợ ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm chức danh thẩm phán. Đề nghị Chánh án TA tỉnh cho biết thực trạng này có thường xuyên xảy ra không và có tạo áp lực cho thẩm phán không?
Chánh án TA tỉnh Bạc Liêu Dương Công Lập cho biết, trong báo cáo tổng kết năm 2018, các TA trên toàn tỉnh đã xét xử án treo là 33 bị cáo (tỷ lệ 4,5%). Trong 33 bị cáo, không có trường hợp nào bị Viện Kiểm sát tỉnh kháng nghị, kháng cáo hoặc yêu cầu xem xét lại. 33 trường hợp này là y án, không có trường hợp nào sửa hoặc án sai. “Cho nên đặt ra tâm trạng mà thẩm phán phản ánh, tôi cho rằng không thường xuyên xảy ra”, ông Lập khẳng định.
Theo Chánh án TA tỉnh Bạc Liêu, tháng 6/2017, TA tối cao có quy chế 120 về việc xử lý trách nhiệm cán bộ giữ chức danh tư pháp. Tại điều 11 có quy định: Nếu thẩm phán xử một năm một vụ (1 bị cáo) cho hưởng án treo mà bị sửa sang giam thì bị kiểm điểm trước toàn thể cơ quan và không được xét thi đua; 2 án treo bị sửa sang giam thì dừng công tác xét xử 30 ngày; 3 án treo bị sửa sang giam thì miễn trách nhiệm làm thẩm phán, chuyển sang công tác khác.
“Cho nên quy chế này tạo ra áp lực đối với thẩm phán, tức là sợ. Tôi cho rằng có tâm trạng đó chứ không phải là không. Nhưng tâm trạng này tôi cho có hay không là do thẩm phán nắm vững pháp luật hay không. Nếu nắm vững pháp luật thì anh không có gì phải sợ, không có gì phải áp lực. Còn anh không nắm vững pháp luật thì đương nhiên anh làm gì cũng sợ, luôn luôn bị áp lực”, ông Lập nêu quan điểm.
Đại biểu La Văn Viễn tiếp tục truy vấn, tháng 9/2015, TA tỉnh Bạc Liêu có ban hành công văn hướng dẫn về việc áp dụng án treo, tại khoản 1:…Các tội phạm mà dư luận xã hội lên án “có thể” là “tội đánh bạc, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà hậu quả có người chết.
“Chính những hướng dẫn như vậy làm như “trói tay, trói chân” gì đó, mà thẩm phán khi tuyên án rất là ngại. Vậy căn cứ nào để Chánh án ban hành công văn này, có đúng quy định pháp luật hay không?”, đại biểu Viễn băn khoăn.
Trả lời đại biểu La Văn Viễn về công văn của TA tỉnh, Chánh án Dương Công Lập phân trần: “Căn cứ về tình hình án treo, nếu xử không khéo thì không còn thẩm phán để mà xử”. Theo ông Lập, khi xử sai rồi thì TA tối cao đình chỉ thì anh không được xử, từ tù treo chuyển sang giam thì anh không còn được giữ chức danh thẩm phán. Cho nên, TA tỉnh có công văn lưu ý cho thẩm phán phải xử cho chặt chẽ.
“Việc áp dụng án treo, tôi nói không phải ở tỉnh nghiêm khắc nhưng mà nghiêm khắc để cho thẩm phán áp dụng đúng pháp luật chứ không phải không cho. Quan trọng là hủy, sửa ở trên đúng hay là không đúng, còn có hướng dẫn như vậy để thẩm phán thận trọng”, ông Lập lý giải.
“Rước thầy” về truyền đạt kinh nghiệm xử hình sự
Đại biểu Cao Xuân Thu Vân chất vấn, theo quy định rất là nghiêm khắc đối với thẩm phán trong việc xét xử khi bị cáo đáng phải phạt tù ở thì cho áp dụng tù treo hoặc các hình thức khác thì có chế tài xử lý. Ngược lại, người ta đáng được xử án treo mà mình cho người ta tù ở thì cũng có xử lý nghiêm khắc là sửa án. Và sửa án quá bao nhiêu % trong quy định thì không được tái bổ nhiệm hoặc khen thưởng. Nhưng việc này lại không có quy định rõ ràng hơn nữa thì làm áp lực rất lớn.
Bà Vân dẫn chứng, có trường hợp 2 bản án cùng ở TA cấp huyện xử xảy ra trong 2 tháng nhưng tại tuyên khác nhau. Thời điểm đầu tiên xử vụ dùng dao tông vào cây xăng để đâm một người vì người ta không bán xăng quá khuya, thì TA cấp huyện xử án tù, lên TA tỉnh sửa án treo. Hai tháng sau, TA huyện lại xử vụ trộm cắp một cái loa, 2 micro, 1 điện thoại, có bị cáo là 2 vị thành niên thì tuyên án treo, lên TA tỉnh lại xử án tù. Việc này làm cho thẩm phán và những người hiểu 2 bản án không biết kiểu nào để xử lý.
“Theo Chánh án tỉnh báo cáo thì án hủy, sửa có 3 nguyên nhân thuộc về thẩm phán là “quá chủ quan, năng lực chuyên môn, trách nhiệm không tới nơi tới chốn”. Từ đó, chúng ta xác định lại để có cách nắm thông tin, chứ nếu chờ thẩm phán cấp huyện phản ánh tâm tư, nguyện vọng về tỉnh thì rất khó”, bà Vân lo ngại.
Trả lời đại biểu Cao Xuân Thu Vân, Chánh án Dương Công Lập cho rằng, xử nghiêm khắc để nghiêm trị những người sai phạm, không chỉ răn đe, mà còn giáo dục tác động phòng ngừa chung cho toàn xã hội. Còn những tình tiết đáng hưởng án treo thì cũng có cho hưởng án treo, nhưng tuyên án treo thì cần thận trọng.
“Qua kỳ họp này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và có “rước thầy” về, thầy ở đây là những chuyên gia về xử án hình sự có kinh nghiệm của Tòa án tối cao sẽ hướng dẫn kỹ năng, chi tiết cụ thể để thẩm phán nắm vững hơn”, ông Lập nói.
Nói về phản ánh TA cấp huyện xin ý kiến xử án treo một vụ án nhưng TA tỉnh không cho nên TA huyện tuyên án tù, sau đó TA tỉnh lại sửa án treo, Chánh án TA tỉnh Bạc Liêu Dương Công Lập cho rằng, từ trước giờ ban lãnh đạo TA tỉnh không có chủ trương nào cho xử án giam hay án treo.
Theo ông Lập, chỉ những vụ án phức tạp về chứng cứ, tội danh thì huyện được quyền "xin" Ủy ban thẩm phán TA tỉnh, gọi là trao đổi góp ý thêm để lựa chọn cho rõ nội dung, chứ không có cho đường lối xử.
Không vì giữ “ghế” thẩm phán mà đáng án treo lại xử án tù
Đại biểu Cao Xuân Thu Vân đặt tiếp vấn đề, nếu một thẩm phán xử 100 vụ mà bị sửa, ít hơn 4 vụ, nghĩa là 3,5 vụ thì thoát khỏi vòng nguy hiểm vì quy định không quá 4%. Nhưng nếu xử một vụ có 3 bị cáo đáng ra cho tù ở thì cho tù treo là bị xử lý ngay. Do vậy, đã tạo áp lực rất lớn cho thẩm phán, đáng ra xử tù treo cũng không dám vì quá nguy hiểm, thà rằng để tù ở, có gì sửa lại tù treo.
“Cho nên đây là vấn đề rất khó, tôi rất lo ngại khi Chánh án cho rằng án sửa là do thẩm phán có 3 lỗi như đã nói phần trên, để thấy rằng chúng ta giam một con người, nếu đúng thì nghiêm trị, mà nếu chưa đúng tính chất mức độ thì tạo tâm lý rất lớn, gánh nặng cho xã hội. Tình trạng cho tù ở thì cái vết khó hơn là cho cải tạo, đương nhiên án treo cũng không phải là nhẹ mà gánh nặng cho địa phương. Nếu thẩm phán nào cũng tạo cho mình thuận lợi thì về mặt ngyên tắc bị cáo không được tôn trọng đúng như tính chất của nó, mong Chánh án quan tâm thêm điều đó để có lợi cho bị cáo nếu như được hưởng án treo”, bà Vân đề nghị.
Trả lời đại biểu Vân, theo Chánh án Dương Công Lập, xử một hay 2 vụ từ án treo rồi sửa sang án giam, đây không chỉ là tâm tư của thẩm phán TA cấp huyện ở Bạc Liêu, mà nói chung thẩm phán cả nước. Theo ông Lập, đây là quy định của Chánh án TA tối cao, là thẩm phán thì phải chấp hành tuyệt đối. Nếu thẩm phán nào không chấp hành thì coi như không được làm thẩm phán. Còn nếu khó khăn thế nào thì báo cáo rõ lý do để lãnh đạo nghiên cứu xem xét.
“Qua phản ánh của đại biểu, tôi sẽ tiếp thu, có nhiệm vụ báo cáo về Chánh án Tòa án tối cao thuộc thẩm quyền xem xét lại quy chế 120”, ông Lập ghi nhận.
Chốt lại vấn đề, bà Lê Thị Ái Nam- Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu cho biết, về áp lực khi xét xử tuyên án treo hay án tù, đoàn giám sát của Quốc hội, của HĐND tỉnh qua giám sát thì thẩm phán TA cấp huyện có phản ánh. Đây là một thực trạng, nên đề nghị Chánh án TA tỉnh nghiên cứu có giải pháp thế nào để giảm bớt áp lực cho thẩm phán cấp dưới.
“Còn trong xét xử thì tôi đề nghị xử đúng người đúng tội là được rồi, tránh xử oan sai. Tuy nhiên, nếu như bị cáo đáng hưởng án treo đúng quy định pháp luật thì phải xử án treo, không vì bảo vệ ghế thẩm phán của mình mà xử người ta án tù. Tôi thấy vấn đề này là không được, mong Chánh án sắp tới khắc phục vấn đề này tốt hơn”, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu rõ.
Huỳnh Hải