Chủ quán bánh xèo tra tấn dã man nhân viên sẽ nhận "kết đắng" đến mức nào?

(Dân trí) - Ngoài việc "lĩnh án" vì hành vi hành hạ trẻ em, chủ quán bánh xèo còn có thể đối diện với tội danh sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi với mức phạt lên đến 200 triệu đồng.

Vụ việc gây phẫn nộ trong dư luận khi 2 nhân viên làm thuê ở quán bánh xèo Miền Trung (trong đó có 1 em mới 15 tuổi) nằm tại Khu Công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tố cáo liên tục bị chủ bỏ đói, đánh đập dã man khiến thân thể tàn tạ, bầm dập... Các nhân viên này thường xuyên bị đánh đập, không được nhận lương hàng tháng, không được dùng điện thoại, bị đập vỡ điện thoại nên không thể liên lạc với gia đình để cầu cứu.

Khắp cơ thể họ đầy những vết thương cả cũ và mới, trong đó thậm chí có nhân viên còn nói bị đánh gãy mấy răng cửa.

Chủ quán bánh xèo tra tấn dã man nhân viên sẽ nhận kết đắng đến mức nào? - 1

 Nguyễn Thị Ánh Tuyết - chủ quán bánh xèo - làm việc với cơ quan công an.

Ngày 23/11, trả lời phóng viên Dân trí, lãnh đạo Công an huyện Yên Phong cho biết, đơn vị đã mời chủ quán là Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1986, thường trú tại Quảng Ngãi) cùng chồng là Nguyễn Thanh Vũ và 2 nhân viên quán đến trụ sở làm việc.

Ngay sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Phong ra lệnh tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết để tiếp tục làm rõ hành vi bạo hành người dưới 16 tuổi.

Về phía 2 nhân viên D. và Đ, sau khi làm việc với cơ quan Công an huyện Yên Phong, cả 2 đã được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị vết thương.

Vụ việc khiến dư luận hết sức phẫn nộ về hành vi tàn bạo của người chủ quán.

Nhận định sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật TNHH LSX cho biết, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành những hoạt động điều tra để xác định hành vi phạm tội của người hành hạ, mức độ thương tích, độ tuổi của người bị hành hạ để từ đó xác định hành vi phạm tội. Khi đủ căn cứ cơ quan tố tụng trọng vụ án này có thể xác định hành vi phạm tội của chủ quán thuộc hành vi hành hạ trẻ em theo khoản 2 điều 140 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ 1-3 năm.

Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội hành hạ người khác theo Bộ luật hình sự 2015 như sau:

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

3.a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

Về hành vi: Có hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình, cụ thể là: Đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ.

Tuy nhiên việc đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ.

Một điểm khác cần chú ý là việc đối xử tàn ác thông thường phải lặp đi lặp lại và kéo dài trong một thời gian nhất định. Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội về quan hệ xã hội, công tác hoặc về tôn giáo. Ở đây là sự lệ thuộc giữa người làm thuê và chủ sử dụng lao động.

Khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến sức khoẻ của người khác (gồm sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần). Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Chủ quán bánh xèo tra tấn dã man nhân viên sẽ nhận kết đắng đến mức nào? - 2

Trên cơ thể cháu D. có nhiều vết thương nghiêm trọng, cả cũ cả mới.

Có thể xem xét thêm hành vi sử dụng lao động chưa đủ tuổi lao động!

Theo Luật sư Lực, như thông tin phản ánh, một trong hai nhân viên bị hành hạ sinh năm 2005, tức là mới 15 tuổi.

Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động quy định người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động:

Thời gian làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần. Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 04 giờ trong một ngày và 20 giờ trong một tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội đề người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hóa.

Ngoài ra tội sử dụng lao động trẻ em còn được quy định về sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tại Khoản 98 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:

98. Sửa đổi, bổ sung Điều 296 như sau:

“Điều 296. Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi".

1. Người nào sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

2. a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

3. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

4. c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

6. a) Phạm tội 02 lần trở lên;

7. b) Làm chết người;

8. c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

9. d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

10. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

11. a) Làm chết 02 người trở lên;

12. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

13. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Như vậy, cơ quan công an sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm của Nguyễn Thị Ánh Tuyết mà có thể áp dụng mức xử phạt đưa ra phù hợp với 2 tội danh là hành hạ trẻ em và sử dụng lao động trẻ em.

Xin cảm ơn Luật sư!