Hà Nội:

Chủ đất chết 4 năm, người mua vẫn được công chứng: “Không khởi tố sẽ tạo tiền lệ xấu”

(Dân trí) - Liên quan đến vụ điều chỉnh sổ đỏ bằng hợp đồng công chứng khi chủ nhà đã chết 4 năm và bán đất công nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Thiên Sơn, Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng việc không khởi tố vụ án có thể tạo ra tiền lệ xấu.

Giấy chứng tử xác nhận ông Minh qua đời năm 2007

Giấy chứng tử xác nhận ông Minh qua đời năm 2007

Như thông tin đã đưa, các ông bà Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Khoa, trú tại Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội gửi đơn đến báo Dân trí phản ánh: Ông Nguyễn Thiên Sơn, người cùng xã có dấu hiệu lừa đảo khi thực hiện việc sang tên Giấy chứng nhận QSDĐ (gọi tắt là sổ đỏ) bằng hợp đồng công chứng khống lập 4 năm, sau thời điểm chồng bà Hòa là ông Nguyễn Đắc Minh qua đời. Đối với ông Khoa, năm 2010, ông Nguyễn Thiên Sơn ký chuyển nhượng 50.4m2 đất (trong đó có 16,8m2 đất công của xã Vân Côn không được bán) cho ông Khoa. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền ông Sơn không cung cấp giấy tờ đất để người mua làm thủ tục sang tên sổ đỏ theo thỏa thuận. Nhận thấy quyền lợi bị đe dọa, ông Khoa và bà Hòa đã làm đơn tố giác gửi Công an huyện Hoài Đức. Nhưng tại thông báo trả lời công dân, Công an huyện Hoài Đức quyết định không khởi tố vụ án vì cho rằng đây là tranh chấp dân sự.

Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu cho biết: “Về nội dung đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Hòa, theo nội dung hai bên ký kết thể hiện rõ việc ông Nguyễn Thiên Sơn “tạm giao” số tiền 10 triệu đồng, số còn phải thanh toán là 67,5 triệu đồng trong thời hạn 40 ngày. Vì vậy, số tiền ghi trên giấy biên nhận 70 triệu đồng không khớp, không phù hợp với nội dung hai bên đã cam kết là 77,5 triệu đồng.

Giấy chứng tử xác nhận ông Minh qua đời năm 2007

Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng việc Công an huyện Hoài Đức ra Quyết định không khởi tố vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Thời điểm ông Sơn làm thủ tục thay đổi tên trên sổ đỏ (2012), chồng bà Hòa, đồng thời cũng là chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Đắc Minh đã chết 5 năm nên việc bà Hòa cho rằng chữ ký trên giấy biên nhận có dấu hiệu bị làm giả là có cơ sở. Trong trường hợp ông Minh chết, hợp đồng công chứng chỉ có giá trị pháp luật khi có đủ chữ ký của bà Hòa và các đồng thừa kế theo quy định. Với trường hợp này, việc Công an huyện Hoài Đức chưa tiến hành thu thập, trưng cầu giám định chữ ký của những người liên quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án là trái các quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Việc không trưng cầu giám định các chữ ký bị tố là giả mạo nhưng lại trả lời cho người tố cáo “không có dấu hiệu hình sự” là trái pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hoài Đức không điều tra, làm rõ hành vi trái pháp luật để chiếm đoạt tài sản đối với ông Sơn, công dân và luật sư có quyền gửi đơn đến Cục điều tra hình sự - Viện KSND Tối cao tố dấu hiệu vi phạm.

Đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng 50.4m2 đất của ông Nguyễn Thiên Sơn cho ông Nguyễn Văn Khoa, sau khi nhận tiền từ ông Khoa, ông Sơn đã tẩu tán tài sản cho em trai mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ giao đất hoặc nghĩa vụ trả lại tài sản đã xảy ra và có đủ chứng cứ, thời điểm tội phạm hoàn thành là khi ông Sơn đã chuyển nhượng cho người khác, làm mất quyền của tài sản và dẫn đến không có khả năng thanh toán của ông Sơn đối với số tiền 500 triệu đồng đã nhận của ông Khoa. Không những thế, việc ông Sơn chuyển nhượng cả tài sản là đất đi thuê của UBND xã Vân Côn, theo quy định của pháp luật thì hành vi chuyển nhượng đất thuê theo hợp đồng mua bán là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Hành vi chuyển nhượng tài sản đã chuyển nhượng cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật hình sự. Hành vi này theo quy định pháp luật là thủ đoạn gian dối, vì hợp đồng chuyển nhượng trước đó giữa ông Sơn và ông Khoa vẫn đang được thực hiện, ông Sơn đã nhận 100% giá trị chuyển nhượng từ bên nhận chuyển nhượng. Hành vi trên đã xâm hại đến quan hệ sở hữu được Luật hình sự bảo vệ, việc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đã phạm vào Điều 139 BLHS. Đồng thời, với giá trị tài sản bị chiếm đoạt cả hai vụ xảy ra tại huyện Hoài Đức lên đến hàng tỷ đồng thì rõ ràng được coi là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên cần phải điều tra và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Việc Công an huyện Hoài Đức ra Quyết định không khởi tố vụ hình sự, bỏ qua trách nhiệm của những cá nhân liên quan có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu, không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật…”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Thành Vinh