Kiên Giang:
Chốt lịch tuyên án vụ canh tác gần 30 năm, 60 ha đất bỗng “lọt” vào quỹ đất xã
(Dân trí) - Sau một ngày xét xử vụ án hành chính về việc bà Trần Thị Hường yêu cầu hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2386/QĐ-XPVPHC ngày 08/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, sau phần nghị án HĐXX cấp sơ thẩm TAND tỉnh Kiên Giang quyết định tạm hoãn việc tuyên án.
Ngày 30/6, TAND tỉnh Kiên Giang mở lại phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ việc bà Trần Thị Hường (ủy quyền cho bà Trần Thị Bình) có yêu cầu hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2386/QĐ-XPVPHC ngày 08/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, sau khi HĐXX tạm hoãn phiên tòa vào ngày 28/5 để đi khảo sát thực địa theo yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn.
Tại phần thẩm vấn, HĐXX dành nhiều thời gian truy vấn bên bị kiện và những người làm chứng, nhất là việc chính quyền xã Kiên Bình lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm đất của bà Hường không đúng quy định pháp luật về trình tự, thẩm quyền và nội dung lập biên bản cũng như người làm chứng trong biên bản…
Cụ thể, về thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính ở cấp xã chỉ có Chủ tịch xã hoặc công chức đang thi hành công vụ. Tuy nhiên, trong vụ việc của bà Hường, người lập biên bản xử phạt lại là cán bộ địa chính xã (không được giao nhiệm vụ). Đáng nói, về thẩm quyền quản lý đất đai chỉ dừng lại ở cấp huyện nhưng Chủ tịch xã Kiên Bình Ngô Văn Nam tự ý thành lập tổ công tác về việc kiểm tra, sử dụng, bao chiếm đất đai trên địa bàn xã… do ông làm tổ trưởng.
Ngoài ra, tại phiên tòa, HĐXX tiếp tục truy vấn cán bộ địa chính, Chủ tịch xã Kiên Bình về việc vì sao những người làm chứng trong biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bao chiếm đất của bà Hường chỉ một bề là cán bộ xã? Tại điểm này, HĐXX tiếp tục giải thích: Cơ sở để Chủ tịch tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính là căn cứ vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền địa phương nhưng các đồng chí là người nắm luật, sử dụng luật để điều chỉnh các hành vi sai trái của công dân nhưng các đồng chí còn vận dụng luật không đúng thì làm sao dân phục. Nhất là tại các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất… vấn đề tranh chấp đất đai giữa nhà nước và người dân trở thành điểm nóng như hiện nay thì cán bộ cần làm hết sức chặt chẽ, đúng luật.
Trong phần xét hỏi, HĐXX cùng đại diện VKSND, luật sư bào chữa cho bà Hường cùng đặt nhiều câu hỏi cho bên bị kiện về việc vì sao có hai biên bản xử phạt hành chính (Biên bản 01, ngày 5/9/2013 và biên bản 02 ngày 19/9/2013) đối với hành vi bao chiếm đất công của bà Hường. Tại điểm này, luật sư bào chữa cho bà Hường khẳng định: Phải có một biên bản khống. Vì theo biên bản làm việc trực tiếp với bà Trần Thị Hường tại vị trí khu đất ngày 19/9/2013 vào lúc 14 giờ và biên bản vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Hường được lập vào lúc 15 giờ và kết thúc vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 19/9/2013. Trong khi đó, biên bản trao biên bản vi phạm hành chính số 02 ngày 19/9/2013 cho bà Trần Thị Hường cũng diễn ra vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 19/9/2013. Nhưng thực tế, từ vị trí khu đất đến UBND xã Kiên Bình phải mất một khoảng thời gian khá lâu, không thể nào có việc bà Hường và cán bộ địa chính cùng một lúc có mặt ở hai nơi trong một thời điểm được, đây là điểm hết sức vô lý trong hồ sơ vụ án. Như vậy, biên bản vi phạm hành chính số 02 ngày 19/9/2013 không được lập tại khu đất. Điều này vi phạm quy định tại điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính: “2. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm”.
Một điều đáng lưu ý nữa, trong phần thẩm vấn của đại diện VKSND đối với đại diện Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang rằng, căn cứ vào đâu để xử phạt bà Hường 65 triệu đồng khi trong hồ sơ vụ án không có biên bản thẩm định giá? Về việc này ông ông Vũ Ngọc Phước - Chánh thanh tra Sở Tài nguyên môi trường (người được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cử làm đại diện) cho rằng chỉ căn cứ vào diện tích đất trong biên bản vi phạm nhân với giá đất loại 2 năm 2013. Câu trả lời này không thuyết phục được Viện kiểm sát và HĐXX vì không đúng với quy định pháp luật, cụ thể tại khoản 1 và khoản 4 điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Sau phần tranh luận của hai bên và luật sư bào chữa cho bà Hường, HĐXX cho hai bên nêu ý kiến. Đối với bà Hường vẫn giữ nguyên ý kiễn xin hủy quyết định 2386 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Riêng bên bị kiện mà người đại diện là ông Phước xin rút một phần nội dung trong quyết định 2386 đối với hình thức phạt bổ sung “khôi phục lại tình trạng đất ban đầu trước khi vi phạm”. Vì theo ông Phước lí do rút lại nội dung này là vì trong biên bản xử phạt hành chính đối với bà Hường không ghi rõ hiện trạng bờ bao khi đó là như thế nào.
Sau phần nghị án kéo dài hơn 20 phút, thư ký phiên tòa ra thông báo với nguyên đơn và bị đơn: Phiên tòa kết thúc, phần tuyên án, HĐXX sẽ tuyên vào lúc 7 giờ 30 ngày 7/7 tới. Những người làm chứng hai bên không cần đến tham dự phiên tòa.
Bà Trần Thị Bình - người được bà Hường ủy quyền trong vụ kiện chia sẻ: “Phiên tòa hôm nay, HĐXX không chỉ làm nhiệm vụ xét xử mà còn giải thích luật cho chúng tôi và cán bộ xã Kiên Bình hiểu rõ. Bởi thế qua phiên tòa này, chưa biết thắng thua thế nào nhưng những người nông dân “chân lắm tay bùn” như anh em chúng tôi thấy vô cùng phấn khởi, vì biết thêm chút luật. Chúng tôi thấy vui hơn nữa khi HĐXX rất công tâm trong vụ kiện “con kiến mà kiện cụ khoai” như anh em chúng tôi đây”.
Nguyễn Hành