Chống sự bất lực

(Dân trí) - Trong khi chặn bắt xe chở gỗ lậu, bốn kiểm lâm viên bị một nhóm lâm tặc dùng gậy gộc, tuýp sắt tấn công bị thương nặng phải cấp cứu tại bệnh viện. Vụ việc xảy ra tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam hôm 5.1 vừa qua.

Kiểm lâm bị lâm tặc hành hung không phải chuyện đơn lẻ mà rất phổ biến. Có những vụ lâm tặc tấn công vào trụ sở kiểm lâm, đập phá và đuổi đánh cán bộ, nhân viên nhà nước, cướp gỗ lậu bị bắt trước đó. Chúng ta có chính quyền, có pháp luật, mà để xảy ra nhiều vụ kẻ vi phạm pháp luật công khai tấn công người thi hành công vụ như vậy là không bình thường. Thẳng thắn nhìn nhận như vậy mới là bình thường, để rồi tìm ra biện pháp giải quyết cái sự không bình thường vừa nêu ra.

 

Chính quyền địa phương có đủ công cụ, có lực lượng vũ trang, có cơ quan nhà nước để quản lý và bảo vệ rừng, có cảnh sát, tòa án, nhà tù để bảo vệ công dân và nghiêm trị các loại tội phạm, tại sao lâm tặc có thể hoành hành như nơi không có chính quyền và thiếu vắng pháp luật?. Đó là câu hỏi đặt ra trước tất cả các vị lãnh đạo, đứng đầu các địa phương có rừng bị tàn phá và để xảy ra nhiều vụ lâm tặc tân công kiểm lâm.

 

Gỗ lậu chở từng xe, nối đuôi nhau đi từng đoàn, không như một tép heroin nhỏ nhoi dễ cất giấu. Để có một xe gỗ đó, lâm tặc phải huy động các loại xe chuyên dụng, các thiết bị cưa hạ gỗ, vận chuyển gỗ. Việc làm đó rất dễ bị phát hiện, ngăn chặn. Thế nhưng, rừng bị triệt hạ từng ngày, xe chở gỗ lậu chạy trên các tuyến quốc lộ như đi diễu hành, trêu ngươi chính quyền. Ở Quảng Nam, nạn khai thác và buôn bán, vận chuyển gỗ lậu nhộn nhịp, công khai. Nhìn hoạt động của lâm tặc, có thể nói phải chăng chính quyền hoàn toàn bất lực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng?.

 

Chống lâm tặc trước hết là chống sự bất lực của chính quyền. Muốn chống sự bất lực từ phía chính quyền thì phải xử lý nghiêm những người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý địa phương và ngành lâm nghiệp nếu để xảy ra tình trạng phá rừng. Để rừng bị tàn phá mà lãnh đạo không chịu trách nhiệm, không bị kỷ luật cách chức thì rừng sẽ còn bị phá cho đến mét gỗ cuối cùng. Làm lãnh đạo mà không chống được lâm tặc, đổ hết cho khó khăn khách quan thì sao có thể nói là hoàn thành nhiệm vụ?

 

Một việc quan trọng khác là phải có những hỗ trợ về vũ trang cũng như các quy định pháp luật phù hợp để lực lượng kiểm lâm đủ sức mạnh để bảo vệ rừng hiệu quả. Kiểm lâm bảo vệ rừng, phải đối phó với loại tội phạm nguy hiểm là lâm tặc, nhưng chưa được trang bị công cụ hỗ trợ cũng như quyền hạn tương xứng. Bản thân kiểm lâm không bảo vệ được mình thì làm sao bảo vệ tài nguyên của quốc gia?.

 

Lê Chân Nhân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm