Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang

Một lần đi và một lần nhớ mãi. Trong một chiều cuối tuần anh em chúng tôi “bốc đồng” đã “liều lĩnh” đi lên vùng biên giới Tây Giang, Quảng Nam. Một chuyến đi “cho biết Đất nước mình rộng lớn chừng nào”.

 

Một sáng thứ 2 những ngày đầu tháng 12, chúng tôi 3 anh em quyết định lên đường. 11 giờ đến dốc Kiền, điểm cuối cùng của TP Đà Nẵng nơi tiếp giáp Đông Giang- Quảng Nam. Tại đây sau gần hai tháng trời sụt lở núi con đường “lên giời” vẫn chưa được thông tuyến. Phải đợi đến 11 giờ 30 xe máy mới được leo ngược núi, ngay từ đây đã cho anh em chúng tôi một dự cảm chẳng dễ dàng trên con đường đi lên phía trước. Sau gần tiếng rưỡi đồng hồ vật lộn với dốc núi đất lở, leo lên đã khó, xuống dốc còn khó hơn, chúng tôi cũng thở phào vượt chướng ngại vật thành công trong niềm hân hoan của mọi người.

 

16 giờ chiều tới Trung tâm huyện Tây Giang, mệt mỏi một phần mà phập phồng lo sợ bởi những cú lên dốc, đổ đèo còn sợ hơn đã làm cho anh em uể oải. Đêm ngủ tại nhà nghỉ Tây Trường Sơn, dù rất ồn ào tiếng nhạc, chúng tôi cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ cùng sương đêm trên phố núi. 5 giờ 30 sáng, giật mình tỉnh giấc bởi tiếng “nhạc” của nhà nghỉ. Sau khi làm một số thủ tục, được sự “nhắc nhở” của mấy anh lãnh đạo huyện, chúng tôi hội ý, lên dây cót tư tưởng, tinh thần và quyết định: Đi!

 

Con đường Quốc Phòng từ Trung tâm huyện Tây Giang lên đến 4 xã vùng biên dài gần 80 km nhưng đã được dự báo là sẽ phải đi mất 4- 5 giờ xe máy nếu như đường khô ráo.

 

Trên con đường lên đỉnh Tà Xuyên xa xôi miền biên viễn ấy, đi trên đỉnh dãy Trường Sơn Tây tôi mới thấm thía câu thơ thuở nào của Tố Hữu: “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”. Dọc con đường lên, thi thoảng có người bạn đường cùng “leo núi”, đó là một thầy giáo “cõng chữ lên non”, một anh xe tải chở nhu yếu phẩm - văn hóa miền xuôi, lên với vùng cao… Tất cả đều chung cảm giác gần gũi, thân quen dù chưa một lần gặp gỡ. Hóa ra, trong cái mong manh của đời người giữa đại ngàn mây núi người ta mới cảm giác được cái bé nhỏ của số phận, cái phù du của vật chất và tình người thật bao la…

 

Những ai chưa từng qua sẽ khó lòng nghĩ ra cảnh chông chênh trên con đường lên vùng khu 7 dù là trong tưởng tượng. Những ai đã từng qua sẽ không dám nghĩ rằng mình còn muốn đi thêm một lần nữa dù cảnh vật hai bên dốc núi và dưới vực sâu thật đẹp, thật phiêu bồng. Mới bốn giờ chiều mà mây núi đã phủ mờ dọc đường đèo, nhìn người đi vào trong màn sương núi tựa hồ như đi vào cõi hư vô, huyền ảo. Ở độ cao trên một nghìn mét, giữa đại ngàn mây núi ấy mới thấy con người ta sao nhỏ bé và mong manh.

 

Sau 5 giờ đồng hồ trải qua đủ cảm xúc của con người từ hỉ, nộ, ái, ố, qua những con đường đèo dài hun hút, những Dốc Vòm quanh co và thẳng đứng, chúng tôi cũng đã lên đến chân đỉnh núi Tà Xuyên, nơi mà ranh giới giữa trời và đất chỉ cách như một sải tay, cảm tưởng như ta có thể với tới được. Ở trên đó là điểm mốc giới giữa Việt Nam và Lào. Chiến thắng thiên nhiên hùng vĩ như trong thơ của Quang Dũng, “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Chiến thắng chính bản thân mình đã vượt qua sợ hãi, vượt qua mọi thử thách của núi cao, vực sâu để đến với điểm cùng biên giới Tây Giang.

 

Dọc đường “lên giời” ấy chúng tôi đã ghi lại được một số hình ảnh về con “đường trên đỉnh Trường Sơn” mà một người trong đoàn đã vui miệng ví như một “Vạn Lý Trường Thành” của Quảng Nam vậy.
 
Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 1


Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 2


Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 3


Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 4


Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 5


Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 6


Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 7


Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 8


Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 9


Chông chênh đường lên cùng biên viễn Tây Giang - 10


Trọng Huy