Chợ phiên trên mỗi nẻo đường xuân

(Dân trí) - Ghé chợ là một điểm nhấn luôn đem lại cho chúng tôi nhiều điều thú vị, nhất là trong những chuyến dã ngoại đầu xuân năm mới. Có thể coi chợ như phiên bản mini của cả một cộng đồng địa phương, với đa dạng những sắc màu: kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chợ phiên trên mỗi nẻo đường xuân  - 1
Chợ phiên Bắc Hà tuyệt đẹp (ảnh: dangkhoasapalaocai.wordpress.com).
 
Thủa bé, mỗi lần về quê được bà dắt ra chợ, tôi cứ gọi là mắt tròn mắt dẹt vì ngỡ ngàng và thích thú. Tôi vẫn nhớ như in, rằng chợ làng chỉ họp nhoáng nhoàng một lúc vào mỗi sáng sớm với hai dãy ngắn các các  bà, các chị bày bán nhiều nhất là món đặc sản địa phương – chè xanh bẻ cả cây, bó to như cái chổi hái từ những vườn chè trồng trên “rú” về, cành lá còn ướt đẫm sương đêm.

 

Chè xanh mua về được khoanh lại cả cành cả lá, bỏ lọt vô chiếc nồi lớn đun lên lấy nước uống cả ngày. Tối tối lại có một nhà nào đó trong xóm nấu nồi nước chè mới, luộc rổ khoai lang đầy, cử một hay vài thành viên đi rảo khắp xóm mời vỏng vót từ ngoài ngõ: “Bữa ni nhà tui nấu nác (nước), mời ôông, bà, các êênh (anh), ả (chị)… sang nhà tui uống nác!”. Chỉ một câu dễ ợt vậy mà lần nào về quê tôi cũng không hoàn thành nhiệm vụ đi mời nước bà giao, vì thẹn cho cái giọng Hà Nội “mất gốc” của mình.

 

Trong con mắt trẻ thơ của tôi, quê nhà cái gì cũng  hay, cũng đẹp. Nhất là các cô gái cứ như thể nguyên mẫu bước ra từ những lời thơ của thi sĩ Nguyễn Bính: "... Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng/Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi... Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê...". Cô nào cũng xinh, cũng dễ thương dù thời trang chỉ toàn là áo cánh nâu hoặc đen xẻ tà cao, ý nhị để lộ những chiếc cạp quần bằng vải hoa khâu nổi trên nền quần lụa đen nền nã. Cô nào điệu đà hơn nữa thì có đôi cặp ba lá bằng thép không rỉ, cài thêm bông hoa nhài, hoa lý tỏa hương thơm dìu dịu từ suối tóc buông lơi xức dầu dừa mượt mà, óng ả…

 

Hàng ăn chỉ lơ thơ một, hai mẹt thịt, đậu, một gánh bánh đa nướng, vài loại rau củ … Còn lại chủ lực là hến. Dòng sông La quê tôi nổi tiếng vì món hến rất rẻ và thơm ngon. Đi dọc theo hai bờ sông, chốc chốc lại thấy một đám làm hến. Thường thì cánh đàn ông chèo thuyền ra giữa sông cào hến rồi chuyển vào cho cánh phụ nữ trên bờ vừa nổi lửa luộc, vừa tranh thủ lội xuống bến đãi hến.

 

Hến thành phẩm được đổ vào đôi rá to, đặt trên miệng hai chiếc nồi đồng cỡ bự vẫn sôi lom rom trên chiếc bếp kiềng đun củi lồng dưới đáy. Tất cả được đặt cân đối hai bên quang gánh, theo bước chân rất dẻo của các bà, các chị ra chợ rồi sau đó tiếp tục tỏa đi khắp các đường làng ngõ xóm.

 

Ai không kịp đi chợ, có thể ung dung ngồi nhà, chờ nghe tiếng rao kéo dài quen thuộc: “Aiiii hếeeeen ra muaaaa đơiiiii!”. Thời ấy, chỉ năm xu, một hào đã được bát hến đầy kèm tô nước luộc thơm phức. Thêm nắm hẹ vườn nhà, dăm quả cả pháo loại dày cùi trắng nõn, hạt ít, nhai cứ giòn tan nữa là đã có bữa đặc sản hội tụ đủ các yếu tố: thơm – ngon – mát – bổ đậm chất quê hương.

 

Nhà nghèo, mỗi lần về chợ bà chỉ cắp mớ rau, mớ hến và thêm cặp bánh đa hoặc dăm chiếc kẹo bột làm quà.  Thế cũng đã là bữa liên hoan rất xôm tụ với lũ cháu chúng tôi, vốn vài năm mới được về quê một lần vì đường sá quá xa xôi, đò giang cách trở.

 

Có lẽ chính cái chợ quê nho nhỏ ấy tự bao giờ đã nhen nhóm  lên trong tôi niềm say mê chợ. Mỗi lần có dịp tới một vùng quê nào đó, bao giờ tôi cũng cố tìm cách ít nhất  đảo được qua chợ một vòng. Những phiên chợ đơn sơ, mộc mạc, chân chất với những phẩm vật và con người địa phương luôn cung cấp thêm cho tôi những hình mẫu mới trên mọi nẻo đường, để thêm chất liệu viết về mảnh đất hình chữ S thân yêu.

 

Trong những phiên chợ độc đáo nhất ngày xuân, tôi mới chỉ thấy quanh cảng Chợ âm dương  được phục dựng qua bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn tài năng Đặng Nhật Minh. Bộ phim hết sức xúc động ấy đã lấy không biết bao nhiêu là nước mắt của người xem cả trong nước và quốc tế. Tôi có nghe tin phiên chợ có một không hai được cho là cầu nối giữa người sống và người đã mất này được phục dựng lại đúng như xưa năm 2010, nhưng không biết thực tế thế nào. Tương truyền chợ âm dương đã có từ lâu, mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết, trên bãi đất trống ở làng Ó, xã Võ Cường, tỉnh Bắc Ninh – nơi từng xảy ra chiến trận ác liệt làm nhiều người tử nạn.

 

Chợ Viềng Nam Định thì tôi cũng chỉ dám đi một lần rồi phải nhường lại cho ông xã, vì quá khiếp cảnh nữ nhi chen chúc đêm hôm khi con số người ngày càng gia tăng đổ tới phiên chợ nổi tiếng nhằm “bán rủi, mua may” mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 Tết này.

 

Rất yêu những vẻ đẹp vùng sơn cước, tôi luôn mong ước được “khám phá” các nét giao thương và giao duyên của cộng đồng các dân tộc thiểu số qua  những phiên chợ vùng cao. Này là chợ phiên đậm nét xuân Bắc Hà, Lào Cai họp vào thứ Bảy và Chủ nhật. Kia là “chợ tình” Khâu Vai, Hà Giang họp vào đêm 23/3 âm lịch, nơi những lứa đôi người Mông có dịp cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ngọt ngào về mối tình “chỉ đẹp khi còn dang dở”.  Nữa là chợ Lượn – phiên chợ hát giao duyên của dân tộc Nùng, Thái, Tày...  họp từ 22 đến 24 tháng Giêng âm lịch tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn…

 

Mỗi chuyến đi xa mở ra trước mắt ta bao điều kỳ thú,  hành trang của ta sẽ sống động hơn khi có thêm những kỷ niệm đẹp về những phiên chợ đậm hương vị và hơi thở cuộc sống của từng vùng, miền trên cả nước. Có thể nói, mỗi phiên chợ lại tạo thêm một nét chấm phá đặc sắc cho những nẻo đường xuân...
 
Thanh Nguyễn