Bến Tre:

Cho người nghèo mượn đất canh tác lại bị kiện ngược đòi quyền sở hữu

(Dân trí) - Năm 1976, được chính quyền địa phương vận động, bà Lê Thị Lành (SN 1921), ngụ ấp Phủ - Hương Mỹ - Mỏ Cày Nam (Bến Tre) cho 2 hộ dân cùng ấp mượn đất để sản xuất. Sau khi lấy lại đất canh tác ổn định đã được cấp "sổ đỏ", gia đình bà Lành lại bị buộc phải trả lại đất nhà mình cho những người từng mượn đất.

Lập lờ giữa đất ''nhường cơm xẻ áo'' và đất cho mượn

Trước năm 1975, gia đình bà Lành khai phá phần đất khoảng 2 ha do địa chủ bỏ hoang để trồng lúa sinh sống. Sau đó, chính quyền địa phương vận động nhường cơm xẻ áo (hiến tặng quyền sử dụng đất - PV), bà Lành đã hiến cho 3 hộ nghèo 7.500 mđất.

Đến năm 1976, khi mới hòa bình, nhiều hộ nghèo đói, kinh tế khó khăn, lãnh đạo UBND xã Hương Mỹ, Bí thư chi bộ ấp Phủ và đoàn thể nhiều lần đến gia đình bà Lành vận động mượn lúa, tiền, đất cho những hộ nghèo trong ấp nhằm cứu đói.

Bà 

Bà Đoàn Thị Hảo (con gái bà Lành) chỉ tay vào miếng đất cho mượn bây giờ bị chiếm.

Bà Lành đồng ý cho hộ ông Ngô Văn Tám và bà Lê Thị Ngân cùng ngụ ở địa phương mượn đất với diện tích mỗi hộ 1.425 m2 để trồng lúa, với lời hứa chỉ làm vài năm rồi trả lại. Khi canh tác được vài năm, tất cả những hộ dân cùng góp đất vào tập đoàn sản xuất.

Năm 1990, tập đoàn tan rã, bà Lành lấy lại diện tích đất cho mượn và canh tác ổn định nên đến năm 1999 được UBND huyện Mỏ Cày (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi được cấp sổ đỏ 1 năm, 2 hộ dân được bà Lành cho mượn đất trước đây khiếu nại vì cho rằng bà Lành đã nhường cơm xẻ áo (tức đã hiến đất cho họ) nên đất đó phải thuộc quyền sở hữu của họ. Cuộc tranh chấp đất đai kéo dài suốt mấy chục năm liền với rất nhiều lần giải quyết từ cấp xã đến cấp huyện rồi tới tỉnh, vẫn chưa có hồi kết.

Gia đình bà Lành cho rằng khi chính quyền địa phương đến vận động bà chỉ cho mượn nên việc bà lấy lại đất là hoàn toàn thỏa đáng. Nhưng năm 2004, UBND huyện Mỏ Cày ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Lành giao cho UBND xã Hương Mỹ để xem xét, cấp lại cho 2 hộ dân đã được cấp trước đó.

Bà Đoàn Thị Vững Tôi kh

Bà Đoàn Thị Vững "Tôi kh tâm vì lấy uy tín của cá nhân đi vận động nhưng bây giờ bà Lành đang đối diện với cảnh phải mất đất".

Qua xác minh, bà Đoàn Thị Vững, nguyên Bí thư chi bộ ấp Phủ thời điểm 1976 cho biết: “Lúc đó chủ trương của huyện và xã là đến những hộ khá giá đển mượn đất, lúa, tiền cho những hộ nghèo khó nhằm cứu đói. Lúc bấy giờ tôi và một số anh em khác đã đến gia đình bà Lành để mượn đất cho mấy hộ nghèo sản xuất.

“Khi đến đặt vấn đề mượn đất cho người nghèo, bà Lành đã đồng ý, nhưng bà Lành có giao ước khi mấy đứa con đi bộ đội v thì những người được cho mượn phải trả lại phần đất này để con bà sản xuất. Thế nhưng, bây giờ những hộ này lại cho rằng bà Lành đã hiến cho họ và tranh chấp kéo dài cho đến bây giờ”. Bà Vững khẳng định.

Bà Vững cũng cho biết, khi chính quyền địa phương giải quyết tranh chấp, nhiều lần mời bà Vững ra đối chất, xác minh sự việc, bà Vững cũng làm biên bản xác nhận mình là người thay mặt chi bộ lúc bấy giờ đứng ra mượn đất của bà Lành giúp cho 2 hộ dân có đất sản xuất khi khó khăn và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về sự thật.

Bà Vững tâm sự: “Tôi năm nay đã 75 tuổi với gần 50 tuổi Đảng sống chẳng còn bao nhiêu năm nhưng tôi phải có trách nhiệm với những gì mình đã làm. Lúc đó Chi bộ chủ trương mượn đất giúp người nghèo cũng có đại diện chính quyền địa phương nhưng bây giờ mấy người đó đã chết hết rồi chỉ còn mình tôi đứng ra làm chứng. Vấn đề này tôi cũng rất khổ tâm vì mình lấy uy tín của cá nhân, của tổ chức vận động dân cho mượn nhưng giờ lại xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài”.

Tiếp xúc với phóng viên Dân trí, ông Phạm Văn Nung, Cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mỏ Cày Nam cho biết: “Vụ việc tranh chấp đất đai này rất phức tạp suốt mấy chục năm liền từ khi tôi là cán bộ địa chính xã Hương Mỹ. Qua nhiều lần thẩm tra, xác minh, năm 2004 UBND huyện đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Lành. Sau đó bà Lành khiếu nại lên tỉnh, UBND tỉnh giao thanh tra tiến hành xác minh lần nữa và năm 2007 có quyết định số 2115 bác đơn khiếu nại của bà Lành”.

Ông Phạm Văn Nung, tiếp xúc với PV Dân trí

Ông Phạm Văn Nung, tiếp xúc với PV Dân trí

Theo ông Nung, qua quá trình xác minh được biết chủ trương thời điểm năm 1976 chỉ nhường cơm xẻ áo chứ không có chủ trương cho mượn đất. Có thể chủ trương này khi triển khai về ấp không ai chịu “nhường cơm xẻ áo” nên cán bộ ấp vận động người dân cho mượn nên mới xảy ra tranh chấp cho đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về giấy tờ chứng minh bà Lành đã “nhường cơm xẻ áo” (tức nhường đất cho 2 hộ này-PV) thì ông Nung cho rằng thời gian kéo dài đã quá lâu và có thể lúc đó mới tiếp quản nên không có, giấy tờ biên bản thể hiện điều đó (?!)

 Quyết liệt đòi đất khi chủ và người làm chứng đã chết?

Vì thương người, cho họ mượn đất làm ăn khi nghèo khó, để bây giờ suốt hàng chục năm trời bà Lành phải đi cầu cứu khắp nơi để yêu cầu chính quyền địa phương hủy quyết định sai trái thu hồi đất của bà cho đến cuối đời, trước khi nhắm mắt xuôi tay (năm 2012), bà trăn trối lại với con gái là bà Đoàn Thị Hảo (SN 1941) là tiếp tục canh tác và giữ lại bằng được miếng đất.

Bà Hảo thuộc diện gia đình chính sách, có chồng
và anh trai chồng đều là liệt sĩ

Bà Hảo thuộc diện gia đình chính sách, có chồng và anh trai chồng đều là liệt sĩ

Tiếp xúc với PV bà Hảo cho rằng: “Phần diện tích đất đó là công khai phá rất cực khổ của cha mẹ để lại. Cha tôi kể rằng để khai phá rừng lau sậy ngập lút đầu phải làm ngay làm đêm,  khi trời mưa thì phải chằm lá dừa nước làm áo mưa, vắt cơm nắm ra đồng làm việc rất cực khổ mới có mảnh đất như ngày hôm nay. Vì vậy tôi quyết bằng mọi giá giữ lại cho bằng được vì đó là thành quả của gia đình mình. Bản thân gia đình tôi thuộc diện chính sách chỉ vì lòng tốt cho mượn đất nên mới xảy ra tranh chấp kéo dài như vậy”. - Bà Hảo nói.

Bà Hảo cho rằng: “Trước đây, khi chính quyền địa phương không có đất xây trụ sở nhà thông tin ấp gia đình tôi sẵn sàng cho mượn, tôi cũng cho mấy thầy cô giáo có gia đình ở xa ở nhờ mà chẳng lấy đồng nào. Gia đình tôi luôn giữ quan điểm đất nào “nhường cơm xẻ áo” thì cho luôn đất nào cho mượn thì phải lấy lại vì mượn thì phải trả.

Trước đây khi bà Lành và những người cán bộ đi mượn đất còn sống thì UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định thu hồi rồi để đó(!). Nhưng từ khi bà Lành mất tới nay lãnh đạo địa phương có “trát” liên tục, yêu cầu bà Hảo là con gái bà Lành phải đưa bìa đỏ đất của mình để nhường đất cho 2 hộ kia?

Hiện tại, gia đình bà Hảo thuộc diện chính sách có chồng và anh chồng là liệt sĩ. Bà Hảo đang được làm thủ tục để xem xét công nhận bà mẹ Việt Nam Anh Hùng.

 Minh Giang - Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm