Dự án nâng cấp tuyến đường đê nối Hà Nội - Hưng Yên:

Chờ ngân sách "rót", nhà thầu thi công cầm chừng

(Dân trí) - Tuyến đường đê nối Hà Nội - Hưng Yên sau gần 3 tháng thực hiện thi công đã gần xong một đoạn kè. Hàng vạn người dân trong các xã liền kề thủ đô đang mong chờ một huyết mạch giao thông đúng nghĩa, còn nhà thầu thì thi công kiểu cầm chừng…

Tuyến đường đê nối Hà Nội - Hưng Yên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế các xã Đông Dự, Cự Khối, Đa Tốn, Bát Tràng, Văn Đức và Kim Lan…với trên 3 vạn dân sinh sống. Đồng thời nó cũng là tuyến đường giao thương nối các huyện, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ… của Hưng Yên là những nơi cung cấp phần lớn nông sản, thực phẩm cho người dân thủ đô Hà Nội. Ngoài ra đó còn là con đường du lịch dẫn du khách vào làng nghề gốm sứ cổ Bát Tràng.
 
Chờ ngân sách "rót", nhà thầu thi công cầm chừng - 1


"Con đường bụi": (ảnh,H.Ngân)

Xác định đây là một tuyến đường huyết mạch giao thông nằm liền kề thủ đô có ý nghĩa quan trọng nhưng bao năm qua tuyến đường này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Đến ngày 21/06/2009, Sở Giao Thông vận tải Hà Nội ra quyết định số 816/ QĐ- GTVT, về việc phê duyệt dự án nâng cấp tuyến đường nối tỉnh Hưng Yên (Đoạn từ cầu Chương Dương đến hết địa phận Hà Nội). Chiều dài tuyến đường là 10, 047 km, kết cầu đường cứng BTXM, tải trọng tính toán 18 tấn, với tổng mức đầu tư dự án trên 49 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm 2009 và 2010. Với mục tiêu cải tạo nâng cấp đường đê nối tỉnh Hưng Yên góp phần khắc phục kịp thời các xuống cấp hiện nay của tuyến đường, tạo điều kiện đi lại cho nhân dân trong khu vực, tăng cường giao lưu kinh tế  giữa Hà Nội và Hưng Yên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra đê điều, tăng đường khả năng ứng cứu, hộ đê khi có tình huống xấu xảy ra trong mùa mưa lũ.

Ban Quản lý dự án giao thông  đô thị đại diện sở giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị có liên quan để quản lý và triển khai thực hiện dự án. Tổ chức tốt biện pháp thi công và đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện trong quá  trình thi công công trình, có phương án bảo đảm không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án  cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án.

Đến tháng 5/2010, dự án bắt đầu được triển khai thi công. Hiện nay, gần 3 tháng thi công, đơn vị thi công mới chỉ gần hoàn thành xong đoạn kè chắn sóng. Theo quan sát của phóng viên việc thi công công trình tại đây đang trong tiến độ “rùa bò”.

Trao đổi với phóng viên về công tác thi công và tiến độ triển khai của dự án, đại diện Ban quản lý Dự án giao thông đô thị cho biết: Toàn bộ dự án được chia làm 2 gói thầu (gói số 1 từ km 67 đến km 71; gói số 2 từ km 71 đến km 77) với 3 đơn vị thi công. Vì vậy dẫn đến tình trạng tuyến đường không được thi công liền mạch mà triển khai theo từng đoạn. Hiện tại, theo kết quả đánh giá sơ bộ tiến độ thi công đạt khoảng 15% khối lượng công việc.

Ngoài ra, vướng mắc nhất của nhà thầu là vốn ngân sách “rót” về còn hạn chế, dự toán toàn bộ gói công trình trên 40 tỷ đồng, nhưng hiện tại các nhà thầu mới được nhận một số vốn rất nhỏ trong dự án. Chính vì yếu tố này nên nhà thầu đang cho thi công với tiến độ cầm chừng chờ kinh phí. 

Đại diện một  nhà thầu khẳng định “Nếu thuận lợi, chúng tối sẽ cố gắng hoàn thiện phần kè, và phấn đấu hoàn thành về cơ bản các hạng mục công trình để đến tháng 10 sẽ cơ bản để chỉ còn thi công mặt đường. Nhưng không phải vì vấn đề tiến độ công trình mà chất lượng công trình bị xem nhẹ”.

Hồng Ngân