Sóc Trăng:

Chính quyền “bó tay” trước hành vi “chí phèo”: Chẳng lẽ Luật nước lại thua…luật rừng?

(Dân trí) - Liên quan đến bài viết “Chính quyền “bó tay” trước hành vi “chí phèo” ?, ngày 2/12, phóng viên đã đến UBND xã Viên Bình để gặp gỡ lãnh đạo UBND xã này với hy vọng sẽ giúp nông dân Đỗ Văn Trung có nước cứu lúa.

Người đầu tiên chúng tôi liên hệ là ông Nguyễn Văn Tánh (Chủ tịch UBND xã) thì ông cho biết: “Chúng tôi cũng đã làm việc với bà Hồng nhưng bà này không cho ông Trung gác ống nước qua mương của bà nên chính quyền cũng bó tay vì mương nước này bà Hồng có sổ đỏ. Muốn xử lý cũng không được vì pháp luật không có quy định nào về việc này”.

Nhưng khi PV cung cấp cho ông Chủ tịch xã Viên Bình quy định của pháp luật về Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác được ghi rõ tại điều 278- Bộ Luật Dân sự năm 2005 với nội dung: “Điều 278. Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó; nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường” thì vị Chủ tịch này cho biết “Sẽ cho cán bộ kiểm tra ngay để vận dụng”.

Chúng tôi tiếp xúc với ông Dương Thanh Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã Viên Bình), ông Hùng cho biết: “Sau khi nhà báo cho biết quy định về Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác tại điều 278- Bộ Luật Dân sự, chúng tôi cho cán bộ chuyên môn kiểm tra và thấy đúng là có quy định đó nên chúng tôi cho in ra và mang xuống nhà bà Hồng để trao đổi với bà này để bà chấp thuận cho ông Trung bắc ống nước qua mương nhà bà để đưa nước vào ruộng. Hiện tại đồng chí Chủ tịch UBND xã đang xuống ấp Lao Vên nhưng không biết kết quả như thế nào”.

Chỉ vì mương nước này mà bà Hồng không cho ông Trung bơm nước vào khiến ảnh hưởng đến ruộng lúa ông Trung.
Chỉ vì mương nước này mà bà Hồng không cho ông Trung bơm nước vào khiến ảnh hưởng đến ruộng lúa ông Trung.

Đến chiều tối ngày 2/12, chúng tôi liên hệ với ông Đỗ Văn Trung thì ông cho biết: “Gia đình tôi vẫn chưa được cho bắc ống tưới nước qua mương nhà bà Hồng, lúa của tôi đang chết khát còn gia đình tôi thì chết đứng, nhìn lúa mà héo cả lòng”.

Cũng theo ông Trung, do quá nóng ruột nên gia đình ông ra bơm nước cứu lúa thì bị người nhà bà Hồng ngang nhiên ra tắt máy bơm, vứt ống nước và dụng cụ sản xuất của ông. Thậm chí, khi nghe tin Chủ tịch UBND xã xuống, người nhà bà này còn tuyên bố: “Chủ tịch tỉnh xuống tao cũng không cho bơm chứ đừng nói Chủ tịch xã”.

Ông Trung báo cho lãnh đạo UBND xã Viên Bình thì lãnh đạo cũng…im lặng, không có động thái nào can thiệp. Đến Phòng tiếp công dân huyện Trần Đề kêu cứu thì được một cán bộ tiếp dân hướng dẫn “Khởi kiện ra tòa án để được giải quyết”.

Trước tình hình căng thẳng đó, ông Ngô Hùng - Bí thư Huyện ủy Trần Đề cho biết thêm: “Huyện ủy đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu chính quyền địa phương phải có biện pháp giải quyết dứt điểm, không thể để nông dân khóc vì lúa chết do không có nước như vậy. Chúng tôi đã lập tổ công tác do một đồng chí Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy phụ trách địa bàn xã Viên Bình xuống làm việc để tháo gỡ cho gia đình ông Trung”. Thế nhưng, cho đến nay, lúa nhà ông Trung vẫn còn khát nước.

Một nông dân chia sẻ: “Cứ kiểu này chúng tôi e có ngày sẽ xảy ra lớn chuyện, thậm chí có khi còn xảy ra đổ máu, có án mạng chứ không đơn giản đâu. Thiết nghĩ, luật đã có quy định thì chính quyền cứ theo luật là xử lý chứ không thể im lặng như vậy được”.

Ông Trung bên ruộng lúa đang chết dần vì thiếu nước.
Ông Trung bên ruộng lúa đang chết dần vì thiếu nước.

Như Dân trí đã phản ánh, ông Đỗ Văn Trung (SN 1980) có 20.000m2 đất sản xuất lúa tọa lạc tại ấp Lao Vên, xã Viên Bình. Tháng 9/2012, vợ chồng ông Võ Xuân Lộc và bà Trịnh Thị Cẩm Hồng (ngụ cùng địa phương) ngang nhiên vào chiếm dụng khoảng 13.000m2, còn bà Lý Thị Duông (cùng xóm) chiếm luôn 7.000m2 nhưng chính quyền không can thiệp.

Ông Trung khởi kiện đến Tòa án. Hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử, tuyên buộc Võ Xuân Lộc, Trịnh Thị Cẩm Hồng phải có trách nhiệm giao trả 13.000m2 đất của ông Trung; bà Lý Thị Duông phải trả cho ông Trung 7.000m2. Đồng thời tòa cũng tuyên buộc vợ chồng ông Lộc, bà Hồng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Trung số tiền 43.987.000 đồng; bà Lý Thị Duông phải bồi thường cho ông Trung 23.625.000 đồng.

Ngày 30/10/2015, cơ quan thi hành án dân sự huyện Trần Đề đã tiến hành thực hiện cưỡng chế buộc ông Lộc và bà Hồng giao đất cho ông Trung. Tiếp đó, ngày 13/11/2015, tiếp tục cưỡng chế buộc bà Lý Thị Duông giao đất cho ông Trung.

Sau khi nhận đất do cơ quan thi hành án bàn giao, ngày 1/11, ông Trung sạ lúa giống thì bị phía ông Lộc và bà Hồng cho máy trục ra trục khiến cho 13.000m2 đã xuống giống của ông bị hư hoàn toàn, thiệt hại khoảng gần 10 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục xuống giống thì bà Hồng bỏ tiền mua đứt mương nước (rộng khoảng 1m, tính luôn bờ là khoảng 2m- PV) của một người dân chạy sát ruộng ông Trung, không cho ông lấy nước vào ruộng.

Thấy tình cảnh khốn khó của ông Trung, một người dân đã cho ông Trung bơm nước từ kênh thủy lợi vào ruộng của hộ này sau đó bơm chuyển tiếp vào ruộng của ông Trung nhưng ông Trung không thể đưa nước vào ruộng mình được vì ruộng của hộ dân này cũng nằm sát mương nước bà Hồng vừa mua, muốn đưa nước vào thì ông Trung phải bắc ống nước qua mương nhà bà Hồng thì bà này không cho. Hiện tại, 20.000m2 lúa của ông Trung gieo sạ được 17 ngày nhưng không có nước nên đã bị chết rất nhiều.

Chúng tôi cũng liên hệ với ông Lê Thành Trung (Chủ tịch UBND huyện Trần Đề) với hy vọng vị lãnh đạo cao nhất của chính quyền huyện Trần Đề chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho nông dân Đỗ Văn Trung. Tuy nhiên, ông Chủ tịch huyện lại nói rằng: “Mương nước có chủ quyền của bà Hồng nên bà ta không cho thì chính quyền cũng chịu, không thể buộc được. Chúng tôi chỉ động viên chứ không có chế tài nào xử lý cả”.

Dư luận người dân ở xã Viên Bình đặt vấn đề, Luật đã có trong tay, chẳng lẽ chính quyền lại bó tay. Chẳng lẽ Luật nước thua…luật rừng ?

Bạch Dương