Chia tài sản thừa kế

(Dân trí) - Bố mẹ tôi kết hôn sinh được 3 người con, tạo lập được 1 khối tài sản chung là 3 gian nhà mái bằng. Năm 2000, mẹ tôi mất không để lại di chúc.

Năm 2002, bố tôi lấy vợ hai và sinh được 1 người con. Khi đó, Bố tôi đã điều chỉnh GCNQSDĐ, xóa tên mẹ ruột tôi và thay tên mẹ kế trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không bàn bạc với anh em chúng tôi.

Năm 2006, bố tôi mất không để lại di chúc, tôi muốn thừa hưởng ngôi nhà của bố mẹ tôi để làm nơi thờ cúng tổ tiên, nhưng mẹ kế không đồng ý với lý do bà là người đứng tên trong GCNQSDĐ, bà có toàn quyền không chia cho ai.

Xin hỏi Quý báo cho tôi biết: 1, Bố tôi tự ý sửa GCNQSDĐ, bỏ tên mẹ tôi thay tên mẹ kế có đúng hay không? Bố tôi được quyền làm như vậy hay không?; 2, Mẹ kế có được hưởng di sản thừ kế mà bố mẹ tôi để lại hay không?; 3, Diện tích nhà đất nêu trên, phải được chia thế nào theo quy định của pháp luật? (Bạn đọc có Email: huuhoihd@gmail.com)

Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời:

Thứ nhất: Mẹ bạn đã qua đời năm 2000, không để lại di chúc, theo đó 1/2 số tài sản trong khối tài sản chung của bố mẹ bạn (tài sản bao gồm nhà, đất, tiền và các vật dụng khác) thuộc quyền sử dụng của mẹ bạn.

Phần di sản này sẽ phát sinh quyền yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật theo điều 675 và 676 Bộ Luật Dân sự. Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật là 10 năm kể từ khi người để lại di sản thừa kế qua đời.

Vì bạn không nói rõ mẹ bạn chết tháng mấy nên chúng tôi không thể tư vấn xem thời hiệu khởi kiện chia thừa kế còn hay đã hết. Tuy nhiên, bạn cứ theo nguyên tắc luật định để tính đủ 10 năm là thời hiệu khởi kiện. Nếu quá 10 năm, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn (bao gồm 3 anh em bạn và bố bạn) sẽ hết quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.

Khi đó sẽ phát sinh việc yêu cầu chia tài sản chung theo mục 2.4 điểm a, Nghị quyết 02/2004/NQ – HĐTP ngày 10/8/2004 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.

Thứ hai: Năm 2002, bố bạn lấy vợ (nếu không có đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng; tài sản chung hình thành trong thời gian này của ai sẽ thuộc về người đó quản lý và sử dụng, nếu có tài sản chung hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được có thể yêu cầu tòa án chia có tính đến công sức đóng góp của hai bên - Điều 17 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 và  mục 3, nghị quyết 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc Hội  về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000).

Bố bạn có hành vi điều chỉnh GCNQSDĐ, cho tên mẹ kế bỏ tên mẹ của bạn ra khỏi GCNQSDĐ khi chưa được sự đồng ý của các đồng thừa kế của mẹ bạn là trái với trình tự pháp luật. Theo đó, bạn có thể làm đơn khiếu nại về việc điều chỉnh sổ đỏ hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy sổ đỏ đã cấp cho Bố và mẹ kế.

Thứ 3: Năm 2006, bố bạn mất không để lại di chúc, toàn bộ khối tài sản chung của bố mẹ bạn sẽ phát sinh việc chia thừa kế theo pháp luật được quy định tại điều 675, 676 Bộ Luật Dân sự năm 2005.

Nếu bố bạn và mẹ kế kết hôn có đăng ký theo đúng quy định của luật Hôn nhân và gia đình, khi đó 1/2 khối di sản trên mà bố bạn được hưởng sẽ phát sinh chia thừa kế cho 3 anh em bạn, mẹ kế và người con chung của bố bạn và mẹ kế.

Nếu không có đăng ký kết hôn thì mẹ kế của bạn sẽ không được hưởng phần di sản mà bố bạn để lại trừ khi mẹ kế của bạn được chia phần công sức đóng góp giúp tôn tạo, duy trì khối tài sản trên.

Văn phòng luật sư Hồng Bách và Cộng sự. Số 6, Trung Yên 3, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 04.3.7868574     Fax: 04.3.7868575

Email: bach@hongbach.com, www.hongbach.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm