Chia sẻ với giới chuyên môn về vấn đề biển Đông
(Dân trí) - Hàng ngàn ý kiến tiếp tục đổ về diễn đàn mỗi ngày, ngay khi xuất hiện những bài phân tích, phỏng vấn về vấn đề biển Đông. Xem ra độ nóng của những nỗi bức xúc vẫn rất cao, nhưng ngày càng nhiều người chia sẻ với các nhận định của giới chuyên môn.
Cơ chế đa phương
Có thể thấy rõ những lập luận và phân tích sắc bén của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an, đã có sức thuyết phục với rất nhiều người dân thuộc đủ mọi tầng lớp.
Đa số các bạn trẻ hoan nghênh nhận xét của ông, trong đó nhấn mạnh rằng phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta là đúng đắn và cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Và rằng chúng ta nên dùng cơ chế đa phương cũng như mọi cách có thể để thông báo rộng rãi cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế biết rõ sự việc nghiêm trọng đúng với thực tế…
Phạm Đình Phúc swish_kiss88@yahoo.com khẳng định:
Mọi sự kiện mà phía TQ đã gây ra đều được lên kế hoạch kỹ lưỡng để chống phá, đều có mục đích rõ ràng. Họ muốn độc quyền cai quản vùng kinh tế cũng như quyền khai thác trên khu vực biển Đông. Cũng như lời của thiếu tướng Cương, chúng ta cần phải phản ứng mạnh mẽ hơn nữa về những vụ việc trên. Không chỉ là lời phát ngôn của người đại diện Bộ Ngoại giao, mà chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa.
Thứ nhất chúng ta cần thông báo cho tất cả các nước trong khối ASEAN biết về những hành vi mà phía TQ đã gây ra với VN. Thứ hai chúng ta cần đưa vụ việc này lên Hội đồng Bảo an LHQ, để cho phía TQ biết được ta không nhượng bộ trước những hành động đó. Là công dân VN, tôi cũng rất mong nhà nước và nhân dân VN phản ứng mạnh mẽ hơn.
Lê Thanh Tùng thanhtung1792@gmail.com liên hệ với thực tế dư luận:
Tôi xin đồng ý với ý kiến của thiếu tướng. Nhưng hiện nay có một số bạn trẻ tỏ ra quá kích động, tôi nghĩ nhà nước ta cũng nên có một kênh thông tin tuyên truyền và giáo dục tới những người này.
Tôi cũng xin có vài điều nhắn nhủ tới các bạn đó: Để đối phó với những vụ việc như thế này, ngoài phương pháp ngoại giao mềm mỏng, khôn khéo và nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới thì không còn biện pháp nào khác tốt hơn đâu...
Tôi đồng ý với các bạn và toàn thể người dân Việt Nam rằng: Độc lập, tự do, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm, nếu bất kì quốc gia nào xâm phạm thì đều phải chịu hậu quả nặng nề. Điều đó đã được chứng minh qua hàng ngàn năm lịch sử của chúng ta và vẫn đang được tiếp tục chứng minh. Nhưng chúng ta đang đấu tranh trên "mặt trận hòa bình", tức là theo phương pháp ngoại giao...
Các bạn tự nhận là những người yêu nước nồng nàn, vậy thì các bạn cần tin tưởng vào đối sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta... Hành động quá khích là phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, không đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công...
Tôi mong các bạn hiểu và nhất định phải tin vào đối sách của chúng ta... Điều cần thiết nhất ở cả Chính phủ Việt Nam và mỗi người dân Việt Nam là sự bình tĩnh, kiên trì và khôn khéo. Tôi cũng xin nhắc lại: Chủ quyền Việt Nam không thể bị xâm phạm bởi bất kì quốc gia nào. Chúng ta sẽ làm mọi cách để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Và thượng sách phải là cách tránh mọi tổn thất, thương vong cho đại đa số dân thường.
Do Manh Tien manhtien.hl08@gmail.co cũng nêu rõ:
Sức mạnh mềm
Đồng thời, trước thông tin về Nghị định 42/2011/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2011, ý kiến của tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều khẳng định: sẵn sàng tham gia đóng góp công sức bảo vệ đất nước khi Tổ quốc cần, bởi đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm vinh dự và tự hào của mỗi công dân.
Quang Huan quanghuan.tq@gmail.com nhấn mạnh:
Phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của bao thế hệ cha ông, con em nước Việt nguyện làm tất cả những gì có thể để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Nguyện hy sinh thân mình để giữ vững vùng đất, vùng trời và vùng biển đảo thương yêu!...
Nay, dân tộc ta đang đứng trước những thách thức mới, chúng ta cần đồng lòng nhất trí, đấu tranh mềm dẻo, khôn khéo trước những âm mưu xâm lấn để giữ vững chủ quyền quốc gia, nhất là vùng biển đảo quê nhà. Mỗi người hãy làm một việc mà bản thân thấy có ích cho quốc gia trong lúc này…
Thái Minh Bảo tmbao2003@gmail.com đề cập tới ý nghĩa của sức mạnh mềm:
… Chúng ta hãy tìm sự đoàn kết của các nước bạn bè tiến bộ trên thế giới. TQ không thể làm gì được nếu họ bị cả thế giới chê trách. Chúng ta phải tận dụng tối đa sức mạnh mềm mà VN có được. Hiện tại, tất cả người dân VN hãy đoàn kết bên cạnh Chính phủ. Hãy đoàn kết dân tộc, cùng lên tiếng thật mạnh mẽ…
Bạn đọc phương xa Giong mau Lac Hong philong19812002@yahoo.com nhắn gửi về quê hương:
Mình đang lao động ở nước ngoài, nhưng nếu Tổ quốc cần mình cũng sẵn sàng về nước tham gia nhập ngũ để bảo vệ đất nước Việt Nam….
Ttp luckytar_na89@yahoo.com.vn nêu nhận xét:
Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước, nhưng có thể nhiều người chưa thể hiện đúng cách. Đừng để lòng yêu nước không đúng cách đó bị lợi dụng. Chúng ta phải làm gì trong thời điểm hiện nay? Mong nhà nước cần nói rõ quan điểm của nước nhà cho đông đảo nhân dân hiểu… Thực tình nhà nước đã và đang làm hết sức mình để bảo vệ Tổ quốc, nhưng đó là chiến lược lâu dài. Còn trước mắt cần yên lòng dân. Nhân dân hãy tin tưởng vào nhà nước, sẵn sàng hành động khi Đảng và nhà nước cần…
Nguyễn Đô dobkhy@yahoo.com phân tích;
Để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục leo thang gây hấn, theo tôi Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần thông tin với người dân cũng như cho nhân dân trên thế giới hiểu đúng về những gì đang xảy ra với biển và chủ quyền Việt Nam.
Đồng thời có những hành động mạnh mẽ, cụ thể, kịp thời, phù hợp với luật pháp quốc tế để tránh các cuộc xung đột vũ trang xảy ra. Cũng như không để tình trạng người dân Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu sai về Việt Nam…
Bám biển, giữ ngư trường
Những hành vi của phía Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh hải VN vừa qua đã gây thiệt hại với ngành dầu khí và nhất là với ngư dân Việt Nam. Bất chấp hiểm nguy, tập thể cán bộ ngành dầu khí cũng như cộng đồng ngư dân trên cả nước ta luôn chứng tỏ lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước bằng quyết tâm giữ ngư trường của Tổ quốc mình. Các cán bộ của ngành dầu khí VN cũng khẳng định quan điểm bám biển làm việc.
Truong Heng heng.truong@voila.fr nêu rõ:
Vừa mới bước ra khỏi hội Nghị Shangri-la, TQ đã không giữ lời... Lẽ thường, chẳng có cái gì mà người ta cho không mình cả, mà nhiều khi phải đấu tranh rất kiên quyết không ngừng nghỉ cho đến khi đạt được kết quả mong muốn. Vì vậy, theo tôi, về mặt pháp lý VN cần trình tự đưa vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Toà án La Haye, vì VN có đầy đủ chứng cớ chủ quyền của mình từ bao đời nay…
VN không hiếu chiến, không xâm lược ai để mở mang bờ cõi cả, mà chỉ làm tất cả vì sự toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vùng biển đảo của mình thôi. Do đó, lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông mà TQ đưa ra hoàn toàn không có giá trị. Ngư dân VN càng tiếp tục ra khơi để khẳng định chủ quyền của VN trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của mình, nếu cần có thể nhờ các lực lượng chức năng VN hiệp đồng tiếp ứng và bảo vệ cho tương xứng...
Hoangvietdu lebui.dq@gmail.com cũng bày tỏ:
Trước hết, tôi xin chia sẻ với những cán bộ, nhân viên kỹ thuật, các chuyên gia và tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Các anh rất can trường và bình tĩnh trước những hành vi muốn gây sự, muốn xâm chiếm lãnh hải của chúng ta. Mong các anh hãy bình tĩnh, tỉnh táo... Nhưng chủ quyền biển đảo của ta do ông cha ta để lại, chúng ta quyết không lùi một phân. Cả nước luôn bên cạnh các anh!
Lê Thị Ân anle.ptscdn@gmail.com cũng nêu rõ:
Là 1 công dân của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cá nhân tôi cũng là 1 cán bộ của tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tôi cảm thấy căm phẫn về thái độ đó của phía TQ. Tôi tin rằng với hành động ngang ngược như vậy, thì bất cứ ai là người dân VN cũng không thể chấp nhận được.
Nhưng chúng ta cũng hiểu vấn đề và cần nhìn vào hiện thực, ta cần tìm ra một giải pháp nào đó phù hợp nhất. Tôi cũng tin rằng Đảng và Nhà nước ta chắc chắn tìm ra một giải pháp nào đó, vừa gìn giữ hòa bình, vừa ngăn chặn những hành động tương tự từ phía TQ.
Nguyễn Đắc Thuận thuân.hn2@gmai.com hướng về tàu Bình Minh:
Tôi đã từng làm định vị trên tàu Bình Minh từ những ngày đầu của ngành dầu khí, nên càng thấy tầm quan trọng của nỗ lực làm việc của tập thể những thành viên của tàu địa chấn, cùng sự vất vả khó nhọc của họ để có kết quả tìm kiếm dầu khí cho Tổ quốc. Nhân đây tôi đề nghị Đảng, Chính phủ tiếp tục đàm phán đồng thời phản đối mạnh mẽ những hành vi của phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam...
Thêm những tiếng nói ủng hộ
Những thông tin mới từ các diễn đàn quốc tế đang tiếp tục chiều hướng tích cực với chúng ta. Trong đó, có việc Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái bình dương của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ (một người có bề dày kinh nghiệm về châu Á) hôm 13/6 vừa trình lên Thượng viện Mỹ dự thảo nghị quyết lên án thái độ của Trung Quốc tại biển Đông.
Ông Webb cũng kêu gọi Mỹ có hành động trong các diễn đàn đa phương để giải quyết tranh chấp, đồng thời nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội tháng 7/2010, rằng Mỹ cũng giống như mọi quốc gia khác, có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải, quyền tiếp cận hàng hải ở châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế tại biển Đông...
Thanh Nguyễn