Hà Tĩnh:
Cháu bé 5 tuổi bị cột viễn thông đè nát chân: "Cò kè" mặc cả bồi thường như hàng hoá?
(Dân trí) - “Họ nói ra tòa thì chỉ được từ 170 triệu đến 200 triệu đồng thôi. Sau khi báo Dân trí phản ánh, tỉnh yêu cầu làm rõ thì họ mới nâng mức bồi thường lên 280 triệu đồng. Cháu phải chịu cảnh tàn tật suốt đời mà bồi thường 280 triệu đồng thì cháu sẽ sống sao đây”, mẹ cháu Sang cho biết.
Sau loạt bài phản ánh của báo Dân trí liên quan đến vụ việc cháu Nguyễn Trần Đức Sang (5 tuổi, ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị cột viễn thông đổ đè nát chân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo Huyện ủy Lộc Hà phải có báo cáo, làm rõ vụ việc.
Ngay sau đó, Huyện ủy huyện Lộc Hà đã chỉ đạo các ngành vào cuộc, làm rõ.
Trong báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy Lộc Hà cho biết, tại buổi làm việc ngày 04/01/2017, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà đã yêu cầu Trung tâm Viễn thông Lộc Hà kịp thời làm việc với gia đình cháu Sang và các bên liên quan để giải quyết vụ việc xong trước ngày 15/01/2017.
“Sau thời gian trên, nếu các bên không thống nhất giải quyết theo thỏa thuận dân sự thì Ủy ban nhân dân huyện sẽ hướng dẫn công dân gửi đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết vụ việc tại cơ quan tòa án”, báo cáo của Huyện ủy Lộc Hà nêu rõ.
Ngày 11/1, trao đổi với PV Dân trí, chị Trần Thị Hường (mẹ của cháu Sang) cho biết, đến bây giờ giữa các bên vẫn chưa thống nhất được mức bồi thường.
Chị Hường cho biết: “Họ nói ra tòa thì chỉ được từ 170 triệu đến 200 triệu đồng thôi. Sau khi báo Dân trí phản ánh, tỉnh yêu cầu làm rõ thì họ mới nâng mức bồi thường lên 280 triệu đồng. Cháu phải chịu cảnh tàn tật suốt đời mà bồi thường 280 triệu đồng thì cháu sẽ sống sao đây!”.
“Họ đã sai, đã gây ra nỗi đau đớn cho con tôi, cho gia đình tôi. Giờ nhìn đứa con phải chịu cảnh tàn tật suốt đời như thế mà họ còn mặc cả như một thứ hàng hóa. Chúng tôi thật sự rất đau đớn”, chị Hường nghẹn ngào nói.
Chị Hường cũng cho biết, hiện gia đình đã nhờ phía luật sư tính toán các khoản bồi thường, quyền lợi mà con chịu phải được hưởng.
“Các bác sĩ nói giờ trường hợp của cháu phải lắp chân giả rất nhiều lần, vì cháu đang ở độ tuổi phát triển. Riêng tiền lắp chân giả cũng lên đến hàng trăm triệu đồng rồi. Lúc đầu gia đình tính toán rồi đưa ra mức bồi thường là hơn 1,6 tỷ đồng, sau đó giảm xuống từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng nhưng họ không chấp nhận. Nếu họ tiếp tục không đồng ý thì gia đình sẽ khởi kiện ra tòa”, chị Hường nói.
Trao đổi với PV, ông Trần Xuân Nam, Cán bộ thanh tra, Trung tâm Viễn thông Hà Tĩnh cho biết: “Hiện các bên đang tiếp tục thương lượng, thỏa thuận. Về mức bồi thường cho cháu Sang thì trung tâm đang đưa ra mức khoảng 270 triệu đồng đến 280 triệu đồng”.
“Khi nào giải quyết xong việc bồi thường, hỗ trợ cho cháu Sang thì chúng tôi mới tiến hành kỷ luật những người liên quan đến vụ việc”, ông Nam cho biết thêm.
Cũng về vụ việc này này, luật sư Phan Chiều, Phó văn phòng Luật An Phát, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh cho biết trong trường hợp giữa các bên không thống nhất được cách thức và chi phí bồi thường thì gia đình cháu Sang có thể khởi kiện ra tòa.
Luật sư Phan Chiều nhấn mạnh, ngoài việc bồi thường theo quy định của pháp luật thì cần phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà.
“Theo nội dung Công văn số 69/VTLH ngày 28/11/2016 của Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà báo cáo về vụ tai nạn lao động tại đơn vị thể hiện rất rõ: “khi đã bàn giao cột và mặt bằng xong thì ông Nguyễn Xuân Dương - tổ trưởng tổ kỹ thuật trở về đơn vị”. Như vậy tại thời điểm xảy ra sự việc không có bất cứ ai của chủ đầu tư (Trung tâm Viễn thông Lộc Hà) tiến hành giám sát, quản lý nhóm người lao động này làm việc để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động.
Việc ông Nguyễn Xuân Dương không ở lại trực tiếp công trình để giám sát, quản lý nhóm lao động trên làm việc mà rời bỏ vị trí của mình trở về đơn vị là hoàn toàn trái quy định pháp luật, cho thấy sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác giám sát, quản lý của Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà đối công trình thuộc đơn vị mình quản lý dẫn đến sự cố đau lòng trên.
Đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 3 Điều 10 Nghị định 157/2007/NĐ-CP Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ thì trong trường hợp này nếu Giám đốc Trung tâm Viễn thông Lộc Hà có hành vi: “Không giao nhiệm vụ hoặc giao nhiệm vụ cho cấp dưới không rõ; không kiểm tra hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện.” thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, có thể phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm: kỷ luật, dân sự, vật chất và trách nhiệm hình sự”, luật sư Phan Chiều nhấn mạnh.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này
Xuân Sinh