Bạn đọc viết:

Cầu vượt đi bộ tại Hà Nội: Nơi cần thì thiếu, nơi có thì thừa

(Dân trí) - Cầu đi bộ được xem là một biện pháp giảm ùn tắc giao thông rất hiệu quả, nhưng việc đầu tư không đúng nơi, đúng chỗ, không đúng mục đích cũng gây lãng phí nhiều tỷ đồng của nhà nước.

Đã có nhiều giải pháp để chống ùn tắc tại nút giao thông Xuân Thủy - Phạm Văn Đồng nhưng tình hình giao thông tại đây vẫn không tiến triển nhiều.

Các xe máy buộc phải dừng lại cho đoàn người đi qua
Các xe máy buộc phải dừng lại cho đoàn người đi qua

Tại đoạn đường trước trường Đại học Quốc gia Hà Nội, từng đoàn người nối nhau băng qua các đầu xe. Trung bình trong một tiếng đồng hồ có hàng trăm lượt với khoảng gần một nghìn người đi bộ qua đây. Những đoàn người này như một cột đèn giao thông buộc các lái xe phải dừng lại nhường đường, nếu tính trung bình 1 đoàn người đi qua mất khoảng 10 giây thì trong 1 giờ đồng hồ, các xe phải dừng lại khoảng 16 phút để nhường đường cho người đi bộ, vì thế tắc nghẽn giao thông liên tục là điều không thể tránh khỏi.

Đây là nơi tập trung của rất nhiều trường đại học, lượng sinh viên qua lại đường đông vì thế có nhiều đoạn đường được ngăn ra dành cho người đi bộ gây ùn tắc, ứ đọng tại thành từng khúc nhỏ. Bên cạnh đó, trước điểm giao thông trên là khu chợ xanh, tại đây vào giờ cao điểm mỗi ngày, từng đoàn xe máy nối đuôi nhau từ làn đường ngược chiều băng qua đường để vào chợ. Tại đây các lái xe lại tiếp tục phải dừng xe lại một lần nữa. Trên một tuyến đường dài hơn 100m mà phải dừng lại 4 đến 5 lần đã làm rất nhiều lái xe không giấu được vẻ bực tức.
 
Cả chục người chờ qua đường
Cả chục người chờ qua đường

Một số người hành nghề xe ôm ở đây cho biết, đã có rất nhiều lái xe không giữ được sự bình tĩnh khi rất nhiều đoàn người đi bộ chặn đầu xe họ, buộc cái lái xe phải chờ rất lâu vào giờ cao điểm, gây ùn tắc cục bộ.

Khác hẳn với hình ảnh tại đường Xuân Thủy, tuyến đường Giảng Võ có nhiều cầu đi bộ, nhưng một sự thật đáng buồn là có rất ít người qua lại, mỗi giờ chỉ có khoảng vài chục người đi lại, thậm chí là không có người qua; gầm cầu trở thành nơi tụ tập, để đồ đạc của những người bán giải khát, sửa xe, là nơi nghỉ chân của những gánh hàng rong.
 
17 giờ 30', cầu đi bộ tại đường Giảng Võ gần như không có người đi lại
17 giờ 30', cầu đi bộ tại đường Giảng Võ gần như không có người đi lại
17 giờ 30', cầu đi bộ tại đường Giảng Võ gần như không có người đi lại

Đây là một hiện trạng cụ thể chứng minh rõ việc đầu tư xây dựng cầu đi bộ theo "cảm tính: và không sát với thực tế. Nơi đông dân cư, có nhu cầu đi lại lớn thì không được đầu tư còn nơi nhu cầu đi lại ít thì xây dựng ồ ạt, không những không đáp ứng nhu cầu mà còn lãng phí hàng chục tỷ đồng của nhà nước.

Nguyễn Vũ