Câu chuyện “ưu tiên” của người “làm luật” trên đường
Tôi nghĩ Dân trí nên có cả loạt bài về vấn đề này, mặc dù đấy là điều quá cũ, cũ lắm rồi, ai cũng biết, nói cũng nhiều, nhiều đến phát chán ... Nhưng hình như vẫn là chuyện mới. Đó là vấn đề mãi lộ trên đường.
Tôi nhận thấy 99% những chuyến đi xa của tôi anh lái xe khách đều phải "làm luật" (đúng thuật ngữ của dân tài xế) với CSGT. Và cứ để ý mà xem, các tài xế họ "múa" cho nhau xem như thế nào khi gặp bạn đi ngược chiều, ban đầu tôi cứ tưởng họ quen nhau nên vẫy tay chào hỏi, sau mới ngớ ra là họ đang ra hiệu cho nhau biết phía trước có trạm "thu lộ phí" để chuẩn bị tư thế sẵn sàng.
Một lần tôi đi từ Hà Nội về Thanh Hóa bằng xe máy, khi qua địa phận Phủ Lý - Hà Nam, vì bị một xe tải lớn đi phía trước cản đường khuất tầm nhìn nên lỡ vượt đèn đỏ. Một anh CSGT còn rất trẻ huýt còi và tôi ngoan ngoãn dừng lại, sau khi nghe anh ta "đọc lệnh" là : Anh vi phạm không chấp hành tín hiệu giao thông, phạt 150 ngàn và giữ xe 15 ngày. Sau đó anh ta chỉ tôi qua bên đường nơi có một sỹ quan CSGT lớn tuổi hơn đang đứng trong bốt để làm thủ tục phạt.
Khi qua bên đó, người sỹ quan lớn tuổi ấy (tôi còn nhớ rõ cấp bậc và cả cái tên trên ngực áo) cũng "đọc lệnh" y như anh kia, và còn lấy ra mấy quyển luật be bé bằng cuốn lịch vạn niên bỏ túi đọc lại cho tôi nghe. Tôi phân trần rằng do bị khuất tầm nhìn nên có nhỡ vi phạm, chứ cũng không cố ý. Anh ta bảo: "Tất nhiên rồi, ai phạm luật mà chả không cố ý (?)".
Rồi anh ta lấy biên bản ra lập, nhưng chưa viết gì vội anh ta hỏi tôi: "Bây giờ thế nào? Muốn nộp phạt giữ xe hay không?" Tôi chợt "hiểu" ra điều gì đó, vội móc ví đặt lên bàn một tờ Polyme 50.000 đồng. Anh ta trừng mắt quát tôi (nguyên văn câu anh ta nói tôi nhớ như in): "Đi ra ngoài kia, không đủ tiền lưu kho".
Tôi không hiểu "tiền lưu kho" nghĩa là gì, lại ngoan ngoãn móc thêm một tờ polyme như thế nữa để lên bàn, anh ta tự nhiên rất ôn tồn: "Giấy tờ xe em đây, lần sau đi đứng cẩn thận nhé !"
Ở nơi khác tôi không biết chứ ở Thanh Hóa nhà tôi, gần như 100% những người bị thổi phạt ở các ngã ba ngã tư có đèn đỏ đều là những "nông dân" nhà quê lơ ngơ và đội mũ bảo hiểm cẩn thận, còn mấy anh thành phố đi xe không gương chiếu hậu vượt đèn đỏ thản nhiên như đi ở trong làng.
Còn một câu chuyện nữa, tôi nghĩ cũng nên thảo luận, đó là thái độ các cảnh sát đi dẹp các quán hàng bán rong. Việc bán rong trên các vỉa hè là việc làm không khuyến khích vì mất mỹ quan đường phố, trật tự đô thị. Nhưng mấy bác CSTT khi đi "dọn dẹp" cũng quá ngang tàng, họ sẵn sàng xô, đạp, ném, và đập phá nữa bất cứ cái gì.
Một chị có 2 sọt dưa hấu vừa dừng lại chưa bán được quả nào, mấy bác CSTT đến chị ta chưa kịp "chạy" thì ... bộp bộp - những quả dưa trở thành những quả pháo đất. Còn một dì bán hàng nước chè xanh cũng vì lọ mọ chạy không kịp nên bị tịch thu nguyên cả giỏ tích, ghế và cả khay thuốc lá. Tôi tự hỏi: Mấy người bán hàng rong kia có tội tình đến mức coi thân phận họ rẻ rúng quá? Gánh hàng kia là cả gia tài đối với họ có nên phóng tay mà đập phá như vậy hay không?
Tôi nghĩ rằng người cảnh sát nhân dân không nên có thái độ như vậy với người dân dù họ có những sai phạm về trật tự đường phố cần phải uốn nắn, giáo dục.
LTS Dân trí - Mọi người được khoác lên mình bộ sắc phục công an đều thấy vinh dự vì được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó nhiệm vụ đặc biệt là lực lượng xung kích và nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống yên bình cho mọi người dân. Cũng vì lẽ đó, nhân dân luôn gửi gắm niềm tin và đòi hỏi người công an có đạo đức và tác phong chuẩn mực, gương mẫu để mọi người dân nhìn đó mà noi theo.
Những hiện tượng tiêu cực qua việc “làm luật” trên đường hoặc hách dịch với người dân như bài phản ánh trên đây đều hết sức xa lạ với chuẩn mực của người công an nhân dân. Không thể để những “con sâu” làm rầu lòng cả lực lượng công an vốn có truyền thống gắn bó với nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ!