Câu chuyện trạm dừng nghỉ trên cao tốc không chỉ là vấn đề đi vệ sinh

PV

(Dân trí) - "Tôi không hiểu tại sao cơ quan quản lý cao tốc này không chủ động gửi công văn hỏi Bộ về việc xây trạm dừng nghỉ mà còn chờ yêu cầu từ trên xuống?".

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 200 km, là tuyến đường mới giúp việc đi lại của người dân từ TPHCM về Bình Thuận được thuận lợi. Tuy nhiên, một trong những trải nghiệm tồi tệ của hành khách trên chặng đường này là phải di chuyển quãng đường 3 tiếng trên xe mà không có trạm dừng nghỉ nào.

Để "giải quyết nỗi buồn", nhiều người phải phóng uế, đi vệ sinh ở khu vực dừng khẩn cấp, gây ra hình ảnh phản cảm, mất vệ sinh.

Trong bối cảnh éo le đó, chiếc thang sắt bắc qua hàng rào cao tốc, dẫn tới một quán cóc ven đường có nhà vệ sinh đã thành "cứu tinh" của nhiều người. Theo đó, lái xe sẽ tấp xe vào bãi đất trống nơi chiếc thang chờ sẵn. Người muốn đi vệ sinh sẽ vượt qua hàng rào thép gai, đi vào quán cóc để vệ sinh, nghỉ ngơi và giải khát.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, ông Nguyễn Thái Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (PMU7), Bộ Giao thông vận tải, khẳng định hiện đơn vị chưa thể triển khai hạng mục trạm dừng nghỉ vì không nhận được chỉ đạo từ Bộ Giao thông vận tải. Theo ông, hai vấn đề chính là chi phí và quản lý ra sao. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an toàn cũng như tính pháp lý của dự án cũng là những điểm vướng mắc.

Cảnh leo rào để đi vệ sinh của hành khách trên cao tốc qua Bình Thuận.

Ngao ngán cảnh "chuyền bóng" của các cơ quan quản lý

Những hình ảnh tạm bợ, nhếch nhác, phản cảm xảy ra trên một trong những tuyến cao tốc mới nhất khiến nhiều người không khỏi bất bình, ngao ngán. "Chuyện thật như đùa, các bên quản lý liên quan thì đang chơi bóng chuyền. Nếu có tâm thì các vị ít nhất cũng làm một số nhà vệ sinh công cộng ở một bãi đất trống phục vụ tạm cho người lưu thông tới khi công trình chính thức đi vào hoạt động", độc giả Tam Vo Cong viết.

Tương tự, chủ tài khoản Bao Lam cũng cảm thấy bất bình và khó hiểu trước cách trả lời theo kiểu "chuyền bóng": "Sở GTVT tỉnh Bình Thuận từng trao đổi với PMU7 về việc dựng một nhà vệ sinh tạm, nhưng không thống nhất được về chuyện quản lý, vận hành. Có nghĩa là đã có yêu cầu đặt ra, nhưng yêu cầu được tiếp nhận và bỏ mặc vì không ai biết ai sẽ làm cái gì?.

Nếu theo ông Hà thắc mắc vì chưa có chỉ đạo nên chưa làm, tại sao không chủ động gửi công văn hỏi Bộ mà còn chờ yêu cầu từ trên xuống? Bộ quản lý rất nhiều thứ, có phải mỗi cao tốc đâu mà chờ chỉ đạo, hướng dẫn?".

"Tuy là những hạng mục phụ nhưng vẫn cần thiết phải có để tạo thành một dự án khép kín, nhưng đó lại không phải những hạng mục sinh lời, đem lại lợi nhuận nên luôn bị trì hoãn kéo dài, thậm chí chây ì thoái thác trách nhiệm. Các cơ quan quản lý cần phải có những chế tài mang tính ràng buộc trách nhiệm hơn nữa với những dự án công trình kiểu này, khi mà toàn bộ các hạng mục phụ trợ chưa hoàn thành thì nhất quyết không cho phép đưa vào khai thác vận hành thương mại", độc giả Phan Trọng phân tích và đưa ra giải pháp với thực trạng xảy ra trên cao tốc hiện nay.

Độc giả Trần Văn chỉ ra một bất cập khác trong khâu quản lý, đó là quy trình thực hiện quá phức tạp khiến nhiều người muốn triển khai nhưng e ngại về câu chuyện "làm không đúng quy trình". Độc giả này bình luận hóm hỉnh: "Thứ nhất, nếu Bộ GTVT chỉ cho làm trạm dừng nghỉ cho cao tốc từ Thanh Hóa đổ ra, quên mất người dân Bình Thuận, các lãnh đạo cần xem lại bởi khả năng nhịn đi vệ sinh của người phía Nam cũng như người dân phía Bắc, không tốt hơn đâu.

Thứ hai, nếu PMU không cần Bộ chỉ đạo mà mạnh dạn làm luôn vì thấy cần thiết, tôi cũng thấy ái ngại hộ PMU Thăng Long vì họ dám nghĩ dám làm, tốt cho người dân nhưng nhiều đơn vị nhìn vào thì quy kết là "làm không đúng quy trình", vậy là lại khổ đấy".

Câu chuyện trạm dừng nghỉ trên cao tốc không chỉ là vấn đề đi vệ sinh - 1

Người dân lưu thông trên cao tốc này muốn đi vệ sinh sẽ vượt qua hàng rào thép gai, đi vào quán cóc để vệ sinh, nghỉ ngơi và giải khát.

Lo ngại về sự an toàn cho tài xế

Không chỉ dừng lại ở vấn đề đi vệ sinh, câu chuyện cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ còn khiến nhiều độc giả cảm thấy lo ngại về sự an toàn cho những người ngồi sau vô lăng. Từng di chuyển trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn đường cũng không có trạm dừng nghỉ, độc giả Bình chia sẻ: "Tôi chạy từ Ninh Bình vào Nghi Sơn (Thanh Hóa) thấy mệt kinh khủng, phải 3 lần tấp vào lề khẩn cấp ngủ ngắn 3 giấc, mỗi giấc 15 phút mới dám chạy tiếp".

"Các phương tiện hiện đại giờ đều có chế độ nhắc nhở về việc nếu chạy xe quá lâu thì nên dừng lại để nghỉ ngơi. Nhưng thử hỏi không có trạm dừng nghỉ thì nghỉ ở đâu?.

Câu chuyện trạm dừng nghỉ không chỉ là vấn đề đi vệ sinh, đây còn là vấn đề an toàn, tính mạng con người, là nơi để các tài xế được nghỉ ngơi sau nhiều giờ chạy xe căng thẳng. Ai chạy xe nhiều sẽ hiểu, chạy cao tốc đường dài, liên tục thì mệt mỏi vô cùng, nhiều khi người cứ đơ ra, nếu không được nghỉ ngơi sẽ hết sức nguy hiểm", độc giả Hoàng Linh tiếp lời.

Còn dưới góc độ kinh tế, anh Thái Hoàng cho rằng xây dựng trạm dừng nghỉ còn là cơ hội để chủ đầu tư có thể khai thác thêm các dịch vụ tiện ích, từ đó gia tăng doanh thu cho đơn vị. "Việc cho phép xây dựng điểm dừng chân, cửa hàng tiện lợi, cây xăng hay nơi lưu trú tại các nút giao lên xuống cao tốc sẽ rất hữu dụng, tiện lợi cho cả chủ đầu tư và người sử dụng khi vừa giúp người dân có nơi nghỉ ngơi, ăn uống, giải quyết nhu cầu cá nhân còn cơ quan quản lý có thể phát sinh thêm những lợi ích về kinh tế", độc giả này gợi ý.

Hoàng Diệu (tổng hợp)